Đề thi khảo sát còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, đặc biệt đề thi nhầm lẫn, kết quả sai... gây hoang mang tâm lý cho học sinh.
Ngày 16 -18/5/2016, Hải Phòng tổ chức kiểm tra khảo sát chất lượng các môn cho học sinh lớp 12 cấp THPT theo sự chỉ đạo công văn số 511 của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, sau kỳ thi khảo sát này thì nhiều giáo viên cũng như học sinh không khỏi bất ngờ vì các đề thi khảo sát còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, đặc biệt đề thi nhầm lẫn, kết quả sai... gây hoang mang tâm lý cho học sinh và lãng phí ngân sách.
Câu hỏi thiếu sót và đưa ra đáp án sai
Theo công văn số 511 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng thì việc thi khảo sát chất lượng lần này nhằm giúp học sinh tăng cường kỹ năng làm bài các môn thi THPT quốc gia, qua đó nắm được thực trạng chất lượng học sinh và đưa ra giải pháp ôn tập cuối năm nhằm nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu kỳ thi quốc gia.
Đề thi khảo sát là đề theo dạng đề thi THPT quốc gia năm 2015 và tăng cường các câu hỏi mở, gắn với thực tiễn và vận dụng... đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng.
|
Nhiều lỗi trong đề thi khảo sát chất lượng học sinh THPT. |
Mặc dù kỳ thi khảo sát này không ảnh hưởng đến tình hình học tập của học sinh, thế nhưng trước kỳ thi tốt nghiệp chính thức sắp diễn ra mà việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng ra đề thi nhầm lẫn và đưa ra đáp án sai quá nhiều như vậy, làm ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên, học sinh và các phụ huynh quan tâm.
Cụ thể, trong mã đề 134 môn Sinh học, có 50 câu hỏi thì có đến 12 câu hỏi có sự nhầm lẫn, thiếu chính xác và có đáp án sai.
Như các câu 2, 4, 7, 12, 13, 14, 17, 23, 25, 30, 33, 35, có đến 26/50 câu hỏi: “Có bao nhiêu đáp án nhận định đúng trong các câu hỏi sau”. Cả 50 câu hỏi thiếu nhiều hình vẽ, sơ đồ, bảng biểu, kiến thức thực hành thí nghiệm…
Theo một giáo viên chuyên Sinh (xin được giấu tên), dạy một trường THPT ở Hải Phòng cho biết: “Đây là những yêu cầu mức độ tập trung cao đối với học sinh, số lượng quá nhiều không phù hợp với tính chất của kỳ thi quốc gia cho tất cả các đối tượng thí sinh. Những lỗi này là do quy trình đề không chặt chẽ, thiếu khoa học, quy trình ra đề còn cẩu thả và chưa được đọc kỹ và kiểm duyệt”.
Tương tự ở môn Hoá, các giáo viên ở một số trường THPT sau kỳ thi đều nhận xét, đề môn Hoá thể thức văn bản sai, không có phần cơ bản và phần nâng cao, một số mã đề không đủ nội dung 4 đáp án A,B,C,D như câu 4 (Mã đề 132), câu 20 (mã đề 209).
Cũng trong mã đề 209 môn Hoá thì các giáo viên chuyên Hoá đều cho rằng câu hỏi thiếu chính xác (câu 1, mã đề 209), thiếu dữ kiện, gọi sai tên chất hoá học (câu 33, mã đề 209), và tác giả đưa ra đáp án sai (như câu 26, 35), câu hỏi không chính xác như câu 18(Mã đề 209)… gây hoang mang cho thí sinh khi làm bài.
|
Các giáo viên đã thống kê lỗi của đề và đáp án sai trong mã đề 209 môn Hoá học. |
“Mặc dù, đây là kỳ thi khảo sát nhưng những sai sót của việc ra đề thi này quá lớn, gây ra sự hoang mang cho học sinh trước những kiến thức mà mình đã được học trước kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
Đã là đề thi của cả tỉnh thì cần có sự chuẩn xác và tuân thủ các quy định chung, đằng này người ra đề thi quá cẩu thả, chuyên môn chưa sâu, cần kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân liên quan để không tiếp tục có sai sót trong những lần sau”. Một giáo viên bức xúc.
Được biết, để khối 12 tham gia khảo sát, hầu hết các trường đều cho học sinh khối 10, 11 nghỉ học. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch dạy học của giáo viên và việc ôn thi học kỳ 2 của các em học sinh.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi với PV, một chuyên viên của Sở giáo và Đào tạo nhận xét: “Đọc hết các lỗi đề thi khảo sát, thì thấy cách sử dụng câu dẫn chưa chặt chẽ, ngôn ngữ không rõ ràng, không tường minh, chưa bám sát sách giáo khoa.
Người ra đề có thể do vội, chưa có thời gian soát lại đề, chưa đặt bút làm bài nên có thể đánh giá là còn có phần ẩu hoặc non tay, thiếu kinh nghiệm trong việc làm đề thi. Ví dụ, câu 4 nói "tế bào của tất cả các sinh vật" là sai, mà chỉ là "tế bào ở hầu hết các sinh vật".
Câu 7 chỉ có đáp án 2 và 3 đúng; (đáp án 1 chưa chỉ rõ loại đột biến thay thế cặp A-T bằng cặp G-X nên cũng có thể coi là sai) -> Câu 7 ko có đáp án đúng -> đề sai. Câu 12, ý câu hỏi lủng củng, không rõ ý...
|
Mã đề 209 môn thi Hoá học bị sai đáp án và các câu hỏi thiếu chính xác. |
Nhìn chung việc ra đề trắc nghiệm mà chưa rõ ý, câu cú diễn đạt chưa rõ ràng và chưa tường minh sẽ làm học sinh khó khăn lúng túng khi trả lời, đáp án của mỗi câu hỏi chưa đúng sẽ khiến học sinh mất nhiều thời gian để suy nghĩ về một câu hỏi, ảnh hưởng đến chất lượng chung của bài thi.
“Từ những việc trên cho thấy, người ra đề chuyên môn chưa vững vàng hặc còn ẩu dẫn đến sai sót trong đề thi. Có thể cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu cẩn thận của cả một bộ máy chỉ đạo chuyên môn.
Trách nhiệm của những sai sót này không phải chỉ ở những người trực tiếp thực hiện mà người phản biện, người phụ trách duyệt đề cũng chưa hoàn thành tốt vai trò của mình, những người liên quan cần có một cách nhìn nhận đúng đắn về trách nhiệm và vai trò của mình”. Vị chuyên viên này cho hay.
Rõ ràng một đơn vị cấp Sở trong hệ thống giáo dục địa phương với nhiều thầy cô có học hàm, kinh nghiệm và có trách nhiệm nhưng không hiểu tại sao lại không nhận ra để ngăn chặn kịp thời những sai sót rất cơ bản.