Nguồn cung căn hộ giảm, đề xuất lập công ty công ích quản lý quỹ bảo trì chung cư... là những tin chính trong Địa ốc 7AM hôm nay.
Bùng nổ tranh chấp, đề xuất lập công ty công ích quản lý quỹ bảo trì chung cư
Một trong hai phương án quản lý quỹ bảo trì được HoREA nhắc đến là lập Công ty Dịch vụ Công ích thu, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư trên địa bàn, dưới sự giám sát của Ban Quản trị nhà chung cư.
|
Tranh chấp quỹ bảo trì chung cư diễn ra tại nhiều nơi. (Ảnh minh hoạ). |
Tranh chấp liên quan tới quỹ bảo trì chung cư vẫn được đánh giá là "bài ca không có hồi kết" suốt thời gian qua. Tại không ít chung cư, chủ đầu tư không chịu bàn giao cho cư dân quỹ bảo trì chung cư, còn một số nơi, các thành viên ban quản trị mờ mắt trước nguồn lợi khổng lồ từ quỹ này nên xảy ra tình trạng tranh chấp...
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tính đến giữa năm 2018 trên cả nước có 108 dự án xảy ra chanh chấp, khiếu nại giữa cư dân với chủ đầu tư có liên quan đến các hoạt động quản lý, vận hành nhà chung cư.
Riêng tại TPHCM, trong số 44 vụ tranh chấp chung cư được Sở Xây dựng thụ lý thì có đến 34 vụ (77%) tranh chấp liến quan đến phí bảo trì. Trong hầu hết các trường hợp chưa thể tổ chức hộ nghị nhà chung cư, chưa thành lập ban quả trị trong 12 tháng đầu tiên.
Tại Hà Nội, báo cáo gần đây của Ban nội chính Thành uỷ vào tháng 10/2018 cho biết, trong số 745 (cụm, toà) chung cư thương mại trên địa bàn thành phố có đến 129 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn phức tạp.
Xem thêm...
Nguồn cung căn hộ giảm 57% so với cùng kỳ
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường bất động sản Savills, nguồn cung sơ cấp căn hộ trên địa bàn TPHCM quý 1-2019 đạt hơn 12.000 căn, giảm 34% so với quý trước và giảm đến 57% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Việt Nam, cho biết ngoài việc chủ đầu tư còn ít sản phẩm thì vấn đề thủ tục pháp lý bị trì hoãn đã dẫn đến nguồn cung mới giới hạn. Với việc nguồn cung sơ cấp hạn hẹp, giá căn hộ tại thị trường thứ cấp đang trở nên sôi động.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, quá trình thẩm định pháp lý các dự án mới dự kiến sẽ bình thường trở lại trong năm 2019. Các danh mục có quy hoạch tổng thể và pháp lý rõ ràng đang thu hút nhiều nhà đầu tư và tăng dần giá trị.
Sự quan tâm của người nước ngoài về thị trường căn hộ ngày càng rõ hơn ở các dự án cao cấp. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai gần với giá căn hộ cao hơn ở tất cả các hạng. Trong khi đó, các dự án căn hộ hạng C sẽ tiếp tục chiếm ưu thế và dẫn dắt thị trường người mua trong nước.
Xem thêm...
Xây nhà trên đất ở hợp pháp bỗng dưng bị phạt vì xây trên đất tranh chấp?
Báo PLVN nhận đơn thư của ông Nguyễn Văn Thuận (ở phường 5, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) "kêu oan" về việc ông bị Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu ra quyết định xử phạt không đúng căn cứ pháp luật.
|
Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Đại đoàn kết). |
Cụ thể, ngày 1/3/2019 Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu có Văn bản số 25/TTrS gửi Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu và Chủ tịch UBND phường 1, về việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn phường 1, TP Bạc Liêu.
