Những tin chính: Thị trường bất động sản đang tắc nghẽn ở đâu? Bộ trưởng GTVT ủng hộ xây dựng cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ...
1. Cơ chế quỹ đất đối với dự án nhà ở xã hội cần linh động
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đối với một số dự án bất động sản tại Thủ đô Hà Nội, thay vì phải dành ra 20% diện tích đất để xây nhà ở xã hội, chủ đầu tư một số dự án bất động sản được phép nộp bằng tiền theo giá đất đối với quỹ nhà ở xã hội.
Cũng liên quan đến quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội làm rõ về quy hoạch và bố trí quỹ đất cho các dự án trước đây chưa bố trí 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại khu vực lân cận của Dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ. Ngoài ra, sử dụng khoản tiền thu được từ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội trong khu vực và trên địa bàn Thành phố.
2. TP.HCM: Vùng đô thị trung tâm được mở rộng đến Long An, Bình Dương và Đồng Nai
UBND TP.HCM vừa trình Bộ Xây dựng bản góp ý cho đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng TP.HCM lần này tập trung vào vùng đô thị trung tâm. Theo đó, TP.HCM sẽ là vùng đô thị lớn, động lực phát triển kinh tế hàng đầu của quốc gia và là đô thị có vai trò vị thế chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.
Vùng TP.HCM sẽ bao gồm toàn bộ 8 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang với TP.HCM là hạt nhân.
Với quy hoạch trên, những hạng mục hạ tầng giao thông quan trọng như các tuyến vành đai và đường xuyên tâm kết nối từ trung tâm thành phố tới các tuyến quốc lộ, cũng như những tuyến kết nối giữa các tỉnh, thành sẽ dần được hình thành.
UBND TP.HCM cho rằng mô hình vùng đô thị trung tâm trên sẽ giúp hạn chế tình trạng đô thị hóa dàn trải, tràn lan. Trong khi đó, bên ngoài vùng đại đô thị trung tâm sẽ phát triển vành đai xanh ngăn cách với các tiểu vùng khác. Vùng đô thị trung tâm không còn phụ thuộc ranh giới hành chính.
3. Phát triển nhà ở xã hội vẫn chậm
Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội nhất là nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp tại các địa phương vẫn chậm, dù đã có nhiều cơ chế chính sách. Đến nay cả nước đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại các khu vực đô thị và khu công nghiệp, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động tại đô thị và khu công nghiệp. Tuy vậy nhu cầu nhà ở xã hội còn rất lớn nhất là người nghèo, công nhân các khu công nghiệp.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Thời gian qua, Nhà nước đã nỗ lực đầu tư nguồn lực rất lớn để hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình chính sách, nhà ở cho người nghèo, nhà ở cho người dân vũng lũ.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ sớm có chỉ thị về việc phát triển nhà ở xã hội. Các địa phương phải căn cứ vào chỉ thị để ban hành chương trình phát triển nhà ở xã hội ở địa phương. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn phát triển nhà ở xã hội cho cả 9 nhóm đối tượng.
Về việc chăm lo nhà ở cho công nhân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các địa phương như: Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Đồng Nai thời gian qua đã tích cực giải quyết nhà ở cho công nhân.
4. Thị trường bất động sản đang tắc nghẽn ở đâu?
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết thị trường bất động sản hiện nay đang tồn tại một số bất cập, còn nhiều điểm “nghẽn” khiến thị trường gặp khó khăn trong thời gian qua. Cụ thể, điểm “nghẽn” giải phóng mặt bằng cực kỳ khó khăn dẫn đến tình trạng không thể triển khai được, chôn vốn của doanh nghiệp trong thời gian dài, chưa có lối ra. Bên cạnh thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất thì điểm “nghẽn” tiền sử dụng đất đang là gánh nặng, là ẩn số tạo cơ chế xin - cho.
Cũng theo HoREA, thị trường đang tồn tại một điểm “nghẽn” nữa, đó là chính sách tín dụng chưa phù hợp, chưa tạo được nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản, trong lúc tính chất hoạt động của thị trường này là trung hạn, dài hạn, lãi suất cho vay vẫn còn cao, thiếu nguồn vốn tín dụng cho nhà ở xã hội.
Chính vì vậy, vấn đề cần giải quyết cấp bách là cải cách quy trình, thủ tục hành chính để việc xác định tiền sử dụng đất của doanh nghiệp được thực hiện minh bạch, nhanh chóng, hợp lý và loại trừ được các yếu tố phát sinh tiêu cực.
5. Bộ trưởng GTVT ủng hộ xây dựng cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ
Chiều 23/12, tại buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ GTVT và tỉnh Tuyên Quang, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa đồng tình với chủ trương triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối vào đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dài khoảng 39,15Km với quy mô 4 làn xe.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban PPP (Bộ GTVT), dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ sẽ phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Nhà nước sẽ hỗ trợ 30%, nhà đầu tư góp 70% vốn. Theo tính toán của tư vấn, dự án có tổng mức đầu giai đoạn 1 dự kiến khoảng 2.317 tỷ đồng.
Khẳng định việc đầu tư tuyến cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ là cần thiết, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị tỉnh Tuyên Quang xem xét khả năng huy động phần vốn góp của nhà nước từ các nguồn lực như đất đai, khoáng sản... của địa phương.
Đồng thời, để thuận lợi cho việc huy động nguồn lực, đề nghị tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Tuyên Quang làm Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tương tự dự án đường bộ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã giao cho tỉnh Quảng Ninh. Bộ GTVT sẽ hỗ trợ tỉnh trong quá trình triển khai dự án.