Tinh thần chung là ủng hộ chủ trương thực hiện Dự án đường vào khu Logistics tại xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai nhưng một số hộ dân vẫn kiến nghị xem xét lại những điểm chưa hợp lý trong việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đường chỉ phục vụ doanh nghiệp?
Các hộ dân có đất bị thu hồi tại ấp 1, ấp 2 (xã Tân Hiệp, huyện Long Khánh) khẳng định, họ luôn ủng hộ việc thực Dự án đường vào khu Logistics tại xã Tân Hiệp nói riêng và các dự án khác nói chung trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Bởi khi dự án hoàn thành sẽ góp phần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư FDI và chất lượng đời sống của nhân, thay đổi bộ mặt của địa phương. Tuy nhiên, theo thông tin từ các hộ dân, giá bồi thường mà họ nhận được thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế của đất đai. Nhiều người cho rằng, việc định giá đất không phản ánh đúng tình trạng và tiềm năng phát triển của khu vực.
Ông Nguyễn Tất Thành (SN 1966, hiện ngụ tại ấp 2, xã Tân Hiệp), một người dân bị ảnh hưởng, cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ dự án, nhưng giá bồi thường mà chúng tôi nhận được không đủ để chúng tôi tìm kiếm một nơi ở mới. Đất đai của chúng tôi có giá trị hơn nhiều so với số tiền mà chúng tôi được đền bù”.
|
Khu vực thu hồi đất để thực hiện Dự án đường vào khu Logistics |
Theo ông Thành, toàn bộ con đường dài 700 mét cắt ngang đường chính của xã Tân Hiệp, một bên dài 100 mét nối từ đường chính xã Tân Hiệp vào vào khu Logistics, đối diện bên kia dài 600 mét là đường đi của nhiều hộ dân đang sinh sống và nối cắt ngang 6 đường song song với con đường chính của xã Tân Hiệp. Đoạn 600 mét người dân địa phương đi lại nhiều không được mở rộng, chỉ mở rộng 100 mét từ đường chính xã Tân Hiệp vào ranh giới vào khu Logistics của Công ty Deliway thì việc mở rộng này rõ ràng chỉ phục vụ lợi ích cho doanh nghiệp chứ thực sự không đúng với tinh thần của điểm b, khoản 3 điều 62 Luật Đất đai năm 2013, “Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước,)..." như các quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện Long Thành về căn cứ thu hồi.
Ông Thành cho biết, trước kiến nghị của người dân, ngày 23/8/2024 Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Long Thành phối hợp với UBND xã Tân Hiệp và đại diện Công ty Deliway công bố hỗ trợ thêm tương đương 200% giá đất đền bù. Nếu cộng cả sự hỗ trợ này với tiền đền bù trước đây, giá đền bù cũng chỉ bằng 26,7% giá trị đất hiện tại. Thiệt hại của người dân còn quá lớn nên chưa thể đồng thuận được.
“Những hộ gia đình chúng tôi cũng đã gởi đơn nhờ UBND tỉnh Đồng Nai giúp đỡ để được giải quyết đền bù công bằng, thỏa đáng; giúp chúng tôi đủ điều kiện ổn định cuộc sống sau bàn giao mặt bằng cho bên thực hiện dự án. Tuy nhiên, UBND tỉng Đồng Nai cũng giải quyết như của UBND huyện Long Thành bằng các quyết định số: 3614/QĐ-UBND, 3618/QĐ-UBND ngày 27/11/2024. Ngày 13/11/2024 Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành phối hợp với Thanh tra huyện, Công an huyện và các ban ngành của Huyện về UBND xã Tân Hiệp họp các hộ bị thu hồi đất và thông báo đây là buổi vận động cuối cùng, giá đền bù không thay đổi, hộ nào đồng ý thì chấp nhận giá đền bù như vậy và giao đất, không đồng ý thì huyện cưỡng chế thu hồi. Khi bị cưỡng chế sẽ không có hỗ trợ tiền của doanh nghiệp. Vì lo sợ bị cưỡng chế nên một số hộ đã ký nhận tiền, còn một số người dân lại rơi vào cảnh hoang mang”, ông Thành nói.
