Hai người đàn ông tình thân như thủ túc bỗng chốc chỉ vì món lợi vật chất mà tình cảm sứt mẻ, đưa nhau thưa kiện tại tòa. Kết quả thì ai cũng đạt được mục đích nhưng không nụ cười chiến thắng nào nở trên môi vì họ mãi mãi mất đi một người bạn, một mối bang giao nhiều năm vun đắp không tiền bạc nào mua được.
 |
Phiên tòa đặc biệt khi Hội đồng xét xử, luật sư cùng tham gia như những hòa giải viên để giúp đương sự đi tới thỏa thuận thành công. |
Đất “ăn” tình bằng hữu
Cao Thanh Dương và Phạm Văn Tuận (đều ngụ huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) vốn người cùng làng, tình thân như thủ túc, tối lửa tắt đèn đều có nhau. Mối quan hệ thâm tình ấy, sau nhiều năm vun đúc đến ngày đơm hoa kết trái hai nhà kết nghĩa anh em.
10 năm trước, do hoàn cảnh kinh tế còn eo hẹp, gia đình ông Dương đã nhiều lần vay tiền ông Tuận để chi tiêu và sang sửa nhà cửa, nhưng vì tin tưởng nhau nên hai bên chỉ có “hợp đồng miệng". Trong thời gian chờ có đủ tiền trả nợ, gia đình ông Dương đã thỏa thuận viết giấy bán đất cho ông Tuận để làm tin mà không cần các thủ tục cần thiết như biên bản bàn giao, hay kiểm tra tình trạng pháp lý của thửa đất.
Bẵng đi thời gian dài, vào giữa năm 2023, giá đất lên cao phi mã, con trai ông Dương lại xây nhà lấn sang phần đất được cho rằng đã bán cho ông Tuận. Vì lý do này, ông Tuận đã đề nghị gia đình ông Dương bàn giao lại thửa đất đã thỏa thuận bán trước kia. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, việc mua bán trước kia chỉ là giả cách, để làm tin cho khoản nợ vay, bản thân ông không ký vào hợp đồng do lúc ấy vắng nhà. Hơn nữa, tới năm 2017, ông đã trả gốc và lãi cho gia đình ông Tuận một số tiền không nhỏ.
Tuy nhiên, ông Tuận cho rằng, việc mua bán là có thật, trước khi hai bên ký hợp đồng mua bán, qua điện thoại ông Dương đồng ý nên tin tưởng lẫn nhau. Ông Tuận không nhận khoản tiền nào của gia đình ông Dương và hợp đồng mua bán nêu trên không phải để đảm bảo cho khoản nợ nào.
Vụ việc tranh chấp nhiều lần leo thang, thậm chí, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc hòa giải nhưng đều bất thành. Vì vậy, ông Tuận đã quyết định gửi đơn tới tòa án để phân định trắng đen. Hai người đàn ông từ chỗ thân tình như thủ túc, gắn bó keo sơn vượt qua bao khó khăn, hoạn nạn cùng nhau bỗng chốc từ mặt, thành hai chiến tuyến.
Phiên tòa đặc biệt
Ngày hôm ấy, phiên tòa diễn ra trong cơn mưa nặng hạt, sau bão Yagi, ngoài Hội đồng xét xử, luật sư bào chữa và một người làm chứng chỉ có ông Dương và Tuẫn mỗi người một bên, không một ai thân thích theo sau dự khán. Có vẻ đây chỉ như cuộc chiến còn lại của 2 người đàn ông Dương - Tuẫn, vốn từ chỗ thân tình nay như mặt trăng - mặt trời đứng đối chất, bốp chát nhau bằng những lí luận riêng của mình.
Không ngờ! Đó là câu nói uất nghẹn biến thành nước mắt khi ông Dương thốt lên trước Hội đồng xét xử.
"Vì lý do nào ông lại khởi kiện tôi? Tôi đã trả đủ ông cả gốc lẫn lãi? Căn cứ vào đâu mà ông viết đơn khởi kiện tôi để đòi đất..." Ông Dương cứ dồn dập truy hỏi ông Tuận...
"Gia đình tôi tin tưởng vào lời hứa khi nào lấy được sổ về (ý ông Dương đang thế chấp ngân hàng) sẽ sang tên cho nhưng chỉ là lời hứa suông!" Ông Tuận đáp lại.
“Thế giờ tôi trả ông tiền vay gốc ông có nghe không?”, ông Dương hỏi. “Không!” Câu trả lời ngắn gọn đầy lạnh lùng của ông Tuận.