Nội dung văn bản nêu rõ: "Đối với công trình xây dựng do ông Nguyễn Văn Thuận làm chủ đầu tư xây dựng sai quy hoạch được duyệt, một phần công trình xây dựng trên mương thoát nước quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng trên phần đất mà ông Nguyễn Văn Hòn (chủ đất cũ) còn đang tranh chấp, khiếu nại việc Nhà nước thu hồi đất của gia đình ông Hòn để đầu tư Dự án Khu dân cư Bắc Trần Huỳnh, phường 1, TP Bạc Liêu…
Vì lý do trên, Thanh tra Sở Xây dựng kiến nghị tiến hành lập biên bản ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Văn Thuận - chủ đầu tư công trình xây dựng do đã có hành vi xây dựng công trình quy hoạch, buộc tháo dỡ ngay phần công trình xây dựng lấn chiếm mương thoát nước công cộng rộng 2m".
Xem thêm...
Người Sài Gòn sống trong chung cư xuống cấp, tường nhà nứt toác phải cột bằng dây kẽm, đổ sập bất cứ lúc nào
Những mảng trần nhà rơi rớt, bong tróc, tường nứt toác, các cột bê-tông sắp đổ sập được người dân dùng dây kẽm "băng bó" tạm bợ. Hàng trăm hộ dân ở chung cư Vĩnh Hội (quận 4, TP.HCM) đang phải sống trong bất an, lo sợ vì khu chung cư này có thể đổ sập bất cứ khi nào.
Nằm lọt thỏm giữa những cao ốc, những khu chung cư mới mọc lên xung quanh, chung cư cũ Vĩnh Hội, phường 6, quận 4, TP.HCM đang rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của hàng trăm hộ dân sinh sống tại đây.
Khu chung cư Vĩnh Hội gồm 3 lô, A, B, C, đã được xây dựng cách đây hơn 50 năm trước, hiện có hàng trăm hộ gia đình gồm già, trẻ, lớn, bé đang sinh sống.
Tuy nhiên, sau hơn nửa thế kỉ đi vào sử dụng, hiện nay rất nhiều hạng mục của khu chung cư này đang xuống cấp. Rơi vào tình trạng báo động nguy hiểm, cần di dời các hộ dân khẩn cấp.
|
Khu chung cư Vĩnh Hội (quận 4, TP.HCM) đang xuống cấp trầm trọng và có thể sập bất cứ lúc nào. |
|
Các mảng tường, trần nhà bong tróc từng mảng lớn. |
Xem thêm...
TS Trần Hữu Hiệp: 'Cần may lại chiếc áo pháp lý cho đất đai'
Tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã có tờ trình xin lùi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai đến sau năm 2020. Vậy là một lần nữa, đạo luật quan trọng này lại trễ hẹn.
|
Cần may lại chiếc áo pháp lý cho đất đai. Ảnh minh họa. |
Sức nóng từ đất
Mặc dù chính sách, pháp luật về đất đai ngày càng được hoàn thiện, quyền sử dụng đất được mở rộng, thị trường bất động sản được hình thành, nhưng quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn nhiều hạn chế. Quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư còn nhiều vướng mắc. Trong nhiều trường hợp, lợi ích của người dân bị thu hồi đất và lợi ích của Nhà nước chưa được bảo đảm.
Quyền sử dụng đất không chỉ được mua bán kèm theo các loại bất động sản như nhà, công trình kiến trúc mà nó còn được sang nhượng một cách riêng lẻ dưới dạng các giao dịch dân sự. Hoạt động mua bán này đang diễn ra theo cơ chế thị trường, nhưng đồng thời nó cũng bị chi phối bởi “quan hệ hành chính” phi thị trường.
Thực tế vẫn đang tồn tại “chế độ hai giá đất” chênh lệch nhau nhiều lần là giá do Nhà nước quy định và giá thị trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, khiếu kiện đất đai trong thu hồi đất, đền bù giải tỏa. Việc lập các thủ tục pháp lý như công chứng, trước bạ sang tên, đăng ký quyền sử hữu nhà, quyền sử dụng đất cho các giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất đai còn nhiều khe hở, tạo vỏ bọc cho các giao dịch “ngầm” như hạ giá nhà đất được mua bán để né thuế, gây thất thu ngân sách hay “găm” thủ tục chuyển nhượng, trước bạ sang tên để tiếp tục mua bán sang tay cũng nhằm trốn thuế.
Xem thêm...