Trong thời gian gần đây, tình trạng sử dụng hợp đồng giả cách nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là đất đai, đã xuất hiện tại nhiều địa phương. Đây là hình thức mà người cho vay lợi dụng sự khó khăn tài chính của người vay, yêu cầu họ ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản (thường là đất đai) dưới dạng mua bán, nhưng thực chất để đảm bảo cho khoản vay. Nếu không cẩn trọng, người vay có thể mất trắng tài sản khi xảy ra tranh chấp pháp lý.
 |
Có không ít trường hợp ký kết hợp đồng giả cách nhằm che giấu những giao dịch vi phạm pháp luật thậm chí nhằm mục đích lừa đảo. Ảnh minh họa. Nguồn: PLTP |
Bản chất của hợp đồng giả cách
Giao dịch dân sự sẽ chỉ có hiệu lực khi đảm bảo đủ các điều kiện: chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Từ thực tế có không ít trường hợp các chủ thể tham gia giao dịch đã thoả thuận, thống nhất xác lập một giao dịch giả tảo (ký kết hợp đồng giả cách).
Hợp đồng giả cách là hợp đồng được lập ra nhằm che giấu một giao dịch khác.
Trong nhiều trường hợp, người vay tiền phải ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người cho vay, nhưng thực chất đây chỉ là biện pháp đảm bảo cho khoản vay, không phải là ý chí thực sự của các bên trong việc mua bán tài sản.
Đơn cử, trong quan hệ vay mượn tài sản, để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ thì bên cho vay yêu cầu bên vay nợ phải sang tên bất động sản của mình cho bên cho vay, nếu đến thời điểm trả nợ mà bên đi vay không trả được nợ thì bên cho vay có quyền định đoạt bất động sản đó để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ.
Hậu quả pháp lý của hợp đồng giả cách, theo Điều 131 BLDS 2015 quy định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại cho nhau những gì đã nhận, trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả; bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó; Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Rủi ro pháp lý cho người vay và hậu quả thực tế
Hợp đồng giả cách được thực hiện có thể vì nhiều lý do, có thể từ một bên hoặc cả hai cùng cố ý thoả thuận nhằm đạt được các mục đích kinh tế khác lớn hơn hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế, phí đối với Nhà nước.
Đối với trường hợp cho vay tín dụng đen, các bên lập hợp đồng giả cách sang nhượng tài sản nhưng với mục đích thực sự là vay vốn.
Hình thức này được thực hiện bằng việc công chứng tài sản đảm bảo với giá trị cao để hợp thức hóa khoản vay, sau đó, người cho vay bằng các biện pháp của mình, biến tài sản đó từ của người đi vay thành của người cho vay.
Đây là tình trạng diễn ra trong hoạt động cho vay có dấu hiệu tín dụng hiện nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự xã hội cũng như gây thiệt hại nặng nề tài sản cho bên đi vay.
Khi xảy ra tranh chấp, người cho vay thường sử dụng hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng làm bằng chứng để khẳng định quyền sở hữu tài sản.
Do hợp đồng này có đầy đủ chữ ký và được công chứng hợp pháp, cơ quan chức năng thường gặp khó khăn trong việc xác định bản chất thật của giao dịch, dẫn đến việc người vay có nguy cơ mất tài sản.
Khi có những căn cứ để xác định hợp đồng mua bán tài sản nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì theo quy định của BLDS, tòa sẽ tuyên hợp đồng này vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.
Vấn đề khó khăn là bên cho vay thường tiến hành thủ tục mua bán, chuyển nhượng đúng pháp luật, trong khi bên đi vay nhiều khi không có chứng cứ gì chứng minh chuyện mua bán, chuyển nhượng đó chỉ là giả tạo nhằm đảm bảo cho khoản vay.
Để tránh rơi vào bẫy của hợp đồng giả cách, người vay cần lưu ý: Tìm hiểu kỹ hợp đồng: Trước khi ký bất kỳ hợp đồng nào liên quan đến tài sản, cần đọc kỹ và hiểu rõ nội dung, tránh việc ký kết các hợp đồng có thể gây mất quyền lợi. Tham khảo ý kiến chuyên gia pháp lý: Nếu không chắc chắn về nội dung hợp đồng, nên tham khảo ý kiến của luật sư hoặc chuyên gia pháp lý để được tư vấn. Sử dụng biện pháp đảm bảo hợp pháp: Thay vì ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản, có thể sử dụng các biện pháp đảm bảo khác như thế chấp tài sản, cầm cố, phù hợp với quy định pháp luật. |
Kết luận
Có thể thấy bản chất của hợp đồng giả cách là một loại hợp đồng xác lập một giao dịch dân giả tạo nhằm che dấu một giao dịch dân sự khác, đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Do đó, mỗi cá nhân, tổ chức khi đặt bút ký vào các hợp đồng, cần lưu ý tìm hiểu kỹ càng tránh rơi vào trường hợp bất lợi, vi phạm pháp luật, đảm bảo an toàn khi tham gia vào các giao dịch dân sự.
Hợp đồng giả cách là một rủi ro tiềm ẩn đối với những người đang cần vay tiền và sử dụng tài sản làm đảm bảo. Việc thiếu hiểu biết pháp luật và sự cẩn trọng có thể dẫn đến mất mát tài sản lớn.
Do đó, người dân cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu kỹ và tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản để bảo vệ quyền lợi của mình.