Theo ông Hiệp trình bày, do trên đất các cụ để lại có cho một số gia đình ở nhờ, qua thời gian nhiều gia đình đã buộc phải dọn đi nơi khác khi nhà ông Hiệp đòi lại đất, duy chỉ còn hai gia đình nhưng họ lại cho rằng đây là đất của cha ông họ để lại (dù có giấy tờ thể hiện nguồn gốc đất là của ông nội ông Hiệp mua). Tranh chấp xảy ra, buộc lòng ông Hiệp phải khởi kiện đòi đất, yêu cầu hai gia đình này chuyển đi nơi khác.
Vụ án này đã đi đến hai vòng tố tụng, xử sơ thẩm lần 1, ông Vương Văn Hiệp được tuyên thắng kiện nhưng do một số sai sót, vi phạm nên phải giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để giải quyết lại. Thế nhưng phía tòa án cấp sơ thẩm lần 2 lại cho rằng đất này không thuộc của gia đình ông Hiệp, mà tuyên cho 2 người khác (trái ngược với bản án sơ thẩm lần 1), dù họ thiếu căn cứ chứng minh về nguồn gốc đất là của họ.
 |
Ông Vương Văn Hiệp chỉ vị trí phần đất tranh chấp. |
Kiện đòi trăm mét… mất luôn cả ngàn mét vuông!
Theo hồ sơ vụ án, năm 1928, vợ chồng cụ Vương Văn Kiêm (ông nội của ông Vương Văn Hiệp sinh năm 1962 ở phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) có mua của vợ chồng cụ Cao Thị Nầy và ông Fran Cois Giai phần đất gồm 1.500m2 đất ở và 1.000m2 đất chuyên dùng khác (là phần đất thổ mộ). Cụ Kiêm chỉ có 1 người con duy nhất là cụ Vương Thành Na (“cụ Na”) và cụ Na chỉ có 1 người con duy nhất là ông Hiệp. Cụ Na mất trước cụ Kiêm, mẹ ông Hiệp đi lấy chống khác nên ông Hiệp sống với ông bà nội. Sau khi ông bà nội qua đời, ông Hiệp là người thừa kế duy nhất tài sản mà ông ông bà nội đã tạo dựng (dù lúc này chưa được cấp GCNQSDĐ). Sau đó ông đi kê khai, đóng thuế đầy đủ, đến 1993, ông Hiệp được cấp sổ, đến năm 2003 được cấp đổi sổ mà không ai tranh chấp, ý kiến gì.
Xét thấy trên đất nhà mình có 2 người bà con (bà Tám và bà Nem) được ông nội cho ở nhờ từ lâu nhưng vẫn không chịu di dời, dù nhiều người khác được ông nội cho ở nhờ đã dời đi từ lâu nên năm 2017, ông Hiệp đã yêu cầu 2 người bà con này dời đi nơi khác. Tuy nhiên, 2 người này phản tố lại và cho rằng, đất họ đang ở và một phần đất mà gia đình ông Hiệp đang quản lý sử dụng là do ông cố của họ là cụ Vương Văn Để (cha của cụ Kiêm và là ông ngoại của bà Tám, bà Nem) để lại dù không hề có bất cứ giấy tờ nào để chứng minh; trong khi đó giấy tờ mua đất có xác nhận của chính quyền lúc đó là do vợ chồng cụ Kiêm (con cụ Để) mua, chứ không phải đất của cụ Để.
Theo ông Hiệp, trong thời điểm chiến tranh vì thương tình nên cụ Kiêm đã cho nhiều người họ hàng cũng như dân làng khó khăn ở nhờ trên phần diện tích đất đã mua, trong đó có cụ Ý là mẹ của cụ Nem và cụ Tám. Sau khi cụ Ý mất, cụ Nem tiếp tục sinh sống trên phần đất được cho ở nhờ. Thời kỳ Mỹ thực hiện chính sách dồn dân lập ấp chiến lược, cụ Tám xin cụ Kiêm cho ở nhờ trên đất cùng cụ Nem, chứ không phải là đất của cụ Vương Văn Để để lại như trình bày của phía bị đơn.
