Sáng nay (26/12), Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế Hà Nội về việc giải quyết vụ 2 người bệnh tử vong tại BV Đa khoa Trí Đức.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cần chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan để xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong của hai bệnh nhân trên. Kịp thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ với gia đình người bệnh tử vong. Xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và xử lý theo quy định hiện hành (nếu có vi phạm).
Chỉ đạo các cơ sở Khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế Hà Nội cần tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phẫu thuật theo chỉ đạo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh tại công văn số 847/KCB-QLCL ngày 28/7/2016. Báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh về diễn biến quá trình xác định nguyên nhân tử vong, giải quyết vụ việc tử vong của hai người bệnh
Báo cáo về Cục Quản lý Khám chữa bệnh về diễn biến quá trình xác định nguyên nhân tử vong, giải quyết vụ việc tử vong của hai người bệnh trên để Cục tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.
|
Công văn số 1525/KCB-QLCL của Cuch Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế. |
Trước đó, vào sáng ngày 25/12, hai bệnh nhân là chị Quách Thị Mai Phương (SN 1979, là cán bộ Cục quản lý xuất nhập cảnh) vào Bệnh viện Đa khoa Trí Đức để phẫu thuật tiểu phẫu tuyến giáp và anh Hoàng Văn Trấn SN 1982) ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Trí Đức cắt amidan. Cả hai bệnh nhân đều được gây mê nội khí quản cùng một loại thuốc và quy trình giống nhau.
|
Bệnh viện Đa khoa Trí Đức - nơi xảy ra sự cố 2 bệnh nhân tử vong sau gây mê. (Ảnh báo Người lao động) |
Ca mổ thứ nhất, bệnh nhân Qúach Thị Mai Phương được gây mê nội khí quản. Phẫu thuật viên chính của kíp mổ là bác sĩ M.V.V và bác sĩ gây mê là C.Đ.K. Khoảng 8 giờ 15 phút, bệnh nhân được tiêm các thuốc Atropine 0.25mg, Midazolam 5 mg, Solumedrol 40 mg, (thuốc tiền mê). Sau đó 15 phút có sử dụng tiếp 100 mg Diprivan và 30 mg Esmeron. Sau 30 giây, bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ và được tiến hành cấp cứu tại phòng mổ, sau đó được chuyển đến Khoa A9 – Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Ca mổ thứ 2 được thực hiện sau đó 25 phút, lúc 8 giờ 40 phút cho bệnh nhân bệnh nhân Hoàng Văn Trấn. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm xoang mãn - viêm Amidal lệch vách ngăn - sùi vòm. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật: nội soi xoang - cắt Amidal - chỉnh hình vách ngăn - nạo sùi vòm. Bệnh nhân Trấn được gây mê nội khí quản. Phẫu thuật viên chính của kíp mổ bác sĩ N.T.N.D và bác sĩ gây là Đ.T.L. Bệnh nhân này cũng được tiêm cùng loại thuốc gây mê với quy trình đúng như bệnh nhân P. đó là Atropine 0.25 mg, Midazolam 5 mg, Solumedrol 40 mg (tiền mê), sau 15 phút sử dụng tiếp 120 mg Diprivan và 30mg Esmeron. Sau 30 giây, bệnh nhân có biểu hiện sốc phản vệ và được cấp cứu trước khi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Mặc dù các bác sỹ ở Bệnh viện Bạch Mai đã nhiệt tình cấp cứu nhưng cả 2 bệnh nhân đều không qua khỏi và tử vong.
Ngay sau đó, lực lượng Công an Quận Hai Bà Trưng -Hà Nội đã tiến hành niêm phong phòng mổ, vỏ thuốc và các sổ sách… liên quan đến ca gây mê. Sở Y tế cũng đã tiến hành kiểm tra và niêm phong, bảo quản thuốc theo đúng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn các thuốc có liên quan phục vụ gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, gồm: Diprivan 1% 200mg/20ml, Esmeron 50mg/5ml, Atropin Sunfat 0.25mg/ml, Solu Medrol 40mg/1ml, Midanium (Midazolam 5mg/ml). Hiện toàn bộ các hóa đơn, chứng từ liên quan đã được đội điều tra tổng hợp công an quận Hai Bà Trưng thu giữ.
Sở Y tế Hà Nội đã tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức và các cá nhân tham gia 2 kíp mổ để phục vụ công tác điều tra (mỗi kíp mổ này gồm 5 người: 1 bác sĩ mổ, 1 bác sĩ gây mê, 1 kỹ thuật viên gây mê và 2 dụng cụ viên).
Thông tin ban đầu cho biết nguyên nhân tử vong nghi ngờ do sốc phản vệ sau gây mê.
Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ vụ việc.