Ba người con đã từ chối nhận thừa kế, vậy người con còn lại có quyền sang tên tài sản do bố mẹ để lại không?
|
Hình minh họa. |
Bà ngoại tôi có 4 người con, tại thời điểm bà ngoại tôi mất, 2 trong 4 người con đang ở nước ngoài định cư, còn 2 người ở Việt Nam, sau đó 1 người cũng ra nước ngoài định cư.
Mẹ tôi là người con duy nhất ở lại Việt Nam, trước đây ngôi nhà chỉ có giấy tờ tay, mẹ tôi đã làm lại giấy tờ, nhưng trong sổ hồng lại ghi "là con thừa kế và đại diện cho các người con". 3 người ở nước ngoài đã làm giấy từ chối nhận thừa kế có chứng thực của lãnh sự quán và để lại cho mẹ tôi nhưng hiện nay tôi vẫn không làm được giấy tờ để sang tên qua cho mẹ tôi.
Sau khi làm giấy tờ từ chối nhận thừa kế thì hiện nay, 1 trong 3 người ở nước ngoài đã mất, vợ và con cái của người đó tôi cũng không thể liên hệ được, vậy tôi có thể sử dụng giấy tờ trước khi người này mất để hoàn thành thủ tục không?
Luật sư Huỳnh Mỹ Long - Đoàn luật sư TP Hà Nội trả lời: Thông tin bạn cung cấp còn thiếu nhiều các thông tin chi tiết cụ thể, bạn cũng không nêu rõ bà ngoại bạn mất năm nào và năm nào mẹ bạn làm thủ tục để cấp “sổ hồng”.
Thời điểm mọi người có văn bản từ chối nhận thừa kế sau khi bà ngoại bạn mất bao nhiêu lâu, trước hay sau khi mẹ bạn được cấp “sổ hồng” nên luật sư tạm thời trả lời bằng cách đưa ra giả thiết như sau:
Bốn người con của bà ngoại bạn gồm mẹ bạn và 3 anh chị em khác là con cùng mẹ cùng cha. Khi ông ngoại bạn mất, tất cả đã thống nhất để bà ngoại bạn là chủ sở hữu duy nhất về tài sản là ngôi nhà.
Khi bà ngoại bạn mất, mẹ bạn đã làm thủ tục cấp “sổ hồng” và trong “sổ hồng” ghi tên mẹ bạn với ghi chú: "là con thừa kế và đại diện cho các người con".
Sau khi được cấp “sổ hồng” thì 3 anh chị em kia mới làm giấy tờ từ chối nhận thừa kế, giấy tờ đó cũng không có giá trị vì tài sản khi đó là tài sản chung của cả 4 người con chứ không còn là di sản thừa kế nữa.
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2005, Điều 642. Từ chối nhận di sản
1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.
3. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.
Do đó, sau khi bà ngoại bạn mất, quá 6 tháng mọi người mới làm giấy tờ từ chối thừa kế thì giấy tờ đó cũng không có giá trị mặc dù được chứng thực tại lãnh sự quán cho nên các cơ quan có thẩm quyền không sang tên tài sản đó thành sở hữu riêng của mẹ bạn.
Đến nay, để mẹ bạn được toàn quyền sở hữu tài sản đó thì những người đồng sở hữu còn sống có thể làm thủ tục tặng cho, chuyển nhượng theo quy định pháp luật. Còn đối với người đã chết thì cần tìm kiếm những người thừa kế của người đó thông qua lãnh sự quán, hiệp ước về hợp tác về pháp lý giữa các quốc gia để tìm kiếm.