Sáng ngày 28/3/2018 tại TP HCM, báo Tiền Phong đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp đẩy nhanh xây dựng sân bay Long Thành” với sự tham gia của thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, cùng nhiều chuyên gia và nhà khoa học.
Chủ trương xây dựng sân bay Long Thành đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2015. Dự án có công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác một đường cách hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa một năm. Đến nay, các công tác chuẩn bị đã triển khai khẩn trương.
|
Hội thảo có sự tham gia của thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, cùng nhiều chuyên gia và nhà khoa học |
Phát biểu tại hội thảo ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng Dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai làm khá tốt trong hoàn cảnh việc giải tỏa mặt bằng khá khó khăn. Ông cũng cho rằng nhà nước xây dựng theo khung tái định cư ở huyện Long Thành hiện nay là khá ổn, không có gì phức tạp.
“Ngoài ra, người bị nhà nước lấy đất thì bồi thường cùng giá trị khu đất hoặc tính ra bồi thường bằng tiền, làm người dân đồng tình, đó cũng là một trong những khâu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành", nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.
Cũng theo ông Đặng Hùng Võ, sân bay Long Thành cần quy hoạch cụ thể và tham khảo mô hình xây dựng sân bay của các nước khác như Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ không chi trả cho dự án bằng tiền ngân sách, mà họ lấy kinh phí sinh lời từ mảnh đất đó để xây dựng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ là một bước đệm to lớn đối với sự phát triển của lĩnh vực hàng không, nhất là theo dự báo Việt Nam sẽ là 1 trong 5 khu vực có tốc độ tăng trưởng hàng không cao nhất trong một thập kỷ tới.
|
Phối cảnh sân bay Long Thành |
Chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2015, đặt mốc vào năm 2025 sẽ đưa vào khai thác giai đoạn một của dự án với công suất dự kiến đạt 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Ông Nguyễn Ngọc Đông nhận định, song song với những thuận lợi thì việc sân bay Long Thành được xây dựng vẫn đang đứng trước những thách thức cực kỳ lớn, trong đó việc giải phóng mặt bằng không phải lúc nào cũng là một công tác dễ dàng. Tiếp đến là phải thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước. Trong khi tình trạng nợ công như hiện nay thì việc vay vốn sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hòa, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian gần đây, có khá nhiều quan điểm cũng như các giải pháp được đưa ra cho việc cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất trong bối cảnh chúng ta đang tập trung nghiên cứu đầu tư phát triển sân bay Long Thành cho thấy đây không chỉ là vấn đề của ngành Giao thông mà còn là vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đô thị TP. Hồ Chí Minh, vùng TP. Hồ Chí Minh và cả nước.
Để có thể nhìn nhận rõ thêm vấn đề này, cần xem xét về tầm nhìn chung trong công tác quy hoạch, liên kết và điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để quản lý phát triển các đô thị trong vùng, đặc biệt là quản lý phát triển các đô thị thuộc lõi trung tâm vùng TP. Hồ Chí Minh, TP Biên Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Thủ Dầu Một.
|
Chủ trương xây dựng sân bay Long Thành đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2015. Dự án có công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và được chia làm 3 giai đoạn. |
Ông Hòa cho rằng, các bộ, ngành và nhất là Bộ Giao thông Vận tải cần có thêm một nghiên cứu đánh giá tổng thể và hệ thống các sân bay quốc tế trong khu vực, nhất là thời điểm xây dựng, thời điểm đưa vào khai thác và hiệu quả khai thác các sân bay này hiện nay để đưa ra được thời điểm xây dựng và khai thác Sân bay Long Thành trong tương lai.
“Giá như chúng ta đã có quyết tâm và tập trung khả năng tài chính để xây dựng sân bay Long Thành trong khoảng 10-15 năm trước đây, thì sân bay này đã trở thành điểm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực, còn trong vòng 5-10 năm tới đưa vào khai thác thì e rằng rất khó”, ông Hòa nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết: “Hiện tại đang thiết lập khu tái định cư. Trên thực tế tổng diện tích dự án sân bay Long Thành lớn hơn 5.000 ha. Dự án này lớn nhất từ trước đến giờ ở tỉnh Đồng Nai. Trong 5.000 ha xây dựng sân bay, có 1.800 ha đất cao su. Việc di dời cũng diễn ra khá tốt vì người dân biết khu vực mình đang ở xây sân bay nên họ chủ động di dời, đối thoại với chính quyền để thống nhất giá bồi thường”.
Cũng theo ông Hưng, đất khu vực Long Thành cũng tăng giá theo kiểu tự do. Do đó, chính quyền tính tới phương án định giá lại sao cho đảm bảo lợi ích giữa nhà nước với dân, để cho dân không thiệt thòi. Tuy nhiên, công tác di dời cũng vấp phải nhiều khó khăn, điển hình khối lượng nhân khẩu di dời quá lớn, trên 15.000 người. Việc ổn định công việc cho người dân cũng là khó khăn thách thức rất lớn. Tuy nhiên, theo ông Hưng, Đồng Nai thấy đây là cơ hội để địa phương cố gắng thực hiện, thấy được tầm quan trọng để thúc đẩy sự phát triển. Hiện hạ tầng kết nối Đồng Nai với các tỉnh lân cân hiện tại rất tốt.