Những tin chính: Xây dựng Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, Nghịch lý nhà ở thương mại rẻ hơn nhà ở xã hội...
1. Thị trường bất động sản 2017: Khi “ông lớn” đổi hướng
Đầu tháng 12 này, hàng loạt dự án căn hộ dành cho giới trẻ được công bố và gia nhập đã tạo thành cơn sóng lớn trên thị trường.
Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 12, thị trường bất động sản tầm trung có mức giá phù hợp ghi nhận một cơn sóng chào hàng lớn chưa từng có: VinGroup công bố 300.000 căn hộ Vincity, 2.000 Aqua Bay và West Bay, Mường Thanh giới thiệu 3.000 căn hộ cho người trẻ tại khu đô thị Thanh Hà Cienco.
Thị trường nhà ở tầm trung đang có sự tham gia với một chiến lược khá dài hơi của nhiều đại gia địa ốc. Đây là "cuộc chơi" lớn có nhiều yếu tố bất ngờ, sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất gay gắt trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp đang làm nhà cho giới trẻ phải xem lại chiến lược đầu tư của mình nếu như muốn cạnh tranh thị phần trong miếng bánh màu mỡ này.
Nhà ở dành cho phân khúc người trẻ lúc này phải đáp ứng được tiêu chí: giá mềm, vị trí đẹp và đặc biệt tiện ích phải “chuẩn”, phải có được quỹ đất rộng lớn, quy hoạch đồng bộ, hạ tầng vượt trội, đủ để cung cấp cho cư dân tương lai những dịch vụ “đạt chuẩn”.
Vì vậy, doanh nghiệp địa ốc nào theo đuổi được hướng đi này, sẽ có thể vươn vai trở thành người khổng lồ trong tương lai. Ngược lại, nếu chậm thay đổi, vẫn đi theo hướng đi cũ, phát triển căn hộ giá rẻ bằng cách cắt bớt tiện ích hoặc chất lượng sẽ sớm “chết yểu”.
2. Nghịch lý nhà ở thương mại rẻ hơn nhà ở xã hội
Nhiều người vẫn nghĩ mua được 1 suất nhà ở xã hội là may mắn vì nhà ở xã hội sẽ rẻ hơn nhiều so với nhà thương mại lại nhận được nhiều ưu đãi của nhà nước như giảm thuế, miễn tiền sử dụng đất... Thế nhưng, trên thị trường lúc này lại đang xuất hiện không ít các dự án nhà ở thương mại còn rẻ hơn cả nhà ở xã hội.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, sở dĩ có chuyện giá nhà ở xã hội có những nơi cao hơn nhà ở thương mại là do thị trường BĐS cạnh tranh khốc liệt, nhiều dự án thương mại đã chấp nhận không có lãi, thậm chí lỗ. Trong khi đó, tại nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn cứng nhắc tính toán mức lợi nhuận ở mức 10%, chưa thích nghi với biến động của thị trường.
Cũng theo các chuyên gia BĐS, một trong những nguyên nhân khiến nhà ở xã hội không còn hấp dẫn, thậm chí nhiều dự án còn ế ẩm không có người mua là do gói vay ưu đãi 30.000 tỷ sẽ dừng vào cuối năm 2016 và chưa có gói nào thay thế. Nếu không có gói vay hỗ trợ, người thu nhập thấp sẽ không dám mua vì không chịu nổi lãi suất vay thương mại thông thường, nhất là khi thời gian vay dài mà lãi suất lại thả nổi theo thị trường.
3. Năm 2017, đầu tư vào BĐS vẫn có cơ hội sinh lời
Theo các chuyên gia kinh tế, với sự khởi sắc trong năm 2016, thị trường BĐS năm 2017 hứa hẹn sẽ tiếp tục sôi động và tăng trưởng. Đặc biệt đối với phân khúc nhà nghỉ dưỡng, du lịch và nhà ở xã hội giá rẻ dành cho người có thu nhập trung bình.
