Sau khi Pháp luật Plus đăng tải bài viết về tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe tràn lan tại cổng Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương, phía Bộ Y tế và bệnh viện đã tiếp nhận thông tin và ngay lập tức có phản hồi về vấn đề này.
Như Pháp luật Plus đã phản ánh, ngày 27/11, trong vai người cần làm giấy khám sức khỏe để hoàn thiện Hồ sơ xin việc, khi đến Bệnh viện Giao thông vận tải, phóng viên đã gặp người đàn ông tên N. tự nhận có thể cung cấp nhanh giấy khám sức khỏe các loại.
Chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ cùng chiều cao, cân nặng và ngồi... uống trà đá là quy trình khám sức khỏe đã hoàn tất. Phóng viên bỏ ra 350.000 đồng là “qua cửa” khám, xét nghiệp máu, nước tiểu, chụp X-Quang,...
Điều đáng nói là con dấu đỏ của tờ giấy khám sức khỏe mà phóng viên mua được từ "cò" giống đến 99% con dấu đỏ của tờ giấy khám sức khỏe mà Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương đang lưu hành.
Có bác sĩ “nhái” trên giấy khám sức khỏe “chợ đen”
Trao đổi với Pháp luật Plus, bà Nguyễn Thị Xuân Loan, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương cho biết: “Năm 2013 và đầu năm 2015, tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe từ “cò” đã từng diễn ra tại bệnh viện. Phía bệnh viện đã phối hợp với cơ quan công an để vào cuộc điều tra vụ việc”.
|
Bà Nguyễn Thị Xuân Loan, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Giao thông vận tải. |
Xét về hình thức, tờ giấy khám sức khỏe mà phóng viên mua được từ “cò” N. rất giống với mẫu quy định của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, những bác sĩ xuất hiện trên giấy khám sức khỏe của cò như: bác sĩ Lê Tuyết Hạnh; bác sĩ Trần Ngọc Ma; bác sĩ Nguyễn Chiến Thắng không hề công tác tại bệnh viện.
Bà Loan khẳng định: “Duy chỉ có bác sĩ Lê Tuyên Hồng Dương thì hiện tại đang giữ chức Phó Giám đốc bệnh viện. Nhưng chữ ký của bác sĩ Dương trong tờ giấy khám sức khỏe này là "nhái". Bởi khi xác nhận, bác sĩ phải trực tiếp ký, ký tươi chứ không phải chữ ký đã được scan như vậy”.
“Về hình thức, con dấu hình tròn, màu đỏ có dòng chữ Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương trông rất giống với mẫu dấu mà bệnh viện đang lưu hành. Còn thật giả như thế nào thì tôi không khẳng định, việc này phải nhờ tới cơ quan Công an giám định”, bà Loan cho biết thêm.
Để chứng minh cho lời khẳng định của mình, bà Loan cho biết quy trình khám sức khỏe tại bệnh viện diễn ra rất nghiêm ngặt. Để được khám sức khỏe, người dân bắt buộc phải trình chứng minh nhân dân và gửi ảnh cho bệnh viện.
Sau khi đăng ký tại phòng tiếp đón, người khám sẽ được điều dưỡng hướng dẫn đến khám tại các phòng. Hoàn thành quy trình khám, điều dưỡng sẽ tập hợp giấy khám sức khỏe mang tới phòng Kế hoạch tổng hợp để xin chữ ký xác nhận và mang đi đóng dấu. Toàn bộ quy trình khám đều được bệnh viện kiểm tra rất nghiêm ngặt.
Bà Loan cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, rất nhiều lần Bệnh viện đã phối hợp với cơ quan công an để triệt phá các ổ nhóm làm giả giấy khám sức khỏe.
“Phía bệnh viện cũng khuyến nghị, bản thân người đi khám sức khỏe cần phải có ý thức hơn. Đồng thời, cơ quan tiếp nhận giấy khám sức khỏe cũng cần phối hợp với phía công an và cơ quan báo chí vào cuộc để chấm dứt tình trạng này”, bà Loan nhấn mạnh.