Bản án sơ thẩm năm 2022, TAND tỉnh Tây Ninh đã nhận định, Cụ Nem, cụ Tám trình bày nguồn gốc đất tranh chấp do tổ tiên để lại cho 02 cụ, nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất. Hai cụ cũng không kê khai, đăng ký để được cấp GCNQSDĐ tại địa phương, trong khi ông Hiệp kê khai, đăng ký và được cấp GCNQSDĐ vào năm 1993 và được cấp đổi GCNQSDĐ theo bản đồ lưới vào năm 2003. Cụ Nem, cụ Tám cũng không có ý kiến hay khiếu nại gì. Hơn nữa, xung quanh các phần đất cụ Nem, cụ Tám có tranh chấp đều có hàng rào bao bọc xung quanh và có chung 01 cổng rào do ông Hiệp dựng từ năm 2015, cụ Nem, cụ Tám biết nhưng không có ý kiến phản đối…
Từ đó HĐXX cấp sơ thẩm tuyên chấp chấp yêu cầu khởi kiện của ông Hiệp. Buộc cụ Tám có trách nhiệm tháo dỡ, di dời các tài sản còn lại trên đất, trả lại cho ông Hiệp phần đất có diện tích 67,5m2 thuộc 1 phần thửa đất số 110, tờ bản đồ 28. Riêng cụ Nem (có diện tích hơn 100m2) được quyền sinh sống trên đất của ông Hiệp đến cuối đời vì tuổi cao sức yếu. HĐXX cũng tuyên bác yêu cầu phản tố của Bị đơn.
Do có kháng cáo nên năm 2023, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã có bản án phúc thẩm số 179/2023/DS-PT ngày 12/4/2023. Theo đó, bản án phúc thẩm cho rằng, bản án sơ thẩm đã vi phạm tố tụng (không đưa thân nhân những người có mộ phần trên khu đất này tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…), từ đó đã hủy án sơ thẩm.
Ngày 12/9/2024, TAND tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm lần 2, tuy nhiên, kết quả lần này lại phủ nhận hoàn toàn lần trước.
Theo đó, HĐXX căn cứ vào Biên bản xác minh ngày 01/08/2024 của UBND phường Gia Bình cho rằng không thể tiến hành so sánh hiện trạng, vị trí đất của Tờ bán đất năm 1928 với vị trí đất tranh chấp được, bởi vì Bản đồ không ảnh được phê duyệt năm 1984, bản đồ 2000 được phê duyệt năm 2002 nên không có cơ sở để so sánh vị trí tứ cận trong Tờ bán đất lập ngày 10/06/1928. Cụ Nem và cụ Tám có quá trình, sử dụng đất lâu dài, ổn định thuộc trường hợp được cấp GCNQSDĐ theo quy. Việc UBND thị xã Trảng Bàng cấp GCNQSDĐ cho ông Hiệp trong khi cụ Nem, cụ Tám đang sinh sống trên phần đất, khi chưa có ý kiến của cụ Tám, cụ Nem là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cụ Nem, cụ Tám. Ông Hiệp cho rằng đất ông Kiêm cho cụ Tám, cụ Nem ở nhờ trên đất nhưng không có chứng cứ chứng minh cho ở nhờ… Từ đó, HĐXX bác đơn khởi kiện của ông Hiệp, công nhận nội dung phản tố của cụ Nem, cụ Tám. Theo đó, cụ Nem, cụ Tám được quyền sử dụng hơn 1000m2. Bên cạnh đó bản án sơ thẩm lần 2 còn tuyên những người thừa kế của cụ Để được quyền sử dụng hơn 500m2 đất thổ mộ.
Cần có bản án khách quan công tâm
“Tôi biết phải đi tìm công lý ở đâu? Ông nội tôi có giấy tờ mua đất, ông bà, cha mẹ, tôi đều sinh sống trên phần đất này từ xưa đến nay. Vì là chỗ bà con nên gia đình tôi cho cụ Nem, cụ Tám ở nhờ, thậm chí còn cho một số người ngoài ở nhờ cũng như chôn cất trên phần đất này. Tôi đã kê khai, đóng thuế và được cấp sổ đầy đủ qua nhiều lần, trong khi cụ Tám, cụ Nem không hề có bất cứ hồ sơ giấy tờ gì, không thực hiện các nghĩa vụ như kê khai, đóng thuế đất, đi ở nhờ lại tự dưng được tòa tuyên là có đất, từ chỗ gia đình tôi cho ở nhờ khoảng hơn 100m2 thì tòa lại tuyên họ được hơn 1.500m2.”- ông Hiệp bức xúc bày tỏ.
