Để tìm hiểu kĩ hơn về việc “chuyển nhượng” trẻ sơ sinh, một tốp phóng viên khác đã đóng vai khách có nhu cầu nhận con nuôi để tiếp cận một số bác sĩ. Từ đây, kết hợp với các thông tin của các PV-CTV mang bầu đã thâm nhập trước đó, chúng tôi phát hiện đầy đủ dấu hiệu của hai dạng tội phạm: (1) Mua bán trẻ em núp bóng cho - nhận con nuôi bất hợp pháp; (2) Khai man hồ sơ bệnh án, làm giả giấy chứng sinh nhằm thay đổi thân phận trẻ sơ sinh.
|
Nhân vật tên Lợi. |
“Phải làm theo đúng quy định”
Ngày 15/11/2015, trong vai hai vợ chồng hiếm muộn, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm (Thái Nguyên).
Tại đây, chúng tôi gặp một bác sĩ tên Loan. Sau khi xem giấy đăng kí kết hôn, chứng minh thư cá nhân, sổ hộ khẩu của chúng tôi và hỏi về nguyên nhân dẫn tới việc vô sinh, bác sĩ Loan nói: “Hai vợ chồng cứ để lại số điện thoại. Có gì liên lạc lại sau. Việc này khó, phải làm theo đúng quy định”.
Hôm sau, chúng tôi nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ giới thiệu mình tên Lợi, làm tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa trung tâm.
Bà Lợi hỏi kĩ về nhu cầu nhận con nuôi từ phía chúng tôi. Sau đó, hai bên thống nhất sẽ gặp nhau tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm khi bà Lợi tìm được thai phụ muốn cho con.
Cần nói thêm rằng, bà Lợi cũng chính là người đã tiếp xúc với một bà bầu của chúng tôi từ đầu tháng 10/2015. Thời điểm đó, bà Lợi khuyên bà bầu nên giữ lại thai nhi để cho người khác nuôi chứ không nên phá bỏ.
Sau khi liên lạc với 2 phóng viên trong vai cặp vợ chồng hiếm muộn muốn xin con nuôi, bà Lợi đã gọi điện cho bà bầu nêu trên để thông báo: “Đã tìm được người nhận con. Đây là vợ chồng hiếm muộn, gia đình rất cơ bản. Cháu chuẩn bị tinh thần nhé!”.
Tại cuộc gặp tiếp theo với “cặp vợ chồng hiếm muộn”, bà Lợi quảng cáo về thai phụ muốn cho con: “Cái đứa sinh viên kia nó không thay đổi ý kiến gì, vẫn quyết định cho con. Con bé xinh xắn lắm, cả nó và người yêu đều là sinh viên nên đứa trẻ chắc chắn sẽ thông minh. Mà con trai nhé!”.
Đánh tráo thân phận trẻ sơ sinh
Quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi phát hiện dấu hiệu của một loại hình tội phạm mới có thể nảy sinh từ các bệnh viện: Tội phạm làm giả giấy tờ tài liệu để đánh tráo thân phận trẻ sơ sinh. Câu chuyện của cặp vợ chồng hiếm muộn do phóng viên nhập vai với bà Lợi là một ví dụ hé mở điều này.
Quay trở lại với việc phóng viên nhập vai cặp vợ chồng hiếm muộn muốn xin con nuôi, sau khi tỏ ra hài lòng với lời quảng cáo về đứa trẻ, chúng tôi hỏi bà Lợi:
- Nhưng chúng em có một băn khoăn như thế này, với hoàn cảnh của gia đình em, việc xin con nuôi tại các trung tâm xã hội là không khó. Có điều xin ở đó thì đứa trẻ vĩnh viễn mang thân phận con nuôi. Vợ chồng em lại muốn chăm bẵm cháu từ lúc lọt lòng và trên giấy tờ cháu phải mang danh là con đẻ của vợ chồng em. Thấy mọi người mách nước phải tìm đến các chị thì mới giải quyết được...
Bà Lợi đáp:
- Ừ! Nhưng bên chị chỉ cấp giấy chứng sinh, từ giấy chứng sinh đó thì ra xã mới làm được giấy khai sinh.