Chia sẻ tại hội thảo “Thị trường bất động sản Việt Nam 2016 – 2017, toàn cảnh và dự báo” diễn ra tại TP.HCM mới đây, các chuyên gia đánh giá, với tình hình thị trường BĐS vẫn còn nhiều cơ hội phát triển cùng với những nỗ lực làm mới các sản phẩm, thị trường BĐS năm 2017 sẽ khó có thể xảy ra tình trạng bong bóng BĐS như nhiều người dự báo. Thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định và hướng nhiều vào những phân khúc có thanh khoản cao như chung cư giá rẻ hay BĐS nghỉ dưỡng ven biển. thời điểm hiện tại việc đầu tư vào bất động sản là loại hình có hệ số an toàn rất lớn.
4. Dòng tiền ồ ạt hướng vào BĐS, thị trường tăng tốc cuối năm
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến tết Nguyên Đán, đây cũng là thời điểm sôi động nhất của thị trường BĐS trong năm. Và để nắm lấy cơ hội vàng này các chủ đầu tư tăng tốc bán hàng kèm theo những ưu đãi khuyến mãi hấp dẫn.
Đầu tiên phải kể đến nguồn tín dụng ngân hàng, theo báo cáo mới nhất của Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản 9 tháng năm 2016 tăng 5,3%, chiếm 8,5% tổng tín dụng.
Ngoài ra, dòng kiều hối là một lực đẩy khác. Tính đến hết tháng 9, lượng kiều hối chuyển về địa bàn Tp.HCM qua các kênh chính thức đạt 3,25 tỷ USD, tăng hơn 12% so với tháng trước.
Đặc biệt, trên thị trường một dòng tiền không nhỏ từ kênh tiết kiệm truyền thống được dự báo có thể đang âm thầm chuyển dịch vào thị trường địa ốc như một kênh đầu tư lâu dài, trong bối cảnh lãi suất vẫn tiếp tục ổn định ở mức thấp.
Trước một lượng lớn tiền đang chờ chực đổ vào thị trường BĐS, mỗi chủ đầu tư lại có những chiến lược riêng khuyến mãi riêng để hút dòng tiền này đổ vào dự án của mình.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường BĐS cuối năm hiện đang có lợi cho cả người mua lẫn người bán. Nhu cầu của thị trường đang tăng mạnh cả với những người mua nhà để ở lẫn để đầu tư. Với những chính sách khuyến mại thường được coi là lớn nhất trong năm, lượng giao dịch trên thị trường dự kiến sẽ tăng mạnh từ nay đến Tết Nguyên đán.
5. Xây dựng Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Tại Hà Nội, ngày 19/12 vừa qua, Cục Phát triển Đô thị phối hợp với Quỹ Rockefeller, Quỹ châu Á, Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội phối hợp tổ chức Hội thảo Tham vấn Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam và kết quả áp dụng thí điểm tại 5 đô thị.
Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá, xây dựng và thử nghiệm chỉ số phục hồi đô thị (CRI) sẽ hỗ trợ các cơ quan chính quyền cấp địa phương và Trung ương tại Việt Nam nâng cao hiểu biết, đánh giá, giám sát và tăng cường khả năng phục hồi biến đổi khí hậu. Bộ chỉ số VN-CRI tập trung vào 4 mục tiêu chính là sức khỏe và phúc lợi, kinh tế xã hội, hạ tầng và môi trường, lãnh đạo và chiến lược, nhằm hạn chế những tác động của khí hậu tới đời sống và sinh kế của người dân.
Trong giai đoạn 1, dự án đã triển khai xây dựng bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ địa phương liên quan và áp dụng thí điểm Bộ chỉ số tại 5 đô thị trên cả nước gồm: Lào Cai, Quảng Ninh, Hội An, Gia Nghĩa, Cà Mau. Giai đoạn 2, dự án sẽ thực hiện các hoạt động: Nghiên cứu áp dụng nhân rộng bộ chỉ số tại các đô thị thuộc danh mục quyết định của Thủ tướng Chính phủ