Hà Nội xác định giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc theo dõi sát thực tiễn, điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời để tháo gỡ các “điểm nghẽn” và khó khăn, vướng mắc.
LTS: Năm 2025, với nhiều địa phương trên cả nước nói chung, Thành phố Hà Nội (Hà Nội) nói riêng, được coi là năm bản lề, có vai trò quyết định thành công của cả nhiệm kỳ. Do đó, Hà Nội xác định rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đó là động lực dẫn dắt phát triển kinh tế xã hội, được ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành.
Hà Nội đã tích cực tăng cường chỉ đạo, điều hành, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, đưa kế hoạch giải ngân 100% vốn đầu tư công về đích.
 |
Năm 2025, được xác định là năm then chốt, quyết định sự thành công của cả nhiệm kỳ, do đó, Hà Nội quyết tâm thực hiện đạt 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được giao |
Đưa GPMB thành các dự án độc lập!
Năm 2025, được xác định là năm then chốt, quyết định sự thành công của cả nhiệm kỳ, do đó, Hà Nội quyết tâm thực hiện đạt 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được giao, coi đó là động lực thúc đẩy và dẫn dắt phát triển kinh tế xã hội trong năm 2025, góp phần tăng trưởng của thành phố là 8%.
Cụ thể hóa nhiệm vụ trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 25/2/2025 về việc thúc đẩy triển khai và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025; Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững của Thủ đô, giao nhiệm vụ chi tiết cho các đơn vị; tổ chức giao ban xây dựng cơ bản toàn thành phố.
Tuy nhiên, qua thực tiễn, hiện nay nhiều dự án đầu tư công đang gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Do đó, Hà Nội tập trung chỉ đạo tháo gỡ trong công tác GPMB là nhiệm vụ quan trọng nhất trong thúc đẩy kế hoạch đầu tư công năm 2025.
 |
Hà Nội đã thực hiện việc tách GPMB thành dự án độc lập ở một số dự án |
Theo tìm hiểu được biết, Luật Thủ đô 2024, Luật Đầu tư công 2024, cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm, gồm cả các dự án nhóm B, nhóm C (không chỉ gồm dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A như theo Luật Đầu tư công 2019). Và hiện nay, Hà Nội đã thực hiện việc tách GPMB thành dự án độc lập ở một số dự án và giao cho các quận, huyện làm chủ đầu tư các dự án GPMB.
Bên cạnh đó, các sở, ngành tiếp tục tham mưu, đề xuất thành phố tiếp tục thực hiện các cơ chế thanh toán linh hoạt: chuẩn bị đầu tư; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; bồi thường tái đinh cư khi nhà nước thu hồi đất để thúc đẩy tiến độ GPMB.
Với đặc thù của Kế hoạch năm 2025, nguồn vốn ngân sách Trung ương lớn (chiếm 16,5% kế hoạch vốn của toàn TP), thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương. Đồng thời, thành phố tập trung quyết liệt, chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với các dự án trọng điểm như cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát... các đường về trung tâm TP. Hà Nội, các tuyến đường sắt đô thị.
“Các bộ, ngành và các địa phương phối hợp thúc đẩy giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với sự chỉ đạo của người đứng đầu trong công tác giải phóng mặt bằng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính. |
Riêng với việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” liên quan đến GPMB, Hà Nội cũng giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với các chủ đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công trên địa bàn TP; tổng hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, phân loại cụ thể thành từng nhóm vấn đề và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khả thi, phù hợp với quy định hiện hành.
Hoặc ở địa phương các quận, huyện đều chủ động có những phương án phù hợp với thực hiễn để đáp ứng tiến độ GPMB. Có thể kể đến như UBND TX. Sơn Tây ban hành Kế hoạch (số 45/KH-UBND ngày 23/1/2024) về “Phát động phong trào thi đua thực hiện công tác GPMB trên địa bàn thị xã Sơn Tây năm 2024”; Chương trình phối hợp số 10-CTr/BDV-TTPTQĐ-BQLDA ngày 09/10/2023 giữa Ban Dân vận Thị ủy với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã về “Thực hiện công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng trên địa bàn thị xã Sơn Tây”.
Những kế hoạch, chương trình này đều được thực hiện đồng bộ ở trong toàn hệ thống chính trị, nhằm mục đích tháo gỡ những khó khăn trong GPMB. Đồng thời, có những kiến nghị, đề xuất với thành phố, các sở, ngành tháo gỡ những chính sách tồn tại từ GPMB để phù hợp với thực tiễn.
Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành
Ngoài những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng. Theo đó, nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2025, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu các giám đốc/thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan xác định phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc theo dõi sát thực tiễn, điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời để tháo gỡ các điểm nghẽn và khó khăn, vướng mắc.
 |
Hà Nội tập trung chỉ đạo tháo gỡ trong công tác GPMB là nhiệm vụ quan trọng nhất trong thúc đẩy kế hoạch đầu tư công năm 2025 |
Đồng thời, nghiêm túc rút kinh nghiệm, đánh giá đầy đủ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện; trách nhiệm của tập thể cũng như cá nhân liên quan, đặc biệt là các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời ngay trong quý I/2025; đồng thời khẩn trương, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát tại hiện trường, chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu huy động tối đa nguồn lực, bố trí đủ máy móc, thiết bị, nhân lực thi công, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án trọng điểm và dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương; trong đó tập trung triển khai các dự án theo đúng tiến độ đã cam kết; rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thi công; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu hoàn thiện thủ tục đầu tư và thúc đẩy cải cách hành chính trong quản lý đầu tư công; cân đối nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư công; đẩy mạnh thanh toán, quyết toán vốn đầu tư.
Kế hoạch số 57/KH - UBND, 11 giải pháp trọng tâm bao gồm: Thứ nhất, xây dựng kế hoạch tiến độ, giải ngân từng tháng đối với từng dự án ngay từ đầu năm. Thứ 2, tập trung, quyết tâm triển khai các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương. Thứ 3, tập trung triển khai thực hiện các công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 của Thành phố. Thứ 4, đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng vốn ngân sách cấp thành phố đối với 2 nhóm dự án: Nhóm 94 dự án quá thời gian bố trí kế hoạch vốn đã được HĐND chấp thuận kéo dài thời gian bố trí vốn theo Điều 52, Luật Đầu tư công năm 2019; Nhóm 26 dự án đến hết năm 2024 hết thời gian thực hiện nhưng chưa được điều chỉnh dự án và còn nhu cầu vốn. Thứ 5, đối với dự án thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án sử dụng ngân sách Thành phố hỗ trợ có mục tiêu cấp huyện. Thứ 6, đối với các dự án sử dụng ngân sách cấp huyện, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng cho từng dự án, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch đã giao. Đối với các đơn vị giao kế hoạch đầu tư công năm 2025 cao hơn Thành phố giao định kỳ hàng tháng đánh giá khả năng thu tiền sử dụng đất và khả năng đáp ứng chi đầu tư xây dựng từ nguồn vốn này, tránh tình trạng phê duyệt các thủ tục đầu tư xây dựng, triển khai thực hiện dự án khi không đảm bảo khả năng cân đối vốn và để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản. Thứ 7, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thứ 8, rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trong năm 2025. |
Bên cạnh những giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tiễn như điều chỉnh nguồn vốn cho các dự án theo thứ tự ưu tiên, phân cơ chế “luồng xanh”, nâng cao vai trò lãnh đạo... thì Hà Nội đã có những kiến nghị, đề xuất xin cơ chế đặc thù, tháo gỡ chính sách, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, giúp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch. Mời quý vị độc giả đón đọc Bài 4: Tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương! |