- Thế làm cách nào để giấy chứng sinh của đứa trẻ ghi tên bố mẹ là vợ chồng em ạ?
- Cái này dễ thôi. Hôm con bé kia sinh, bên chị sẽ thay tên nó bằng tên vợ chồng em trong hồ sơ bệnh án. Căn cứ trên bệnh án đó, bệnh viện sẽ làm giấy chứng sinh cha mẹ của đứa trẻ là vợ chồng em.
Hóa ra “bí kíp” đánh tráo thân phận của trẻ sơ sinh có thể diễn ra đơn giản như vậy? Theo lời bà Lợi, chỉ cần làm như trên là một đứa con sinh học của người này đã có thể trở thành con trên giấy tờ của người khác?
Dấu hiệu trục lợi
Về mặt kinh phí, theo thỏa thuận thì hai phóng viên trong vai vợ chồng hiếm muộn sẽ đưa bà Lợi 45 triệu đồng để được nhận một đứa trẻ sơ sinh cùng với giấy chứng sinh ghi tên cha mẹ theo ý muốn.
Bà Lợi cho biết, số tiền trên sẽ được chi cho ba việc: Một là bồi dưỡng cho bà bầu (bà Lợi nói sẽ bồi dưỡng cho bà bầu 15 triệu); hai là trả tiền viện phí mổ đẻ (theo tìm hiểu của phóng viên là 7 triệu) và bồi dưỡng cho ê-kíp đỡ đẻ; ba là tiền để làm giấy chứng sinh theo ý muốn.
Tuy nhiên, khi bà bầu viện cớ đang ngập trong nợ nần để hỏi về “tiền bồi dưỡng” nhận được nhờ việc cho đi đứa trẻ, bà Lợi lại nói “gia đình bên kia sẽ bồi dưỡng cho cháu 7 đến 8 triệu”. Đây là con số ít hơn nhiều so với mức 15 triệu mà bà Lợi nói với “cặp vợ chồng hiếm muộn muốn xin con”.
Nhìn nhận một cách công tâm ở góc độ đạo đức thì việc bác sĩ từ chối phá thai đối với các thai nhi quá lớn rồi khuyên bà bầu giữ thai nhi lại để cho những người hiếm muộn con cái là hành vi mang tính nhân đạo, có thể giúp một sinh linh đã thành hình trong bụng mẹ không bị phá bỏ.
Nhưng nhìn ở góc độ pháp luật, nếu y bác sĩ đứng ra dàn xếp một vụ cho - nhận con nuôi mà ở đó y bác sĩ thuyết phục một bên nhận tiền để cho con (thực chất là bán con), một bên trả tiền để nhận con (thực chất là mua con), còn đứa trẻ thì bị đánh tráo thân phận từ đứa con sinh học của người này thành con trên giấy tờ của người khác thì đó là hành vi vi phạm pháp luật không thể thông cảm được. Sự việc sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa nếu y bác sĩ có dấu hiệu trục lợi cá nhân khi tham gia các hoạt động này.
Nếu người đến gặp y bác sĩ để xin con nuôi và nhờ thay đổi thân phận đứa trẻ là người xấu, những chuyện có thể sẽ xảy ra với đứa trẻ đó? Câu hỏi này xin để mỗi người tự trả lời theo trí tưởng tượng của mình.
Dừng tác nghiệp để cảnh báo
Cũng cần nói thêm rằng, theo luật pháp hiện hành thì bệnh viện không có chức năng cho con nuôi. Vì thế việc một y bác sĩ đứng ra dàn xếp việc cho - nhận con nuôi là việc của cá nhân y bác sĩ đó và người đứng ra dàn xếp nhất thiết phải hướng dẫn những người liên quan tuân thủ theo các quy định pháp luật rất nghiêm ngặt chứ y bác sĩ không được phép giúp những người liên quan thực hiện những cuộc cho - nhận trẻ sơ sinh chui lủi, bất hợp pháp.
Trường hợp y bác sĩ nhận tiền của bên xin con để “ăn chênh lệch” và thay cha, đổi mẹ trên giấy chứng sinh của đứa trẻ rồi giao phần tiền đã bị "ăn bớt" cho thai phụ thì hành vi này còn có dấu hiệu mua bán trẻ em mà ở đó y bác sĩ là người đứng giữa mua đứa trẻ từ bà bầu với một giá tiền nhất định, sau đó bán đứa trẻ cho người có nhu cầu với mức giá cao hơn. Nếu giao dịch diễn ra thành công, đương nhiên những người liên quan đến giao dịch sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm, người giúp sức.
Còn ở góc độ cho - nhận trẻ sơ sinh như trong loạt bài này đề cập. Trên thực tế, bà bầu đồng ý nhận “tiền bồi dưỡng” để cho đi đứa con của mình tức là bà bầu đồng ý bán con. Người xin trẻ sơ sinh phải chi tiền mới được nhận đứa trẻ tức là đã có hành vi mua đứa trẻ.
Nhìn hai chiều, hai bên đã tham gia một giao dịch mua bán trẻ em núp bóng hoạt động cho - nhận con nuôi bất hợp pháp. Sự việc ở đây nghiêm trọng hơn bởi còn có sự tham gia của y bác sĩ để “phù phép”, thay đổi nguồn gốc, thân phận của đứa trẻ là “món hàng” trong giao dịch.
Trong khuôn khổ loạt phóng sự này, chúng tôi đặt ra mục tiêu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là chỉ ra các dấu hiệu về tội phạm mua bán, đánh tráo thân phận trẻ em để cảnh báo xã hội.
Vì thế, chúng tôi đã dừng việc nhập vai tác nghiệp thâm nhập các đường dây mua bán trẻ sơ sinh ngay khi phát hiện ra dấu hiệu tội phạm, ngay khi có đủ dữ liệu để tuyên truyền cảnh báo xã hội chứ không thực hiện các giao dịch tiền bạc khiến tội phạm có đủ điều kiện để chính thức cấu thành.
Mong rằng ngành y tế, các bệnh viện và y bác sĩ trên toàn quốc sẽ nhìn nhận ra các kẽ hở và hậu quả khó lường có thể đến từ việc khai man hồ sơ bệnh án của thai phụ, làm giả giấy chứng sinh của trẻ sơ sinh để siết chặt quản lý và có biện pháp ngăn chặn, khắc phục.
Chuyện ở Bệnh viện Đa khoa Việt Bắc Cũng trong vai vợ chồng hiếm muộn đi xin con, chúng tôi dẫn theo một bà bầu muốn cho con tới gặp bác sĩ Nhung tại Bệnh viện Đa khoa Việt Bắc. Sau khi trình bày rằng hai bên đã thuận tình cho - nhận con, chúng tôi đặt vấn đề nhờ bác sĩ Nhung giúp để khi đứa trẻ ra đời, sẽ có giấy chứng sinh ghi tên cha mẹ là cặp vợ chồng hiếm muộn. Bác sĩ Nhung đồng ý: “Hai bên đã đồng ý với nhau thì việc đơn giản quá! Khi nào đẻ cứ đến đây, tôi sẽ giải quyết cho”.. |
Chuyện ở Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Như trên đã nói, trong thỏa thuận giao dịch với bà Lợi (cán bộ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm), phóng viên trong vai khách nhận con sẽ trao cho bà Lợi 45 triệu, còn đồng nghiệp trong vai bà bầu cho con sẽ nhận được 7-8 triệu “tiền bồi dưỡng” từ nữ hộ lý này. Giao dịch này dự kiến sẽ không diễn ra và trên thực tế cũng không thể diễn ra vì bà bầu đã sinh con sớm 3 tuần so với dự kiến. Cụ thể, ngày 30/11, bà bầu có dấu hiệu chuyển dạ nên đã được gia đình và đồng nghiệp đưa vào nhập viện tại Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên. Đây cũng là ngày bà Lợi hẹn bà bầu đi khám thai. Vì vậy sáng hôm đó, bà Lợi có gọi điện và biết được tình hình là bà bầu đã nhập viện. “Em cháu đau bụng bất