Sau 30 năm trời ròng rã theo tòa để khiếu kiện việc giải quyết tranh chấp quyền thừa kế, bà Nghiêm giờ đã mắt mờ, chân chậm, tay run...
Hôm nay 15/12, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án dân sự tranh chấp quyền thừa kế với nguyên đơn là bà Trần Thị Nghiêm (sinh năm 1940, trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và bị đơn là cụ Tạ Thị Gái (cùng trú địa chỉ trên), hai người có quan hệ dì ghẻ - con chồng.
Vụ án bắt đầu từ năm 1976 khi bà Nghiêm còn là một phụ nữ trung niên, tính đến nay đã kéo dài 30 năm.
Nguyên nhân khiến một câu chuyện gia đình trở nên nan giải, bế tắc đến vậy âu cũng là do sự mâu thuẫn chẳng thể nào giải quyết nổi bắt nguồn từ một mối quan hệ xưa nay được người đời cho là ghê gớm: dì ghẻ và con chồng.
Cụ Hồi và cụ Sâm có ba người con chung là bà Trần Thị Nhung, bà Trần Thị Nghiêm và bà Trần Thị Minh.
Cụ Sâm qua đời năm 1944 không để lại di chúc, đến năm 1948, cụ Hồi lấy người vợ thứ 2 là cụ Phạm Thị Gái, có với nhau hai người con chung là bà Trần Thị Nga và bà Trần Thị Bé.
Cụ Hồi qua đời năm 1952 cũng không để lại di chúc, di sản của cụ Hồi và cụ Sâm để lại gồm có một ngôi nhà xây gạch lợp ngói trên thửa đất 1 sào do gia đình bà Bé đang quản lý và sử dụng, nay thuộc phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
|
Bà Trần Thị Nghiêm (bìa trái) tại phiên tòa (Ảnh: Nguyễn Xinh) |
Nan giải hành trình đi đòi quyền thừa kế
Năm 1976, bà Nghiêm đã gửi đơn kiện yêu cầu chia quyền thừa kế theo pháp luật số di sản mà cụ Hồ để lại và Tòa án nhân dân quận Từ Liêm đã thụ lý giải quyết.
Tuy nhiên, do đến nay vẫn chưa nhận được tiền nên bà Nghiêm tiếp tục yêu cầu tòa án chia thừa kế theo pháp luật đối với số tài sản này của cụ Sâm.
Cụ thể, về phía nguyên đơn, bà Nghiêm yêu cầu chia số tài sản trên cho mình, bà Nhung và bà Minh thừa kế, phía bị đơn là cụ Phạm Thị Gái thì bà Trần Thị Bé (người đại diện theo ủy quyền của cụ Gái) yêu cầu chia số tài sản trên cho 6 người, gồm cụ Gái và 5 người con cả chung và riêng của cụ Sâm.
Trong quá trình vụ án được giải quyết, phía bị đơn và nguyên đơn liên tục kháng cáo vì cho rằng các bản án đều chưa thỏa đáng.
Bà Nghiêm thì cho rằng mình là con bà cả, số tài sản đó là do bố mẹ mình gây dựng mà có, nên mặc dù hai cụ không để lại di chúc thì số tài sản đó vẫn thuộc về bà và hai người chị em ruột là bà Nhung và bà Minh.
Còn cụ Gái lại khẳng định, số tài sản cao ngất ngưởng ấy phải được chia đều cho vợ hai và tất cả 5 người con theo hàng thừa kế thứ nhất.
Vào năm 1997, bà Bé cho bà Nhung vay 500 triệu đồng có lãi suất với thời hạn là 1 tháng nhưng đến nay bà Nhung vẫn chưa trả cả gốc và lãi cho bà Bé. Nay bà Nhung gây khó khăn cho bà Bé nên bà đòi lại số tiền này (cả gốc lẫn lãi) và yêu cầu tòa khấu trừ vào tài sản đang được tranh chấp nếu bà Nhung được chia thừa kế nhưng bà Nhung không đồng ý.
Bản án ngày 20/12/2010 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xử chấp nhận yêu cầu thừa kế theo pháp luật của bà Trần Thị Nghiêm đối với di sản của cụ Sâm và cụ Hồi là 2.939.314.420 đồng, trong đó có 502.314.420 đồng công sức của cụ Gái và gia đình bà Bé đối với di sản.
Cụ Sâm chết không để lại di chúc nên số tài sản của cụ được chia theo hàng thừa kế cho các con là bà Nhung, Minh, Nghiêm mỗi người được thừa kế 1/4, cụ Hồi qua đời cũng không có di chúc nên số tài sản của cụ chia cho tất cả các con theo hàng thừa kế thứ nhất. Bà Minh, bà Nghiêm và bà Nhung phải thanh toán 189 triệu cho bà Bé.
Lúc này, ba người con của người vợ cả (cụ Sâm) là bà Nghiêm, bà Minh và bà Nhung lại tiếp tục kháng cáo. Đến tháng 7/2011, phiên tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội hủy một phần bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và yêu cầu xét xử lại...
Trải qua nhiều năm tháng, vụ án tranh chấp quyền thừa kế này vẫn chưa thể đi tới hồi kết. Kể từ ngày đầu bà Nghiêm cầm lá đơn khiếu kiện đến Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm đến nay đã là 30 năm có lẻ.
Giờ đây, bà đã là một cụ già mắt mờ, chân chậm, tai nghe không rõ. Tại phòng xét xử của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội hôm nay, bà liên tục nói to và quát tháo đối với bảo vệ phiên tòa cũng như HĐXX.
Có lẽ đó là một thái độ không đúng mực và thiếu tôn trọng đối với HĐXX, nhưng đây là tất cả những gì được gọi là phẫn uất được dồn nén suốt ba chục năm trời, là sự vỡ òa của những lo toan bộn bề bởi có nhà mà chẳng được chốn nương thân...
Vị chủ tọa phiên tòa đã dành rất nhiều thời gian để khuyên nhủ đối với bà Nghiêm nhưng rồi cuối phiên xét xử, một bản án cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
HĐXX quyết định tạm dừng để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến nội dung vụ án, bà Nghiêm rời khỏi phòng xử án trong trạng thái tay chân run lẩy bẩy và hơi thở gấp gáp, ngập ngừng.
Bà đến một mình và cũng ra về một mình bởi bà là người phụ nữ độc thân, không chồng, không con. Đã một mình một thuyền được gần hết cuộc đời nhưng bà vẫn lọ mọ đi tìm cái được gọi là công lý cuối cùng...