Chúng tôi đã đặt mua giấy khám của bệnh viện E từ một số điện thoại trên trang mạng. Và kết quả thật bất ngờ, người mua có thể tự điển kết luận vào giấy khám sức khỏe.
Video: Cuộc giao dịch giữa người giao hàng L. và phóng viên
Ngày 2/12 phóng viên đã đặt mua giấy khám sức khỏe từ người phụ nữ tên H. số điện thoại “0962598xxx” với dấu của viện E.
Tuy nhiên, thời gian chờ đợi loại giấy khám này lâu hơn so với dự kiến. Phải đến 2 ngày sau, chúng tôi mới có trên tay tờ giấy khám sức khỏe “bí hiểm” này.
Sáng ngày 4/12 chúng tôi nhận được cuộc gọi từ số máy lạ nhận là mang giấy khám sức khỏe đến. Người đàn ông bịt kín khẩu trang, đưa cho chúng tôi tờ giấy khám sức khỏe có con dấu đỏ có ghi “bệnh viện E”.
Khi hỏi về độ chính xác của con dấu trên tờ giấy khám sức khỏe người đàn ông giao hàng tên L. khẳng định như đinh đóng cột: “Đây là dấu thật đấy ạ, không phải dấu giả”.
Bất ngờ với tờ giấy khám sức khỏe của chúng tôi nhận được, phần chữ ký và đóng dấu chỉ có đóng dấu của 1 bác sĩ. L. giải thích về việc này: “Vì không đi khám, nên họ chỉ quen 1 người trong đó, nên chỉ có 1 người làm thôi làm sao 2 người được”.
Khi thấy chúng tôi tỏ ra lo ngại về việc chỉ có 1 bác sĩ ký và đóng dấu cho chúng tôi, L. khẳng định: “Cái này không có vấn đề gì đâu, chủ yếu mình cần kết luận của bác sĩ thôi còn chỗ làm họ không để ý vấn đề ấy”.
Trên giấy khám sức khỏe có nhiều phần bác sĩ không kết luận nhưng vẫn có chữ ký xác nhận. Như mục khám mắt, bác sĩ không hề ghi kết quả khám, nhưng vẫn ký xác nhận ở bên cạnh. Và đặc biệt, phần kết luận cuối cùng trong giấy khám sức khỏe không hề được kết luận.
Khi chúng tôi hỏi L. anh ta khẳng định: “Những phần này mình tự ghi vào được mà, không cần bác sĩ ghi. Cái đó chỉ là phần xác nhận của bác sĩ thôi. Phần kết luận chỉ cần ghi “sức khỏe bình thường”.
|
Giấy khám sức khỏe "tự điền" kết quả Ảnh: Ngọc Nga |
Thấy chúng tôi còn lo lắng về phần con dấu, sợ rằng sẽ bị trả lại hồ sơ nếu bị phát hiện là mua giấy khám sức khỏe người đàn ông này khẳng định: “Công an đây còn nộp suốt, không sợ đâu”.
Sau khi hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc của phóng viên về tờ giấy khám sức khỏe, L. tiếp tục dặn dò: “Muốn làm nhiều thì cứ alo trực tiếp cho anh, giá cả sẽ giảm đi. 20 tờ thì khoảng 100.000 đồng/tờ, còn 50 tờ thì khoảng 80.000 đồng/tờ. Đó là giá ưu đãi nhất rồi, số lượng tờ có hơn cũng không giảm giá được nữa”.
“Căn bản như vậy là vì còn cắt cho bên bác sĩ nữa, cả bên dấu nữa. Anh san sẻ như vậy may ra chỉ giữ được 30% thôi còn đâu là toàn san cho các thứ ở đây chứ có mình anh hết đâu” L. khẳng định.
Thấy chúng tôi vẫn còn lấn cấn chuyện con dấu của bệnh viện, người đàn ông này tiếp tục gọi điện vào buổi tối cho chúng tôi. L. khẳng định: “Nếu bị trả lại hồ sơ thì cứ gọi lại cho anh, anh làm ở viện khác cho em. Mà công an cũng mua giấy này nộp mà, không sợ đâu”.
Trao đổi với Phapluatplus, Luật sư Phan Nhật Luận – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Với hành vi mua bán giấy khám sức khỏe mà không cần người đến khám đã vi phạm điểm a, điểm d khoản 2 điều 5 của Thông tư số 14/2013/TT-BYT hướng dẫn khám sức khỏe của Bộ Y Tế”.
Giấy khám sức khỏe được rao bán công khai trên các trang mạng, người mua chỉ cần click chuột và một cú điện thoại sẽ nhanh chóng có. Tuy nhiên, những hệ lụy theo sau đó thì không ai có thể lường trước được.
Phapluatplus sẽ tiếp tục thông tin.