Những tin chính: Đà Nẵng chuyển hướng từ "thành phố đáng sống" sang "thành phố 4 an", Đất đai tiếp tục “nóng” với hơn 2.000 phản ánh vi phạm năm 2016...
1. Hải Phòng tháo dỡ công trình nhạc nước 200 tỷ
Được đánh giá là có nhiều bất cập, việc xây dựng công trình nhạc nước tại hồ Tam Bạc - thành phố Hải Phòng, thời gian qua khiến cử tri đặt nhiều câu hỏi. Và đầu tháng 12 vừa qua, HĐND TP đã quyết nghị dừng thực hiện dự án. Việc tháo dỡ công trình nhạc nước đã chính thức bắt đầu.
Mặc dù công trình mới chỉ đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và còn chưa được bàn giao nhưng đã lộ rõ những bất cập như: vị trí không phù hợp, không bảo đảm mĩ quan đô thị, hiệu quả khai thác thấp, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường.
Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng, việc tháo dỡ sẽ phải hoàn thành trước ngày 10/1/2017.
2. Bất động sản thu hút đầu tư cuối năm
Trong cuộc đua đầu tư cuối cùng của năm 2016, so với các kênh đầu tư chứng khoán, vàng, ngoại tệ, bất động sản vẫn là kênh chuyển động mạnh mẽ, thu hút vốn cao và có tính lâu dài.
Theo tâm lý chung của người Việt, nhà đất là kênh giữ tài sản hiệu quả. Giá vàng liên tục lao dốc trong nhiều tháng qua đã khiến không ít người dân bán tháo để tránh lỗ. Trong khi đó, kênh đầu tư chứng khoán chỉ dành cho những ai thực sự am hiểu lĩnh vực này.
Nhận định về thị trường cuối năm, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, sự sôi động của thị trường còn do giá bất động sản tăng vào thời điểm cuối năm. So với năm ngoái, đất nền ở Hà Nội đã tăng khoảng 1,3%. Ở những khu vực ven đô thị, mức giá tăng cao hơn 10-15% khi nhiều tuyến đường đã và đang hoàn thành. Những yếu tố ấy giúp thị trường bất động sản cuối năm 2016 thật sự sôi động.
3. Đà Nẵng chuyển hướng từ 'thành phố đáng sống' sang ‘thành phố 4 an’
Dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Xuân Anh, sáng 27.12, toàn thành phố Đà Nẵng chính thức triển khai xây dựng đề án "thành phố 4 an" đến năm 2020. Lãnh đạo quận huyện nào làm tốt sẽ được đề bạt, bổ nhiệm vị trí cao hơn. Ai làm chưa tốt sẽ bị điều chuyển, thay thế...
Đề án ‘thành phố 4 an’ gồm 4 chỉ tiêu: an ninh trật tự; an toàn giao thông; an sinh xã hội và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đề án này được đưa ra thực hiện trong bối cảnh Đà Nẵng đang ngày càng phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là về an ninh trật tự. Trong năm qua, nhiều vụ án mạng lớn và chưa có tiền lệ đã xảy ra ở thành phố này. Đặc biệt, các vụ án mạng nghiêm trọng liên quan đến ma túy đã xảy ra liên tiếp khiến cộng đồng cảm thấy bất an.
Ông Xuân Anh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng cũng đề nghị sự ủng hộ từ báo chí đối với việc thực hiện đề án này.
4. Đất đai tiếp tục “nóng” với hơn 2.000 phản ánh vi phạm năm 2016
Thông tin từ Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) sáng 27/12 cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận, xử lý 2.028 thông tin phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai, đặc biệt là công tác cấp sổ đỏ.
Đến nay, Tổng cục Quản lý đất đai cũng đã phát hành 533 công văn yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định và báo cáo kết quả về Tổng cục. Đồng thời chuyển Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý 180 trường hợp khiếu nại, tố cáo.
Để chấn chỉnh những tồn tại, lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai khẳng định, trong năm 2017, đơn vị này sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt việc xây dựng, vận hành và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai; tăng cường phối hợp tốt với Tổng Cục thuế để nhân rộng việc thực hiện liên thông thuế, kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên môi trường.
5. Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch Hà Nội
Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát Thường trực HĐND Thành phố về thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát cụ thể các dự án đầu tư trong lĩnh vực phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố để có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Ưu tiên bố trí kế hoạch vốn ngân sách cho các đề án, chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công; tạo cơ chế hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực thực hiện dự án.
Công khai dự án xã hội hóa chậm triển khai, đôn đốc, giám sát, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn thúc đẩy triển khai đúng tiến độ, có chất lượng các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn; Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và phối hợp Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội để thu hút các nguồn vốn xã hội, các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực du lịch.
6. Bến Tre: Khởi công xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho hơn 500 tàu cá
Ngày 27/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá tại xã An Thủy, huyện Ba Tri.
Dự án đầu tư xây dựng có tổng diện tích là 43 ha gồm khu bến cảng và hậu cần là 20 ha, ụ neo đậu tàu là 23 ha. Dự án này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư.
Dự án gồm các hạng mục: công trình khu neo đậu, công trình khu dịch vụ hậu và công trình phụ trợ. Kinh phí xây dựng dự án là 253 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá huyện Ba Tri là khu neo đậu thứ hai của tỉnh Bến Tre và là nơi tránh trú bão cho khoảng trên 500 tàu cá. Trước đó, năm 2012, Bến Tre cũng đã đưa vào sử dụng công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại xã Bình Thắng (huyện Bình Đại) với kinh phí đầu tư 47 tỷ đồng.