Mâu thuẫn bắt đầu từ khi gia đình ông Tốn bị UBND xã phá bức tường vây đã có từ những năm 1992 và chặn lối đi có từ lâu đời...
Mảnh đất vốn đã sinh sống ổn định, không có tranh chấp với bất cứ ai. Bỗng dưng ngày 5/8/2014, gia đình ông Hoàng Thanh Tốn nhận được thông báo từ UBND xã Bình Kiều về việc xác định mốc giới giữa tập thể và gia đình.
Mâu thuẫn bắt đầu, khi gia đình ông Tốn bị đập phá bức tường vây đã có từ những năm 1992 và chặn lối đi có từ lâu đời.
|
Đoạn tường mà gia đình ông Tốn phải đập ra để lấy lối vào nhà. |
Thay vào đó UBND xã Bình Kiều đã xây một bức tường mới lấn vào đất nhà ông và bịt kín cả cổng ra vào khiến gia đình ông Tốn phải sống trong cảnh “leo tường” để ra vào nhà trong một thời gian dài.
Theo một số nhân chứng là người dân sinh sống cùng thôn với ông Tốn bức tường bao nhà ông Tốn đã được xây từ những năm 1992 và khi xây dựng không hề bị cơ quan chức năng nào nhắc nhở hay ngăn cản, lối đi vào nhà này cũng đã tồn tại từ đời cha mẹ ông Tốn.
|
Vì quá bức xúc, gia đình ông Tốn đã nhiều lần làm đơn lên các cấp chính quyền để đòi lại phần đất và cổng đã có từ lâu đời. |
Đến ngày 11/3/2015 gia đình ông nhận được kết luận từ UBND huyện Khoái Châu. Ngỡ tưởng việc phá hủy tường bao và cổng nhà ông Tốn, của UBND xã Bình Kiều sẽ được sử lý, thế nhưng trong kết luận số 62 /KL - CTUBND, ngày 11/3/2015 của chủ tịch UBND huyện Khoái Châu lại yêu cầu giữ nguyên theo hiện trạng diễn tích của hộ gia đình ông Hoàng Thanh Tốn sau khi thôn Ninh Vũ xây tường bao mới.
Cực chẳng đã, ông Tốn đã phải vác đơn đi kiện kết luận 62, đồng nghĩa với việc kiện UBND huyện Khoái Châu ra tòa.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ngày 4 tháng 10 năm 2017, tòa án nhân dân huyện Khoái Châu kết luận “Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, không giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Hoàng Thanh Tốn trong vụ án này mà tách ra xem xét giải quyết bằng một vụ án khác.
Ngay sau đó, ông Tốn đã có đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm của tòa án nhân dân huyện Khoái Châu.
Và hành trình kêu cứu của gia đình ông chính thức bắt đầu, ông gửi đơn lên các cơ quan cấp tỉnh, Trung ương và báo chí khắp nơi.
Trong đơn cầu cứu ông Tôn chia sẻ, bản thân ông là một thương bệnh binh 2/4 đã tham gia chiến trường B, dành cả tuổi thanh xuân ngoài chiến trường để bảo vệ quê hương, tổ quốc. Nay sự việc trên xảy ra, ông mong muốn các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí vào cuộc làm rõ nguồn gốc đất của gia đình ông, làm rõ trách nhiệm của chính quyền khi đã cưỡng chế, phá tường và cổng ra vào nhà của gia đình ông trong khi không có văn bản hay thông báo trước đó. Cùng với việc xây dựng bịt lối đi, tước quyền có lối đi của gia đình.
Được biết, trước đó vào ngày 31/1/2018, TAND tỉnh Hưng Yên đã hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án này.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin đến quý vị.