Áp giá bồi thường chưa công bằng
Trong khi đó, một số hộ gia đình khác đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng, yêu cầu xem xét lại mức giá bồi thường. Họ cho rằng, cần có một cuộc đánh giá độc lập và minh bạch về giá trị đất đai, để đảm bảo quyền lợi cho những người bị ảnh hưởng. Ông Phạm Đình Duy (SN 1990), một trong những người dân gửi đơn khiếu nại, chia sẻ: “Chúng tôi không muốn đơn từ, nhưng chúng tôi cần một mức bồi thường xứng đáng để có thể ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất.”
|
Khu vực thu hồi đất để thực hiện Dự án đường vào khu Logistics |
Theo ông Duy, cùng chung một dự án mà việc đền bù hỗ trợ cũng có sự chênh lệch rất lớn. Ông Duy cho biết, căn cứ vào bảng tiền đền bù phần đất thu hồi của dự án, các hộ theo thứ tự 2, 3, 4 là 3 hộ có đất nằm ở mặt tiền đường chính của xã Tân Hiệp. Trong đó, có hộ ông B.T.M đất nằm ở vị trí 1 (1 mặt tiền) được đền bù giá bình quân: 13.306.073 đồng/m2. Nếu trừ đi 300m2 đất thổ cư theo giá Nhà nước 6.000.000 đồng/m2 thì tiền đền bù giá đất nông nghiệp là: 9.647.537 đồng/m2. Nhưng đất của 2 hộ khác cũng ở vị trí 1 (2 mặt tiền) đúng ra phải được đền bù cao hơn của hộ ông B.T.M thì mới hợp lý thế nhưng không hiểu sao sao giá đền bù của 2 hộ này chỉ có 4.543.000 đồng/m2. Ngày 14/11/2024 họp với UBND xã Tân Hiệp một số người dân đã kiến nghị được đền bù công bằng với hộ ông B.T.M. Nếu được đền bù công bằng như vậy họ sẽ thuận tình giao đất cho dự án thực hiện.
“Chúng tôi kính mong được các cơ quan chức năng có thẩm quyền giúp đỡ để việc đền bù cho chúng tôi được thỏa đáng, công bằng, hợp tình, hợp lý trên tinh thần đồng thuận cùng phát triển. Chúng tôi luôn ủng hộ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà Nước và chính quyền về những Dự án phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và của địa phương Tân Hiệp nói riêng. Đồng thuận cùng phát triển giữa doanh nghiệp và người dân là điều mà tất cả chúng tôi luôn khát khao đạt được. Tuy nhiên với giá đền bù hiện nay trong dự án này rõ ràng lợi ích của doanh nghiệp thì thật lớn, còn những hộ gia đình chúng tôi phải chịu thiệt hại rất nhiều”, ông Duy nói.
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền huyện Long Thành đã tổ chức các cuộc họp với người dân nhằm lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của dân. Tuy nhiên, người dân vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn với cách giải quyết của cơ quan chức năng. Họ yêu cầu một quy trình rõ ràng và minh bạch hơn trong việc định giá và bồi thường đất.
Dự án đường vào khu Logistics được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho huyện Long Thành, nhưng để đạt được điều này, vấn đề bồi thường cho người dân cần phải được giải quyết một cách thỏa đáng. Việc đảm bảo quyền lợi cho những hộ gia đình bị ảnh hưởng không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là yếu tố quyết định sự thành công của Dự án.
Người dân xã Tân Hiệp đang đứng trước nhiều khó khăn do việc thu hồi đất cho Dự án đường vào khu Logistics. Việc khiếu nại về giá bồi thường cho thấy nhu cầu cấp thiết về một chính sách bồi thường công bằng và minh bạch. Thiết nghĩ, chính quyền cần sớm có những giải pháp hợp lý để giải quyết hài hòa, hợp lý giữa quyền lợi của người dân bị thu hồi đất và Dự án, có như vậy mới góp phần vào sự phát triển ổn định bền vững của địa phương.