Sau nhiều năm thi hành pháp luật đất đai, tranh chấp đất giữa các thành viên trong gia đình về thừa kế, tặng cho vẫn là đề tài muôn thuở.
Sau nhiều năm triển khai thi hành pháp luật đất đai, tình hình tranh chấp đất trong cộng đồng dân cư có chiều hướng giảm và đi vào ổn định, nhưng tranh chấp đất giữa các thành viên trong gia đình, nội bộ thân tộc về thừa kế, tặng cho… vẫn là đề tài muôn thuở.
“Giàu út ăn, nghèo út chịu” không được chấp nhận
Vợ chồng ông Hoàng (ở huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) đến với nhau từ khi ông mới 18 và bà chỉ 17 tuổi. Vốn liếng chẳng có được là bao nhưng nhờ chăm chỉ làm lụng, khéo thu vén nên tài sản ông bà tạo dựng được tạm gọi là khá ở trong vùng.
|
Ảnh minh họa |
Đất ruộng, vườn cũng đến gần 5ha; nhà dựng bằng gỗ lợp lá nhưng rộng rãi, thoáng mát. Con tuy không nhiều so với các gia đình vào thời điểm bấy giờ nhưng 6 đứa thì cũng đủ đông vui, thuốc thang cho cha mẹ tuổi già.
Đứa con rơi mà ông mang về cũng được bà chấp nhận, coi như con ruột trong gia đình; anh chị em tuy cùng cha khác mẹ nhưng được cái hòa thuận.
Khi các con trưởng thành, ai nấy đều có gia đình riêng cũng là lúc bà ra đi, để lại cho ông sự cô đơn, hụt hẫng.
Trước đây khi bà còn sống, vợ chồng ông cho mỗi đứa ra ở riêng 5 công đất tầm lớn (hơn 6000m2), không phân biệt trai hay gái coi như của hồi môn để làm vốn khởi nghiệp, số còn lại dành để dưỡng già; con út ở với cha mẹ thì “giàu út ăn, nghèo út chịu”.
Tuy đất đai chưa có giấy tờ gì nhưng việc cắt đất cho con đã được hoàn thành, đứa nào cũng làm được “Sổ đỏ” tên mình.
Còn lại gần 2ha, các con cũng giúp cha làm thủ tục đứng tên trong “Sổ đỏ” sau 8 năm kể từ thời điểm mẹ mất.
Mới đó đã 26 năm trôi qua, ông Hoàng giờ đây đã già yếu và muốn sang tên “Sổ đỏ” số đất đai của mình cho người con út, nhưng xem ra khó thực hiện khi những người con khác đòi chia thừa kế thửa đất hơn 3000m2 giáp lộ.
Thửa đất ruộng phía trong không có đường đi, không có đường dẫn nước, các anh chị nhường lại cho em út.
Ông Hoàng đành nhờ xã phân xử, nhưng xã cũng rối không biết đất này có phải của vợ chồng ông Hoàng hay chỉ của cá nhân ông; nếu là tài sản chung của vợ chồng thì phải giải thích thế nào khi thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đã hết; tập quán “giàu út ăn, nghèo út chịu” có được pháp luật thừa nhận trong trường hợp này?
Tình và lý nghiêng về con út
Theo Luật gia Bùi Đức Độ: Đất đai là loại tài sản đặc biệt phải được Nhà nước công nhận, giao đất…bằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ - Sổ đỏ).
Nguồn gốc đất ban đầu là của vợ chồng ông Hoàng tạo lập, nhưng chưa được Nhà nước công nhận nên chưa được coi là của vợ chồng ông Hoàng.
Đến năm 1997 Nhà nước công nhận QSDĐ cho ông Hoàng thể hiện qua việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Hoàng, khi đó không có ai phản đối việc cấp giấy này nên xem như ông Hoàng có toàn quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế… mà không cần phải có sự đồng ý của các con.
Pháp luật về đất đai quy định một trong những điều kiện để thực hiện các quyền này là đất không bị tranh chấp. Vậy nên ông Hoàng có quyền lập hợp đồng tặng cho những thửa đất không bị tranh chấp, còn thửa đất hơn 3000m2 có tranh chấp phải chờ kết quả giải quyết.
Trường hợp này, thời hiệu khởi kiện để chia thừa kế đã hết (trong thời hạn 10 năm) nên không có quyền khởi kiện về chia thừa kế. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC: Khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế.
Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
Theo Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, tập quán cũng được xem là chứng cứ trong vụ án dân sự. Nghị quyết giải thích: “Tập quán là thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản xuất và sinh hoạt thường ngày, được cộng đồng nơi có tập quán đó thừa nhận và làm theo như một quy ước chung của cộng đồng”.
Trong trường hợp phải giải quyết tranh chấp, có thể áp dụng câu thành ngữ “giàu út ăn, nghèo út chịu” – ý nói, sau khi gây dựng cho các con lớn, cha mẹ ở lại với con út; nếu nhà có của thì con út được hưởng, ngược lại nhà nghèo, cha mẹ già yếu, con út chưa trưởng thành thì phải chịu thiệt thòi là tập quán để giải quyết vụ tranh chấp này.
Mặt khác, về mặt tình cảm, đạo đức, người con út đã có công chăm sóc, phụng dưỡng cha trong nhiều năm nên được hưởng tài sản của cha mẹ để lại cũng là vẹn tình.