Như đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, phố Âu Cơ (quận Tây Hồ, Hà Nội) lại tràn ngập sắc của muôn loại hoa, hoa trong nước, hoa nhập khẩu, giá bình dân và giá đắt đỏ; hoa do dân tự trồng có, hoa do chặt từ rừng cũng có. Và năm nay đào rừng đổ dồn về Hà Nội áp đảo hơn khi phủ gần kín cả một tuyến phố.
Con phố Âu Cơ những ngày này tấp nập người và hoa, bên ngoài con đường gốm sứ lịch sử được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoa Liên Hợp Quốc Unesco công nhận là di sản thế giới, chính quyền Hà Nội đã cấm trưng bày và bán hoa dịp tết. Nhưng phía đằng sau nó, lại là sự hoạt động nhộn nhịp của chợ hoa đào cuối năm.
Điều đáng nói năm nay, đào phai rừng - giống đào khai thác từ các cánh rừng của nhiều tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Mộc Châu (Sơn La), Hòa Bình... có số lượng nhiều hơn các năm trước. Chỉ cần đi bộ từ phố Nghi Tàm, đến đầu đường Âu Cơ, người ta có thể bắt gặp những cành đào rừng được bó tròn nằm ven đê, nhiều cành khác được thương lái dỡ dây buộc, trưng bày la liệt để đón khách. Một lễ hội hoa đào rừng thực sự được mở ra ở triền đê con phố Âu Cơ.
Mức giá của mỗi cành đào rừng khá đắt, rẻ nhất không dưới 1 triệu; còn những cành đào có thế đẹp và có lá non, chồi, quả đào bi, hoa (được gọi là cây đào tứ quý) thì có mức giá vô cùng: 2 triệu đồng có, 3 triệu đồng cũng có thậm chí cả chục triệu đồng cũng có.
Theo lời kể của ông Tuấn, người có kinh nghiệm 10 năm bán đào rừng: Mỗi mùa hoa Tết, để kinh doanh thành công, họ phải mua rừng, nhà vườn tại các tỉnh miền núi hàng trăm triệu đồng/năm. Sau mỗi đợt đấu thầu này, thắng ăn, thua chịu. Nếu gia đình có người thân quen, mua đứt vườn đào rừng, thậm chí mua cả quả đồi có những cây đào rừng cổ thụ là chuyện rất bình thường.
"Bán đào rừng rất kén khách nhưng khách đã ưng thì rất dễ bán, giá cả đối với họ không quan trọng. Bình thường, mỗi thương lái tại Âu Cơ đều có từ vài trăm đến cả nghìn cành đào rừng. Với mức giá thấp nhất của cành đào rừng là 1 triệu đồng, trung bình từ 2,5 - 4 triệu đồng/cành, gốc đẹp, cao hơn thuộc vào những cành có nhiều điểm đặc biệt như: gốc to, cây lâu năm, hoa tứ quý, cây khai thác trong rừng hay đồi... ", một thương lái buôn đào rừng tiết lộ.
Phóng viên Dân Trí đã ghi lại những hình ảnh về "vườn đào" trị giá hàng tỷ đồng ở phố Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội vào dịp cuối năm 2016
|
Mặt sau của con phố Âu Cơ tiếp giáp với đường Nghi Tàm là bạt ngàn rừng hoa đào rừng. |
|
Chỗ trưng bày đào rừng tại đây được biết là sự mua bán giữa các hộ kinh doanh với nhau. Mức giá không được tiết lộ. |
|
Mặc dù giá khá đắt, nhưng nhiều người chơi hoa tết vẫn thích đào rừng. Thời điểm hiện tại, theo nhiều thương lái đào mới chặt nên chưa có hoa, hoa đào rừng là dạng đào phai ít cánh, nhưng chơi được bền hơn đào trồng. |
|
Những cành đào phai rừng vừa được vận chuyển và xếp trên đê. Nhiều người kinh doanh đào khẳng định: 100% đào này là đào rừng, nhưng những người sành chơi cho hay hiện rất nhiều loại đào này là đào trồng trên núi, rừng. |
|
Một đoạn đường đào rừng được tắm nắng và trưng bày la liệt sau đường Âu Cơ. |
|
Ngoài đào phai, có cả hoa mai, mơ và mận được chặt hạ từ các cánh rừng Tây Bắc. |
|
Đào rừng hiện có giá khá đắt do công vận chuyển và cũng vì sự sành chơi của nhiều người mà đã tạo cơn sốt đào rừng mỗi năm. |
|
Những cây đào mốc được vận chuyển hàng trăm cây số, nếu không bán được trong từ nay đến hết 30 tết, những cành đào này sẽ được thải bỏ. |
|
Một bông hoa đào rừng vừa chớm nở. Đào rừng có nét đẹp khá đặc biệt, sắc phai, mỏng, nhẹ khắc hẳn với sắc đỏ thắm của Bích đào. |
|
Nhiều dân chơi đào cho hay, đào trồng trên núi mới có gốc xù xì, thân gầy guộc và hoa đẹp. Cũng nhiều nhà vườn ở Nhật Tân (Hà Nội) trồng thử đào rừng nhưng không thành công. |
|
Những nấm mốc, rêu phong, một minh chứng của những thân cây tồn tại trong các cánh rừng tây Bắc. |
|
Những người sành chơi đào cho hay, đào rừng chơi bền hơn đào nhà rất nhiều, một cành đào rừng có thể chơi được nửa tháng vẫn có những nụ hoa nở kèm chồi non mới mọc. |