Nếu quan điểm về vụ án này, Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh – Đoàn LS TP HCM cho rằng: Cấp phúc thẩm cần nghiên cứu, xem xét vụ án một cách khách quan, toàn diện nhất để có phán quyết công tâm, đúng quy định của pháp luật.
Theo luật sư Kim Vinh, Giấy tờ mua bán của ông nội ông Hiệp vào năm 1928 là hợp pháp và không thể phủ nhận. Suốt nhiều đời, gia đình ông Hiệp sinh sống ổn định, quản lý, sử dụng khu đất này. Đất được ông Hiệp kê khai, đóng thuế, được cấp sổ đầy đủ rõ ràng, vào nhiều thời điểm cách đây trên 30 năm, nhưng cụ Nem, cụ Tám không hề có ý kiến, khiếu nại gì. Hơn nữa, việc ở nhờ còn được thể hiện là hai cụ không hề có nguồn nước vì ông Hiệp không cho đào giếng, mà phải nhờ vào nguồn nước của gia đình ông Hiệp. Ông Hiệp cũng không cho mở lối đi riêng, mà cho đi nhờ cùng một lối với gia đình ông Hiệp…
 |
|
“Vì sao cụ Nem, cụ Tám nói đây là đất do tổ tiên các cụ để lại nhưng không có bất cứ hồ sơ tài liệu nào để chứng minh? Tại vì sao tổ tiên để lại nhưng các cụ không đi kê khai phần đất này, trong khi các cụ lại biết đi kê khai những khu đất của gia đình mình nằm ở chỗ khác? Nếu cho rằng, trên phần đất đó có mộ của ông Vương Văn Để (ông cố nội của ông Hiệp và là ông ngoại của cụ Tám, cụ Nem) để khẳng định đất này do cụ Để để lại là hoàn toàn không có căn cứ, vì đất này là cụ Kiêm (con trai cụ Để mua năm 1928) và rõ ràng sau khi cụ Để mất thì cụ Kiêm với tư cách là con trai, có đất nên đã chôn cất cha mình, đó là sự hiếu thảo, chứ không nên tránh tráo khai niệm đất của ông Để nên mới được chôn ở đây. Việc chôn chất này còn được thể hiện gia đình cụ Kiêm rất nhân văn khi đồng ý cho phép một số người họ hàng lẫn làng xóm chôn cất tại đây. Nếu là đất tổ tiên thì tất cả những người trong họ hàng dòng tộc đều được chôn, nhưng ở đây là đất riêng của ông Hiệp nên việc chôn cất đều phải có sự đồng ý của ông Hiệp, điều này đã có nhiều người làm chứng.
TAND tỉnh Tây Ninh căn cứ vào Biên bản xác minh ngày 01/08/2024 của UBND phường Gia Bình cho rằng không thể tiến hành so sánh hiện trạng, vị trí đất của Tờ bán đất năm 1928 với vị trí đất tranh chấp được, bởi vì Bản đồ không ảnh được phê duyệt năm 1984, bản đồ 2000 được phê duyệt năm 2002 nên không có cơ sở để so sánh vị trí tứ cận trong Tờ bán đất lập ngày 10/06/1928 để cho rằng không có căn cứ phần đất này do cụ Kiêm mua là suy diễn vì thực tế cho thấy trong các hồ sơ xác nhận để đủ thủ tục cấp sổ cho ông Hiệp qua các thời kỳ cũng như mới đây (sau bản án sơ thẩm lần 2) đều thể hiện rõ nguồn gốc đất này được ông Hiệp thừa kế từ ông nội mình.
Về việc cho rằng, bà Nem, bà Tám ở ổn định lâu dài, đủ điều kiện để cấp sổ lại càng không có căn cứ vì hai cụ không có bất cứ giấy tờ nào để chứng minh, luật sư Kim Vinh nhấn mạnh.
Dư luận mong chờ có bản án công tâm, khách quan của cấp phúc thẩm sắp đây.