Trước quyết định các trường ngoài công lập được phép đào tạo ngành y tế, đại diện Bộ Y tế cho biết, là do trường liên tục đề nghị với Bộ Giáo dục vì đã chuẩn bị các điều kiện để mở ngành.
Thời gian qua, dư luận đang rất xôn xao trước quyết định cho phép đào tạo mở rộng ngành y tế tại điểm trường dân lập, cụ thể là việc quyết định cho phép trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành Y – Dược.
“Đúng là thảm họa!”
Nhiều người cho rằng: “Đã là Kinh doanh và Công nghệ mà còn có Y – Dược, há chẳng phải ngành Y được xếp vào ngành công nghệ? Đến trường Bách Khoa còn chẳng đào tạo Y – Dược, cùng lắm chỉ có ngành Điện tử Y sinh, việc cho phép đào tạo điều dưỡng như ĐH Thăng long là quá lắm rồi, không thể chấp nhận được,…”.
Một nickname có tên Thanh Bình Hoàng cho hay: “Đại học Y Hà Nội có giá như thế nào, vào được đó khó khăn bao nhiêu, học hành vất vả bao nhiêu thì giờ một trường đại học dân lập dành cho con em có tiền không đỗ nổi các đại học công lập khác lại quay ra được đào tạo bác sĩ. Đúng là thảm họa!”.
|
Quyết định cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đào tạo ngành y tế trình độ đại học, do Thứ trưởng Bùi Văn Ga kí. |
“Cũng có thể, do bắt kịp hơi thở của thời đại mới, cộng với sự bùng nổ của ngành công nghiệp hiện đại, nhất là sự phát triển đang ở đỉnh cao của thị trường Smartphone hiện nay, khiến cho nhu cầu được khám chữa bệnh qua các trang mạng xã hội ngày một nhiều. Do đó, đặt ra yêu cầu về một đội ngũ y, bác sĩ khám chữa bệnh trực tuyến, từ đó tiến tới công nghệ đỡ đẻ, mổ đẻ, cấp cứu,… online qua Internet!” – một nickname khác bình luận.
Thẩm quyền là của Bộ Giáo dục
Trước sự việc trên, Phóng viên Phapluatplus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Lợi – Cục phó Cục Khoa học đào tạo (Bộ Y tế), ông Lợi cho biết: “Việc Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ mở ngành y tế là do Trường liên tục đề nghị với Bộ vì đã chuẩn bị các điều kiện để mở ngành. Tuy nhiên, về phía Bộ Y tế chúng tôi vẫn yêu cầu cần phải thành lập Đoàn thẩm định liên ngành".
Trên cơ sở đề nghị của Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế đã cử cán bộ tham gia Đoàn thẩm định do một đồng chí Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, trong đó Bộ GD-ĐT làm Trưởng đoàn.
Sau khi xem xét Đề án cũng như kiểm tra các điều kiện cụ thể của Trường tại cơ sở Bắc Ninh, Đoàn thẩm định thống nhất Trường cần bổ sung, làm rõ thêm để hoàn thiện Đề án. Trường cần bổ sung, hoàn thiện và làm rõ một số vấn đề liên quan đến các nội dung yêu cầu về chuyên môn như: đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở thực tập tại trường, cơ sở thực hành ngoài trường và sự tham gia của các giảng viên cơ hữu chuyên ngành tại các cơ sở thực hành ngoài trường,…
Theo quy trình, Bộ Y tế hiểu rằng Bộ GD-ĐT đã kiểm tra, rà soát, xác định và nhất trí với những sửa chữa, bổ sung của Trường theo góp ý của Bộ Y tế cũng như các thành viên tại cuộc thẩm định. Chính vì vậy, Bộ Y tế mới có công văn số 8860/BYT-K2ĐT ngày 17 tháng 11 năm 2015, trong đó yêu cầu Trường hoàn thiện theo Biên bản mới ủng hộ việc mở ngành.
Theo quy định hiện hành, việc xem xét và quyết định cho phép mở ngành đào tạo thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Còn kế hoạch phối hợp giữa “hai Bộ” ra sao? Ông Lợi cũng cho hay: “Theo thống nhất giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế trong nhiều lần làm việc, Hai Bộ sẽ tiến hành kiểm tra việc duy trì các điều kiện đảm bảo việc mở ngành và chất lượng đào tạo đối với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ nói riêng và các cơ sở đào tạo nhân lực y tế khác trong cả nước.
Trường hợp không đáp ứng các điều kiện do Bộ Y tế đề xuất, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho ngừng tuyển sinh".