Đã bước qua tháng 10/2024, tỉnh Nghệ An chưa thể giải ngân số tiền 200 tỷ nguồn vốn khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu do thiên tai gây ra năm 2023; tỉnh Hà Tĩnh cũng đang có nguy cơ chậm giải ngân đối với nguồn vốn này.
Nghệ An chưa thể giải ngân nguồn vốn
Ngày 20/9/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – ông Nguyễn Văn Đệ có thông báo trong cuộc họp về việc giải quyết các vướng mắc liên quan dự án sử dụng nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ khắc lụt bão năm 2023. Theo đó, vào ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1739/QĐ-TTg hỗ trợ kinh phí để khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, đến nay (ngày 20/9/2024) việc triển khai thực hiện vẫn còn lúng túng, chưa thể giải ngân nguồn vốn đã bố trí.
Trách nhiệm trước tiên thuộc về Sở Nông nghiệp và PTNT (cơ quan Thường trực của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh) là cơ quan được giao chủ trì thực hiện. Để kịp thời giải ngân nguồn vốn đã bố trí và hoàn thành dự án đúng tiến độ, giao Sở NN&PTNT, UBND các huyện, các Công ty TNHH thủy lợi và các Sở, ngành liên quan: Chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại; đồng thời khẩn trương triển khai các dự án đảm bảo tiến độ và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh trong việc giải ngân nguồn vốn đã được bố trí. Chủ trì, phối hợp với các sở có liên quan rà soát để tham mưu việc điều chỉnh Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 07/6/2024 của HĐND tỉnh đảm bảo phù hợp và thuận lợi trong việc thực hiện các dự án. Hoàn thành trước ngày 30/9/2024.
|
Mưa lũ gây thiệt hại trên địa bàn Hà Tĩnh |
Năm 2023, thiên tai xảy ra trên địa bàn Nghệ An đã ảnh hưởng lớn đến người dân, sản xuất nông, lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng nề, ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 667 tỷ đồng. Sau 6 tháng từ khi được Chính phủ hỗ trợ, ngày 7/6/2024, HĐND tỉnh Nghệ An thông qua phân bổ dự toán ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở tại Nghị quyết số 29/NQ-HĐND.
Đã bước qua tháng 10/2024, nhưng số tiền 200 tỷ của Chính phủ hỗ trợ Nghệ An khắc phục thiên tai năm 2023 nhưng vẫn chưa thể giải ngân được đồng nào. Ngày 13/7/2024, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NNPTNT (Ban QLDA) được Sở NNPTNT giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư các hạng mục công trình khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở theo Quyết định số 1739/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
|
Thông báo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn |
Sở NN&PTNT Nghệ An - đơn vị được bố trí 100 tỷ đồng để thực hiện 17 công trình (gồm 12 công trình phục vụ NNPTNT và 5 công trình giao thông) nhưng đến nay vẫn đang rất lúng túng trong việc triển khai. Còn 100 tỷ đồng còn lại được chia cho hơn 60 công trình của các huyện, thành thị bị ảnh hưởng thiên tai, sạt lở năm 2023.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ cũng giao các địa phương, đơn vị tập trung triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo các vướng mắc về UBND tỉnh (qua Sở NN&PTNT) để được xử lý, đảm bảo hoàn thành các dự án đúng tiến độ và giải ngân hết số kinh phí được bố trí trước ngày 30/12/2024.
Hà Tĩnh nguy cơ bị chậm tiến độ
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh-Nguyễn Hồng Lĩnh vừa có văn bản yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023. Theo đó, Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ 150 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cấp cho Hà Tĩnh để khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở.
|
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình khắc phục hậu quả của thiên tai năm 2023 |
Nhận được nguồn hỗ trợ từ Trung ương, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao trách nhiệm cho các Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Các sở, ngành cũng đã thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Tuy vậy, theo thống kê của UBND tỉnh Hà Tĩnh đến tháng 9/2024, mới có 5 dự án triển khai thi công, 1 dự án đang đánh giá hồ sơ dự thầu để lựa chọn nhà thầu xây lắp và tư vấn giám sát và 1 dự án đang lập hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà thầu xây lắp và tư vấn giám sát.
Thời gian từ nay đến hết năm 2024 chỉ còn khoảng 3 tháng, để kịp thời giải ngân nguồn vốn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các Chủ đầu tư tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản số 5326/UBND-NL1 ngày 6/9/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023. Trong đó lưu ý việc lập, phê duyệt phương án phòng chống thiên tai, chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện để đảm bảo an toàn cho công trình khi có thiên tai xảy ra.
|
Dự án "Khắc phục, sửa chữa đập Tắt, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) tổng nguồn vốn 12 tỷ đồng, mới giải ngân được 3,27 tỷ đồng |
Tổ chức lập, phê duyệt tiến độ thi công tổng thể và chi tiết các hạng mục gửi Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, NN&PTNT, Xây dựng, GTVT để phối hợp chỉ đạo, đôn đốc. Chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung tối đa nhân lực, thiết bị, vật tư, vật liệu làm tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là đối với các công trình: Khắc phục sạt lở kênh thượng lưu cống Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh; Khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Phố, đoạn qua xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ; Khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua thôn 5 và thôn 2, xã Hà Linh, huyện Hương Khê cần xây dựng kế hoạch chi tiết theo ngày để chỉ đạo thực hiện.
“Trong mọi trường hợp, Chủ tịch UBND các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Cẩm Xuyên và thị xã Hồng Lĩnh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ, chất lượng công trình và phải giải ngân nguồn vốn trung ương hỗ trợ trước ngày 31/12/2024”, văn bản nêu rõ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu định kỳ 1 tuần/lần báo cáo tiến độ thực hiện các dự án về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và phối hợp chặt chẽ với Văn phòng trong báo cáo tình hình triển khai thực hiện, cung cấp hồ sơ các dự án theo yêu cầu.