Ngày Thơ Việt Nam 2016 có nhiều đổi mới, trong đó việc mời các nhà thơ nước ngoài nhằm quốc tế hoá sự kiện là một trong những điểm nổi bật nhất.
Sáng nay (ngày 22/2/2016), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra các hoạt động văn hoá nhằm kỷ niệm 14 năm Ngày Nhà Thơ Việt Nam (15/01/2003 - 15/01/2016 Âm lịch).
Tham dự Ngày kỷ niệm có ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Quý, các nhà thơ đến từ Pháp, Bỉ, Ba Lan,....cùng rất đông du khách và người yêu thơ từ khắp nơi.
|
Nhiều thành phần tham gia Ngày Thơ Việt Nam 2016. |
Trong dịp Ngày Thơ Việt Nam 2016, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phối hợp với Sứ quán các nước thành viên của Liên minh Châu Âu và các Trung tâm Văn hóa Châu Âu tại Việt Nam sẽ giới thiệu các tác phẩm thơ ca Châu Âu chọn lọc.
|
Văn Miếu - Quốc Tử Giám không đủ sức chứa du khách trong dịp này. |
Phát biểu tại chương trình, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhấn mạnh: "Việt Nam vinh dự và tự hào là một trong 8 đất nước có nền thơ ca hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, chúng ta cần giữ gìn và phát huy, đồng thời tìm cách giới thiệu sâu rộng và hoà nhận với các nền thơ ca thế giới theo xu hướng tất yếu. Đây là một trong những hoạt động quan trọng hàng đầu của Việt Nam nhằm đưa nền thơ ca nước nhà ra trường quốc tế."
Cũng trong ngày lễ, đã có hàng ngàn lượt ra vào Văn Miếu nhằm tham dự và thăm quan sự kiện trọng đại này. Trong số đó, không thiếu du khách quốc tế, đến từ nhiều nước, nhiều khu vực, ngôn ngữ khác nhau; tuy nhiên, tất cả đều đến đây để tìm hiểu và chiêm ngưỡng những vẻ đẹp văn hoá Việt Nam.
|
Rất nhiều du khách được nhiều nhà thơ tặng những tập thơ nhỏ, tâm huyết. |
Khi được hỏi về cảm nhận về những bài thơ trong liên khúc thơ trong chương trình, nhà thơ tự nhận mình là "nhà thơ bán trà đá, lái xe ôm" - Nguyễn Hữu Long chia sẻ: "Trong 4 bài thơ của 4 tác giả đó, có mấy câu rất đắt của Trần Đăng Khoa làm tôi rất tâm đắc. Tôi không nhơ hết được cả bài, cụ thể câu, nhưng đại ý muốn nói là, nếu là bạn thì sẽ sả láng chơi và rượu uống thả phanh với nhau; nhưng nếu là kẻ thù thì đến đấy sẽ cho tan xương nát thịt."
Bác Nguyễn Hữu Long (Phố Nguyễn Hữu Thọ, Hà Nội) hiện đang là thành viên của khoảng 15 câu lạc bộ thơ trên địa bàn thành phố. Trong đó, câu lạc bộ đông đảo thành viên nhất là khoảng gần 200, đều là công nhân.
Được biết, trên địa bàn Hà Nội có đến hàng trăm câu lạc bộ thơ lớn nhỏ, thuộc đủ thành phần khác nhau như công nhân, hội người già. Các câu lạc bộ thơ Đường, tình Tầm Xuân, Tháp Bút, Công nhân, quận Tây Hồ, quận Cầu Giấy, gần 200 công nhân,...riêng câu lạc bộ thơ Bưu Điện có 600-700 thành viên trên cả nước. Mỗi câu lạc bộ lại có đặc thù và tôn chỉ khác nhau, có nơi thì hay sáng tác thể loại trào phúng, hay ái tình, lại có chỗ thì độc đáo chỉ viết thư pháp.
|
Chiếc nón lá là vật dụng được chọn để trang trí Ngày Thơ Việt Nam |
Trao đổi với PV Pháp luật Plus, Nhà thơ Trung Hậu (70 tuổi), hiện đang là Chủ tịch câu lạc bộ thơ Công nhân Việt Nam, thuộc chi hội Nhà văn và Công nhân Việt Nam cho biết: "Câu lạc bộ của chúng tôi có 3 hoạt động chính là: Trao đổi về thơ; giao lưu, học hỏi với các câu lạc bộ, chi hội thơ khác; và cuối cùng là tìm hiểu thực tế, đến làng nghề, nhà máy, công trường thuỷ điện, công trường xây dựng đường cao tốc...để có tư liệu sáng tác thơ.Thường thì một năm câu lạc bộ thơ Công nhân đi thăm quan, du lịch vài ba lần. Năm vừa rồi là đi công trường thuỷ điện Sơn La, đến đây chúng tôi đọc thơ cho công nhân nghe, và họ cung cấp tư liệu để chúng tôi tiếp tục sáng tác. Chuyến đi đó làm chúng tôi rất thích thú, vì công nhân họ trân trọng, lắng nghe và nhiệt tình cung cấp tài liệu cho chúng tôi."
|
Song song đó là cuộc triển lãm thơ |
|
Du khách nước ngoài bị thu hút bởi những những vần thơ, những từ ngữ của Việt Nam. |
Đặc biệt, đông đảo giới trẻ cũng không bỏ lỡ cơ hội trau dồi kiến thức về thơ ca hiện đại này. Nơi đây có những nhà thơ lớn lên và trải qua cả những thời kỳ gian khó để có thể gìn giữ và phát triển thơ ca nước nhà như hiện nay.
Bên cạnh sân thơ truyền thống, sân thơ trẻ năm nay được tổ chức trên sân Thái Học. Chủ đề chung của Sân thơ Thiếu nhi và thơ Trẻ có tên “Đường Xuân” thu hút hàng trăm sinh viên và các em thiếu nhi tham dự.
Một trong những hoạt động nhằm xúc tiến quốc tế hoá Thơ Việt Nam: Sáng 21/2, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm Thơ ca trên đường đời (tựa tiếng Pháp: Poésie sur le chemin de la vie) tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham gia của hai nhà thơ quốc tế là André Velter - người Pháp và Jean-Pierre Orban - người Bỉ. Buổi tọa đàm còn có sự góp mặt của nhà thơ - nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. |