Bộ Y tế yêu cầu làm rõ sự việc mà Pháp luật Plus phản ánh
Sau nhiều lần liên lạc với Cục Quản lý khám chữa bệnh để phản ánh về tình trạng chào bán giấy khám sức khỏe công khai tại cổng Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương với giá cao hơn quy định mà không cần qua khám xét. Sáng ngày 9/12 Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã có công văn hồi âm Pháp Luật Plus.
Trong Công văn gửi tới Cục Y tế Giao thông vận tải, có nêu rõ:
Từ ngày 07-09/12/2015, Báo Pháp luật Việt Nam, Chuyên trang điện tử Pháp luật Plus có đăng tải loạt bài phán ánh về việc mua bán trái phép Giấy khám sức khỏe có dấu xác nhận của Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương, Cục quản lý, khám chữa bệnh, Bộ Y Tế đề nghị Cục Y Tế Giao thông vận tải:
|
Văn bản chỉ đạo của Bộ Y Tế. |
Khẩn trương xác minh thông tin làm rõ sự việc nêu trên; Xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm).
Kiểm tra, rà soát và có biện pháp chấn chỉnh triệt để tình trạng cung cấp giấy khám sức khỏe trên; Công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan báo chí. Báo cáo về Cục quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y Tế trước ngày 14/12 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ.
Bộ Y tế đã vào cuộc nhưng theo ghi nhận của Pháp luật Plus, tình trạng này không chỉ diễn ra tại Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương mà còn xảy ra ở nhiều nơi khác.
Phát lộ thêm Giấy khám sức khỏe “tự điền” ở Bệnh viện E Sau loạt bài Pháp luật Plus đăng tải về việc chào bán Giấy khám sức khỏe tại cổng Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương. Phóng viên tiếp tục điều tra phát hiện thêm đường dây chuyên mua bán Giấy khám sức khỏe không cần khám tại Bệnh viện E. Vẫn với nhu cầu bổ sung hồ sơ xin việc, phóng viên tiếp tục nhập vai và liên hệ được với người đàn ông tên L.. Sau một hồi thuyết phục L. đồng ý gặp phóng viên để đưa giấy khám sức khỏe. Đúng hẹn, một người đàn ông tên L. bịt khẩu trang kín mít đã đưa cho phóng viên tờ Giấy khám sức khỏe có dấu đỏ của Bệnh viện E. Phóng viên còn chưa hết choáng váng với Giấy khám sức khỏe “tự điền”, L. lại tiếp tục dặn dò: “Muốn làm nhiều thì cứ alo trực tiếp cho anh, giá cả sẽ giảm đi. 20 tờ thì khoảng 100.000 đồng/tờ, còn 50 tờ khoảng 80.000 đồng/tờ. Đó là giá ưu đãi nhất rồi, số lượng tờ có hơn cũng không giảm được nữa”. Vì còn cắt cho bên bác sĩ nữa, cả bên dấu nữa, anh san sẻ như vậy may ra chỉ giữ được 30% thôi, còn đâu là toàn san cho các thứ ở đây chứ có mình anh hết đâu”, L. giải thích. Trao đổi với phóng viên bà Lê Thị Thu Hà - Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện E khẳng định: “Tờ Giấy khám sức khỏe mà phóng viên mua từ cò là hoàn toàn giả mạo. Con dấu không hề giống theo hình thức của con dấu bệnh viện”. Tuy nhiên, hình thức tờ Giấy khám sức khỏe mà Phóng viên mua được từ cò là hoàn toàn giống với mẫu Giấy khám sức khỏe của Bộ Y tế. Trong tờ giấy này có tên của các bác sĩ Đinh Thị Tỉnh, bác sĩ Diễm, bác sĩ Trung, bác sĩ Hà, bác sĩ Minh, và Phó giám đốc Nguyễn Thúy Vinh. “Bác sĩ Tỉnh và Phó giám đốc Nguyễn Thúy Vinh hiện đang công tác trong bệnh viện, nhưng con dấu và chữ ký của hai bác sĩ này trong tờ giấy khám sức khỏe là hoàn toàn giả mạo”, bác sĩ Hà cho biết. PGS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định: “Tờ Giấy khám sức khỏe được phóng viên đặt mua là giấy tờ giả. Phái bệnh viện đã nhiều lần làm việc với công an phường để xác minh giấy tờ, con dấu giả”. |
Pháp luật Plus tiếp tục thông tin.