Những ai oán, trách cứ và chất vấn lẫn nhau, giữa ông Dương và Tuận, thêm phần hỏi của HĐXX để làm rõ ai mất, ai được khiến không khí phiên tòa căng thẳng lên đỉnh điểm. Từng câu hỏi như vết dao cứa sâu gọt đi tình cảm vun đắp giữa hai gia đình.
Giữa lúc như ấy, vị luật sư bào chữa bỗng đặt ra tình huống: “Sống tình, tiền có mang đi được đâu?” Giờ đây, trước HĐXX khuyên 2 ông nên thỏa thuận, bàn bạc và thống nhất một mức nào đó?
“Thỏa thuận” bỗng trở thành từ khóa đưa phiên tòa từ sự căng thẳng giữa hai bên tự nhiên dịu hẳn. HĐXX cũng rất linh hoạt, cho nghỉ giải lao phiên tòa để 2 bên thương lượng với nhau.
Lúc này, một điều có lẽ xưa nay hiếm ở các phiên tòa xét xử là khi thẩm phán, luật sư của cả 2 bên bỗng hóa thân thành những hòa giải viên, họ xúm lại cùng trao đổi, bàn bạc và vận động, tính toán thiệt hơn, được mất giữa 2 gia đình để đi đến một lộ trình hợp lý nhất. Phiên giải lao kéo dài hơn dự kiến, để những uẩn khúc, những thiệt hơn được hai bên tính toán thật chi tiết. Kết quả cuối cùng được sơ bộ được định đoạt: Ông Dương nhận thêm tiền và ông Tuận nhận đủ đất.
Cuối cùng để thuận lợi cho việc tìm lời giải, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa để đi thực địa xác định ranh giới thửa đất có tranh chấp giữa 2 bên.
Đứng giữa khán phòng, vị thẩm phán không ngần ngại điện thoại sắp xếp cả 1 êkip gồm viện kiểm sát, HĐXX, cơ quan chức năng định ngày, giờ tới trực tiếp hiện trường để đo đạc, kiểm đếm thửa đất.
Nút thắt được gợi mở, nhưng không nụ cười nào nở trên môi dù mỗi bên cũng đã đạt được mục đích là đều cảm thấy không bị thiệt thòi trong vụ việc này. Bởi xét tới tận cùng, cái mất lớn nhất đó chính là tình nghĩa thân bằng cố hữu giữa hai gia đình vun đắp bao nhiêu năm, trải qua đủ bể dâu cùng nhau bỗng chốc tan biến vì lợi ích trước mắt.
Câu chuyện của ông Dương - ông Tuẫn vốn không hiếm xảy ra trong đời sống xã hội hiện nay, là minh chứng cho lòng tham, sự ích kỷ và cái tôi quá lớn đã xui khiến con người bỏ qua những giá trị đạo đức nhân văn mà đề cao tiền bạc, vật chất. Thế nên, đây vẫn mãi là bài học chưa bao giờ cũ giúp chúng ta tự nhìn lại bản thân và các mối quan hệ trong đời sống, đừng để, vì cái lợi trước mắt mà mất đi tình cảm, danh dự mà tiền bạc không thể khỏa lấp và lấy lại được.
Tóm tắt nội dung vụ việc: Theo bản án số 56/2024/DS-ST, ngày 10/04/2024 vụ án “Tranh chấp hợp đồng quyền sử dụng đất” do TAND huyện Hải Hậu phán quyết, xác định hợp đồng mua bán đất năm 2014 giữa gia đình ông Dương và Tuận là vô hiệu. Tuy nhiên, xác định lỗi thuộc về gia đình Dương nên phải bồi thường cho gia đình ông Tuận số tiền hơn 600 triệu đồng. Ông Dương không đồng ý, cho rằng việc bồi thường trên là thiếu căn cứ, do trên diện tích đất 120m2 nếu có bán cho ông Tuận thì chỉ có 50m2 đất thổ cư, còn lại là đất lúa, đất hành lang giao thông. Vì vậy, ông Dương kháng cáo yêu cầu xem xét lại việc thẩm định giá là 10 triệu đồng/m2 là quá cao và không đúng với thực tế. Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 18/09 vừa qua, hai bên đã thống nhất thỏa thuận coi như ông Tuận chi tiền mua lại thửa đất nêu trên bằng giá thẩm định, sau khi trừ phần phải bồi thường, ông Dương sẽ nhận lại phần còn chênh lệch. |