Mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra Dự thảo Luật Dân số lần 3 đề xuất hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh con một bề là con gái nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
|
Bộ Y tế đã đưa ra Dự thảo Luật Dân số lần 3 đề xuất hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh con một bề là con gái (ảnh: Internet) |
Dự thảo Luật Dân số lần 3 đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến. Một trong những ý kiến gây tranh luận xung quanh đề xuất mới tại dự thảo Luật Dân số lần này là hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh toàn con gái.
Theo dự thảo, “Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội. Chính phủ quy định đối tượng, mức hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội”.
Ông Dương Quốc Trọng, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, đề xuất hỗ trợ tiền cho gia đình sinh con một bề là khuyến khích, động viên, tuyên truyền.
Ông Trọng nhấn mạnh: “Tôi nhận thấy, việc hỗ trợ về kinh tế là hết sức quan trọng. Điều này có tác dụng tuyên truyền, lan tỏa rất lớn và đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với các gia đình sinh con một bề là nữ. Điều đó giá trị hơn tiền rất nhiều và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Xã hội cần ghi nhận điều đó".
Ở một khía cạnh khác, GS.TS. Nguyễn Đình Cử,- Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em phân tích, độ tuổi sinh đẻ của chị em phụ nữ kéo dài đến khoảng 49 tuổi. Giả sử, một phụ nữ sinh con đúng theo kế hoạch thì 27 tuổi đã có hai con. Nếu thưởng cho họ ngay thì ai đảm bảo rằng hơn 20 năm nữa họ không thay đổi ý định sinh con? Khi ấy có đòi lại tiền không? Có khi lại là chủ đề để dư luận phê phán chính sách thưởng tiền của Nhà nước.
Vì vậy, GS.TS. Nguyên Đình Cử, Bộ Y tế nên cẩn trọng trước một chính sách đưa ra mà liên quan đến tâm tư, tình cảm của hàng triệu gia đình và tiêu tốn kinh phí lớn.
Giáo sư Cử nhấn mạnh “Tôi cũng được biết, khi xây dựng dự thảo còn có ý kiến đề cập cho tiền khi cặp vợ chồng sinh con gái. Cá nhân tôi không đồng tình việc này bởi nó không hiệu quả nếu tâm lý họ vẫn khao khát con trai. Thậm chí gia đình được “thưởng” còn cảm thấy bị xúc phạm do đó là phần thưởng được hiểu là dành cho người yếu thế. Tôi biết, có địa phương đã có hình thức thưởng tiền, thưởng quạt cho các gia đình sinh con một bề gái, nhưng đó không phải là giải pháp hiệu quả cho việc ngăn chặn mất cân bằng giới”.