Những tin chính: Truy trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ; Xử lý công trình cao tầng trong nội đô Hà Nội...
1. Xử lý công trình cao tầng trong nội đô Hà Nội
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư xây dựng công trình cao tầng trong khu vực nội đô thành phố Hà Nội.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình cao tầng theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội; xử lý đúng thẩm quyền, theo đúng quy định của pháp luật; Yêu cầu UBND TP Hà Nội cần rút kinh nghiệm trong việc trình, xử lý các hồ sơ để xử lý đúng thẩm quyền, không đẩy việc lên Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
|
Ảnh minh họa. Zing.vn |
2. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa kiểm tra DA nhà ga mới Cảng HKQT Đà Nẵng
Chiều 30/12/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã đi kiểm tra công tác phục vụ vận tải Tết và xây dựng DA nhà ga mới Cảng HKQT Đà Nẵng
Tuy đối với Đà Nẵng thì mùa Tết không phải là thời gian cao điểm như mùa hè nhưng Cảng HKQT Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị đầy đủ phương án đối phó đảm bảo việc cung ứng dịch vụ hàng không trước, trong và sau Tết Dương lịch 2017 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Tiếp đó, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã đi thị sát để đôn đốc công trình xây dựng nhà ga hành khách quốc tế, kịp thời về đích phục vụ APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng. Tổng giám đốc AHT (chủ đầu tư dự án) Lê Khắc Hồng cho hay, toàn bộ phần trong nhà dự kiến 29/3/2017 sẽ cơ bản hoàn thành.
Chốt lại, Bộ trưởng chỉ đạo, quá trình thi công còn lại, các đơn vị xây dựng phải nghĩ đến các phương án tối ưu nhất bởi cái gì cũng có thể xảy ra.
3. Truy trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ
Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ kiên quyết làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ trong ngành công thương. Mục tiêu trong 2 năm 2017-2018 sẽ giải quyết triệt để những vấn đề của các dự án nghìn tỷ.
Cụ thể 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ kéo dài là: Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình; Đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai.
Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, tới đây chắc chắn những vấn đề lớn liên quan đến quản lý ngành, quản lý tài sản công, những vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước sẽ được mổ xẻ. Việc sắp xếp và đổi mới các DNNN sẽ được tiếp tục thực hiện.
4. 2 khu đất “vàng” của Hãng phim truyện Việt Nam đang được dùng làm gì?
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), yêu cầu cổ đông chiến lược thực hiện đúng cam kết đã ký kết.
Đồng thời, yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng quy định bán đấu giá quyền sử dụng đất sau khi thu hồi đất bảo đảm chặt chẽ, sát với giá thị trường, tránh thất thoát tài sản nhà nước; nghiên cứu, xây dựng quy định về thuê đất tại các vị trí có lợi thế kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Hiện tại, Khu đất tại số 04 Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội có diện tích 5.448,5 m2 hiện đã hết hạn hợp đồng và đang đề nghị được tiếp tục sử dụng. Đồng thời, VFS đã cho một cá nhân thuê lại một phần khu đất này (Nhà in tráng và Nhà thủy phi cơ) với thời hạn thuê đến ngày 01/01/2018.
Tại khu đất số 6 Thái Văn Lung phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM hiện có 2 tòa nhà. Cụ thể là khối nhà 4 tầng trên diện tích 74 m2 đất do VFS xây dựng nằm ở một phần mặt tiền của khu đất đang sử dụng làm văn phòng làm việc, phòng dựng phim, phòng lồng tiếng, phòng nghỉ cho đạo diễn…
Ngoài ra còn có khối nhà 11 tầng trên diện tích 1.134 m2 do Xây dựng, Thương mại và Du lịch Sài Gòn xây dựng để cho 20 đơn vị trong và ngoài nước thuê làm văn phòng.
5. Xây dựng hệ thống thông tin công khai, minh bạch cho thị trường bất động sản
Ngày 30/12, Hiệp hội bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) tổ chức Đại hội nhiệm kỳ III (2016 – 2021). Tại đại hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy đã đề nghị HoREA phối hợp với các Sở ngành của thành phố xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở, vốn là điểm yếu trong thời gian qua khi thiếu thông tin và không minh bạch.
Báo cáo tại đại hội, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết, trong những nhiệm kỳ qua, HoREA đã có nhiều văn bản đề xuất, phản biện chính sách và đã được cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, điều chỉnh. Năm 2016, phân khúc nhà ở vừa túi tiền chiếm tỷ lệ 79,7%, vẫn đang là phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản thành phố.
Giao dịch bất động sản 11 tháng năm 2016 tại thành phố đạt khoảng 14.000 giao dịch, giảm hơn 10% so với năm 2015. Tính đến ngày 10/11/2016, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã đóng góp khoảng 10.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất vào ngân sách thành phố.
6. Hoàn thành việc cấp sổ đỏ các hộ dân chung cư tái định cư trước ngày 31/3/2017
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các giải pháp khắc phục yếu kém, nâng cao chất lượng công tác quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư trên địa bàn.
UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã (nơi có nhà đất tái định cư) kiểm tra, rà soát các trường hợp được mua nhà, hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho các hộ dân tại 173 tòa chung cư xong trước ngày 31/3/2017.