Theo lịch xét xử, ngày 18/3, TAND Thành Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai đối với 4 bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Trao đổi với Phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Thanh Nhã, Thẩm phán TAND TP Hà Nội cho biết, dự kiến ngày 18/3 sẽ đưa ra xét xử đối với 4 bị can về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Các bị can bị truy tố gồm Phạm Thị Hà (SN 1982), Giám đốc Công ty TNHH tư vấn du học và Lữ hành quốc tế Edu Global, Nguyễn Hữu Ninh (SN 1969) trú tại Hoàng Mai, Hà Nội, Lê Thanh Tuyên (SN 1973), trú tại Quảng Bình và Vũ Thị Lan (SN 1974) trú tại Nghệ An.
Theo cáo trạng, kết quả điều tra xác định trường HTMi Thụy Sỹ có chương trình du học trại hè ngắn hạn.
Hoàng Minh Thùy Dương (SN 1994) - Giám đốc tiếp thị của HTMi tại Việt Nam đã gửi thư điện tử tổ chức hội thảo giới thiệu về nội dung chi tiết của chương trình trại hè ngắn hạn tại Thụy Sỹ tới 5 công ty gồm: Công ty TNHH tư vấn du học và lữ hành quốc tế Edu Global; Công ty cổ phần giáo dục quốc tế Tùng Vy; Công ty TNHH tư vấn du học, đào tạo ngoại ngữ và dịch vụ visa Vingate Global; Công ty CP đào tạo và du học Edutrust và Công ty TNHH thương mại du lịch Royal visa TP.HCM để mời hợp tác tư vấn, tuyển sinh học sinh.
Sau khi nhận được thông tin về chương trình, 5 công ty đã giới thiệu, quảng bá trên trang web, fanpage của công ty về đối tượng du học là học sinh, sinh viên độ tuổi từ 13- 17 tuổi; chi phí 2.500CHF/học sinh và 2.300CHF/phụ huynh tham dự.
|
Ảnh: Công ty TNHH tư vấn du học và Lữ hành quốc tế Edu Global (đăng trên Google). |
Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2022, 5 công ty trên đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục cho 11 học sinh tham gia.
Sáng ngày 24/7, Dương cùng các học sinh trên xuất cảnh đi Thụy Sỹ để tham gia chương trình trại hè.
Sau đó các học sinh lần lượt bỏ trốn, đến nay chỉ có 1 học sinh quay trở về Việt Nam theo đúng lịch trình.
Cáo trạng cáo cuộc, khoảng tháng 5/2022, Nguyễn Hữu Ninh được một người đàn ông tên Hùng (quê Nghệ An, hiện đang sinh sống ở Châu Âu - không rõ thông tin) gửi 18 bộ hồ sơ của khách có nhu cầu đi Hungari, Ba Lan lao động. Ninh đã nhờ Tuyên nhận hồ sơ với giá thỏa thuận là 8.000 USD phí đi (đã bao gồm vé máy bay) và 4.000 USD phí cọc chống trốn, tổng cộng là 12.000 USD tương đương khoảng 285.000.000 đồng/khách.
Sau đó, Tuyên liên hệ nhờ Võ Nha Trang đưa 18 khách này sang Châu Âu lao động.
Sau đó Trang trao đổi với Phạm Thị Hà, được Hà giới thiệu đang có chương trình du học hè ngắn hạn tại Thụy Sỹ.
Sau khi được Trang hướng dẫn, Vũ Thị Lan đã chuyển hồ sơ, đứng tên ký hợp đồng tư vấn du học cho 18 khách với Công ty Edu Global độ tuổi từ 17-40 tuổi nhưng chỉ có 2 học sinh được duyệt tham gia khóa học trại hè.
Về chi phí cho 2 học sinh sang Thụy Sĩ, Ninh đã nhận tổng số tiền là 522.400.000 đồng từ Hùng, sau đó chuyển toàn bộ số tiền trên cho Lê Thanh Tuyên.
Tuyên chuyển cho Vũ Thị Lan đủ và Lan chuyển cho Phạm Thị Hà 477.400.000 đồng và giữ lại 45.000.000 đồng.
Phạm Thị Hà đã cung cấp dịch vụ tư vấn và sử dụng số tiền này để nộp học phí, mua vé cho khách, còn lại được hưởng số tiền đặt cọc chống trốn là 206.000.000 đồng.
Nguyễn Hữu Ninh, Lê Thanh Tuyên chưa được hưởng lợi, Vũ Thị Lan được hưởng lợi bất chính 10.000.000 đồng, Võ Nha Trang được hưởng lợi bất chính 35.000.000 đồng.
Hành vi của bị can Phạm Thị Hà phạm vào tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” được quy định tại điểm đ khoản 2, Điều 349 Bộ luật Hình sự.
Các bị can còn lại bị truy tố cùng tội danh theo quy định tại khoản 1 Điều 349 Bộ luật Hình sự.
Đối với các công ty liên quan, trong đó có Công ty Edu Truts do Nguyễn Thị Nhiên làm giám đốc; Công ty Vingate Global do Phùng Thị Hạnh làm giám đốc và Công ty Tùng Vy do Vũ Thị Hải làm giám đốc, quá trình thu thập các tài liệu, cơ quan điều tra không có căn cứ để xem xét xử lý hình sự về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.
Riêng công ty TNHH thương mại du lịch Royal Visa do Huỳnh Ngọc Dung Ly làm giám đốc, cơ quan điều tra đã làm rõ công ty này làm hồ sơ cho 1 học sinh tham gia chương trình trại hè ngắn hạn tại trường HTMi Thụy Sỹ. Toàn bộ việc làm hồ sơ này thực hiện tại TP.HCM. Vụ việc đã được Phòng An ninh đối ngoại – Công an TP.HCM xác minh xử lý theo thẩm quyền.
Trả lời trên báo chí, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, đoàn luật sư Hà Nội cho biết: Đối với những người tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Với hành vi tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép theo quy định của pháp luật Việt Nam thì đây là hành vi phạm tội, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 349 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo điều 349, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép: Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 đến 10 năm như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 2 lần trở lên; đối với từ 5 người đến 10 người; Có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính từ 100 đến dưới 500 triệu đồng;Tái phạm nguy hiểm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Đối với 11 người trở lên; Thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; Làm chết người. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |