Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, luật sư bảo vệ của nguyên đơn và nguyên đơn đã cung cấp hàng nghìn trang tài liệu để chứng minh về quá trình hình thành các tài sản chung của bà M và ông V trong quá trình hôn nhân.
Theo tài liệu của vụ án, trong quá trình hôn nhân, bà M và ông V có tạo dựng được khối tài sản gồn 12 bất động sản, các khoản tiền tiết kiệm, 12 cây vàng…và một số tài sản khác.
Để chứng minh công sức đóng góp của mình trong các khối tài sản trên, phía nguyên đơn đã gửi đến TAND thành phố Đà Nẵng và VKSND thành phố Đà Nẵng một bảng thống kê các giao dịch thanh toán thể hiện sự đóng góp công sức của cả 2 bên trong suốt giá trình mua, xây dựng, hình thành nên tài sản.
Ví dụ, đối với tài sản là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 20, Lô 75, Khu E9, Khu đô thị số 9, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, phía nguyên đơn cho biết, giá trị tài sản tại thời điểm nhận chuyển nhượng là 2,51 tỷ đồng. Lần thanh toán đầu, bà M chuyển 1,2 tỷ đồng từ tài khoản của bà M vào tài khoản người bán. Lần thanh toán thứ 2, số tiền 1,3 tỷ đồng được mẹ bà M chuyển cho chủ đất. Số tiền 10 triệu còn lại, bà M thanh toán cho chủ đất thông qua tài khoản cá nhân của mình.
Theo bà M, nguồn gốc hình thành tài sản này, ông V không có sự đóng góp nào. Tuy nhiên, HĐXX cấp sơ thẩm vẫn phán quyết ông V được hưởng 58% giá trị tài sản là không đúng với thực tế.
Một trong những tài liệu chứng mình về việc hình thành tài sản chung được phía nguyên đơn gửi tới TAND thành phố Đà Nẵng |
Còn đối với tài sản là thửa đất số 59 tại Lô 85 – B2.4A, Thửa đất số 142 tại Lô 86-B2-4A, TĐC Bá Tùng (giai đoạn 2), phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và tài sản gắn liền trên đất, các thửa đất này đều được ông V và bà M cùng góp tiền mua.
Theo thỏa thuận của 2 vợ chồng trong giai đoạn mâu thuẫn từ giữa năm 2022, bà M và ông V đồng ý giữ nguyên tình trạng tài sản để đợi đến khi Tòa án giải quyết.
Tuy nhiên, ông V đã làm trái thỏa thuận ban đầu của 2 vợ chồng và đã âm thầm thành lập của Công ty TNHH nội thất và xây dựng Woody có địa điểm tại trụ sở này, và đưa nhân viên của ông V đến địa điểm này làm việc. Quá trình thành lập công ty, ông V không thông báo, và tự ý sử dụng tài sản chung vợ chồng tại thửa đất Bá Tùng làm địa điểm trụ sở kinh doanh mới mà không có sự đồng ý của bà M.
Theo luật sư của phía nguyên đơn, hành vi của ông Vũ đã vi phạm Điều 36 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định đối với việc sử dụng tài sản chung vợ chồng đưa vào kinh doanh :“Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải thành lập thành văn bản.”.
“Từ thời điểm thành lập công ty Woody tới nay, ông V không thông báo, tự sử dụng và hoàn toàn không có bất kỳ văn bản thỏa thuận nào liên quan đến sử dụng tài sản chung này. Việc tự ý sử dụng 2 Lô đất 85, 86 nêu trên làm trụ sở Công ty Woody mà không có sự đồng ý của bà M. Đây là hành vi sử dụng tài sản bất hợp pháp, xâm phạm quyền sử dụng/sở hữu tài sản và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bà M.” – Luật sư Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết thêm.
Ngoài tài liệu chứng minh về quá trình mua bán 02 tài sản trên, thì các lệnh giao dịch, chuyển khoản mua bán 10 bất động sản còn lại, cũng được bà M sao kê và gửi tới tòa án.
Đối với tài sản là khoản tiết kiệm chung 1 tỷ đồng, khoảng thời gian bà M và ông V xảy ra mâu thuẫn vào tháng 09/2022, ông V liên tục rút ra nhiều lần tiền từ tài khoản tiết kiệm chung (số tài khoản 0002009060228, đứng tên ông V) vào tài khoản Ngân hàng cá nhân (số tài khoản 19024068543026, đứng tên ông V) với tổng số tiền 01 tỷ đồng chi tiêu riêng. Tuy nhiên, HĐXX cấp sơ thẩm đã không giải quyết yêu cầu của bà M đề nghị chia tài sản này và cũng không xem xét các chứng cứ là các sao kê của ngân hàng về biến động số dư của tài khoản chung của 2 vợ chồng.
Bà M cho rằng, việc ông V tự ý định đoạt tài sản mà không có ý kiến của bà là hành vi đơn phương gây ảnh hưởng và thiệt hại về quyền tài sản của bà. Nên bà M yêu cầu HĐXX cấp phúc thẩm căn cứ các tài liệu bà cung cấp để đưa ra phán quyết đúng pháp luật, hợp tình để đảm bảo quyền và lợi ích của bà.
Cũng liên quan tới việc ly hôn, bà M chia sẻ thêm: “Trong quan hệ với gia đình chồng, vì là người có sự nghiệp ổn định và kiếm tiền tốt, tôi chọn làm hậu phương cho chồng, việc đầu tiên là gánh vác thay chồng về tiền bạc, chăm sóc gia đình, lo lắng các vấn đề đối nội đối ngoại xung quanh gia đình chồng. Vợ chồng tôi sống chung với ba má chồng từ năm 2010, từ đó đến nay, tôi phụ trách 90-100% mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình. Có thể nói trong suốt 14 năm kết hôn, tôi đã luôn làm tròn bổn phận của một người con dâu chu toàn với mọi công việc gia đình nhà chồng và sống hòa thuận với ba má chồng.”
Theo luật sư Nghĩa, với thu nhập từ các khoản tiền hoa hồng môi giới bất động sản thành công và việc khai thác cho thuê căn hộ - biệt thự của công ty, bà M có nguồn vốn lớn và ổn định để đầu tư mua các bất động sản; về mua sắm chi tiêu cho gia đình, sửa sang xây dựng nhà cửa, các chuyến du lịch trong và ngoài nước…đều được chi trả 90-100% bằng nguồn tiền do bản thân làm ra. Hầu hết các bất động sản hiện hữu trong thời kỳ hôn nhân đến thời điểm hiện tại do bà M đóng góp công sức tạo lập 60-70% từ nguồn lợi nhuận thu được của hoạt động kinh doanh. Những thông tin giao dịch về việc mua bán bất động sản, trang trải chi phí sinh hoạt,… bà M đã cung cấp sao kê ngân hàng cho TAND thành phố Đà Nẵng.
“Như vậy, bản thân bà M có nguồn thu nhập lớn và ổn định được sử dụng để chi trả tất cả các khoản trong gia đình, đóng góp công sức tạo lập, duy trì, phát triển giá trị các bất động sản chung. Việc HĐXX chỉ phán quyết bà M được hưởng 42% giá trị tài sản chung là không hợp lý” – Luật sư Nghĩa nói thêm.
Được biết, hiện nay, vụ án đang được TAND thành phố Đà Nẵng thụ lý giải quyết. Bà M rất hy vọng, HĐXX cấp phúc thẩm sẽ có phán quyết thật khách quan, công bằng để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bà, cũng như tránh thiệt thòi cho phụ nữ và trẻ em - những người yếu thế trong các vụ án ly hôn.