thường nên đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên cho yên tâm”, một phóng viên trong vai người nhà của bà bầu nói với bà Lợi. “Thế vẫn giữ ý định cho con phải không?”, bà Lợi hỏi. “Vâng ạ!”, phóng viên trả lời. Ngay sau đó, bà Lợi gọi cho “người hiếm muộn” (cũng do phóng viên nhập vai) để thông báo tình huống bất ngờ. Tỏ vẻ nuối tiếc, “người hiếm muộn” nói: “Không chọn được ngày sinh cho cháu bé là cái số rồi. Bây giờ, chị cứ nắm bắt xem cô bé kia còn ý định cho con không. Chiều nay, vợ chồng em lên bàn chi tiết với chị”. “Chị sẽ sang ngay Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên rồi báo em”, bà Lợi nói. Sau đó, bà Lợi lập tức qua Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên, xông thẳng vào phòng chờ đẻ nơi bà bầu đang nằm. Chiều cùng ngày, trong vai “cặp vợ chồng hiếm muộn”, phóng viên đã gặp bà Lợi tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm. Phóng viên hỏi bà Lợi: - Bây giờ có cách nào nhận được đứa trẻ mà vẫn làm được bệnh án, giấy chứng sinh mang tên vợ chồng em không chị?. Bà Lợi trả lời: - Chỉ còn cách là ngày mai chị xin cho hai mẹ con nó xuất viện. Sau đó, cho hai mẹ con nó nhập viện lại từ đầu bên chị nhưng coi như là nó chưa đẻ để làm bệnh án vào đẻ lại bên chị. Bệnh án sẽ ghi tên vợ em (là người mẹ) nên giấy chứng sinh cũng vậy. Trao đổi xong với “cặp đôi hiếm muộn”, bà Lợi liền kết nối với “người nhà” của bà bầu để thông báo tình hình. Tuy nhiên, tới chiều tối cùng ngày, “cặp đôi hiếm muộn” đã hủy giao dịch với bà Lợi: “Thôi, bọn em thấy tình hình không được như mong đợi. Hẹn chị đứa bé sau vậy”. Nhận tin, bà Lợi thông báo ngay cho “người nhà” của bà bầu về việc “hợp đồng đổ bể”. Tưởng chuyện của bà Lợi đến đây là kết thúc. Ai dè tối hôm đó, bà Lợi lại gọi cho “người nhà” của bà bầu để thông báo: “Tìm được người nhận con mới rồi. Sáng mai ra gặp bác”. 8h sáng hôm sau - 1/12, phóng viên nhập vai người nhà của bà bầu ra gặp bà Lợi. Bà Lợi thông báo: “Tìm được người nhận rồi, là người nhà của bác trưởng khoa, cứ yên tâm nhé! Chứ cho vợ chồng kia nhận, bác chỉ sợ nó là bọn buôn bán trẻ sơ sinh thôi”.... |
|
|
Chuyện ở điểm tập kết bà bầu Sau khi PhapluatPlus khởi đăng loạt bài này, phóng viên đã quay lại điểm tập kết bà bầu ở ở xóm 6, xã Phú Cát (huyện Quốc Oai, Hà Nội), dùng tư cách báo chí để đối chất với người phụ nữ là chủ điểm tập kết. Như đã phản ánh, trước đó vào ngày 11/11/2015, khi thực hiện giải cứu đồng nghiệp nhập vai bà bầu ra khỏi điểm tập kết này, chúng tôi phát hiện nơi đây còn có một thai phụ khác. Ở lần quay lại này, ngoài thai phụ đó thì chúng tôi phát hiện thêm một bà bầu khác đang có mặt tại đây. Qua trao đổi với phóng viên, chủ điểm tập kết thừa nhận không có hồ sơ lưu trữ thông tin về các bà bầu từng ăn ở tại đây, cũng không đăng ký tạm trú tạm vắng cho họ. Ngoài ra, chủ điểm tập kết cũng thừa nhận không biết được địa chỉ cụ thể của những đứa trẻ đã được cho đi. Trước đó, bà bầu nhập vai thâm nhập điểm tập kết này cũng được hướng dẫn: Lúc nào vào bệnh viện, khi khai hồ sơ bệnh án thì phải ghi tên cha mẹ đứa trẻ theo tên của những người nhận nuôi con. |