Căn cứ tính thuế, xác định mức chịu thuế TNCN cần khoa học, theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tế Việt Nam.
Luật thuế TNCN được coi là “thuế Vua”, “thuế Nữ hoàng” vì Luật này khi đi vào cuộc sống tác động đến rất nhiều đối tượng trong xã hội về nhiều mặt. Bài trước chúng tôi đã đề cập đề xuất cách tính thuế TNCN mới của Bộ Tài chính, phân tích của chuyên gia sẽ góp phần giải quyết vấn đề này. Xung quanh đề xuất sửa đổi, bổ sung của sắc thuế này vẫn đang khiến dư luận quan tâm, trong đó, đa số ý kiến cho rằng còn bất hợp lý và không ủng hộ.
Người dân vẫn “nặng gánh” thuế
Đánh giá về hai phương án tính thuế thu nhập cá nhân mới của Bộ Tài chính, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, những đề xuất điều chỉnh thuế của Bộ Tài chính vẫn bất hợp lý, mức thu còn cao.
|
LS Trương Thanh Đức: "Thuế suất càng cao, càng khó thu" (Nguồn ảnh: KT |
“Cách điều chỉnh sắc thuế hiện nay vẫn mang tính chất tận thu. Bộ Tài chính cần tăng thu, đặc biệt trong bối cảnh chi không giảm thì phải tăng, nhưng tăng thu thế nào để người nộp thuế thấy công bằng, thoải mái thì mục đích thu mới đạt được”, Luật sư Đức cho biết.
Theo Luật sư Đức, thời gian qua, tình trạng “né” thuế, “lách” thuế vẫn còn khá phổ biến. Nếu tiếp tục tăng thuế TNCN, tình trạng tiêu cực này có thể sẽ còn tăng.
“Vì mức thuế cao và bất hợp lý nên người ta mới phải tìm mọi cách để “né”, “lách”, “trốn” thuế. Đặc biệt, nhóm thu nhập cao thường dùng cách chi trả lương, thưởng không qua sổ sách, giấy tờ để “lách”, nên dẫn đến tình trạng người thu nhập không cao, có nhiều nhu cầu chi tiêu cho bản thân, gia đình, học tập, chữa bệnh… nhưng vẫn phải nộp thuế nhiều, trong khi người thu nhập thực sự cao lại nộp thuế ít hoặc thậm chí không phải nộp thuế”, Luật sư Đức phân tích.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, phải công bằng khi xác định các khoản thu nhập chịu thuế, không chịu thuế, miễn thuế một cách rõ ràng, minh bạch. Phương án nộp thuế TNCN thời gian tới phải hướng dẫn thật cụ thể cách xác định để người nộp thuế, cơ quan thuế cùng hiểu thống nhất khoản nào chịu thuế, không chịu thuế. Bên cạnh đó, nên đơn giản bậc thuế, giảm mức thu về mức hợp lý thì người dân sẽ sẵn sàng và vui vẻ đóng thuế.
“Cách làm hiện nay cũng như các phương án đề xuất mới của Bộ Tài chính, người dân vẫn vẫn chịu thuế nặng, điều này dẫn đến người dân tìm cách lách thuế, thậm chí trốn thuế. Theo tôi, tính thuế thu nhập cá nhân nên giảm về 3 bậc thuế: Bậc thấp (người thu nhập dưới 30 triệu đồng, bậc trung bình (trên 30 – 100 triệu đồng và bậc cao (trên 100 triệu đồng). Trong đó bậc thấp chỉ thu thuế mức 5%, bậc trung bình 10%, bậc cao 20%”, Luật sư Đức nêu quan điểm.
Để thu được nhiều thuế nên tập trung vào đối tượng thu nhập trung bình tức khoảng trên 30 triệu đến dưới 100 triệu. Nhưng để đảm bảo thu tốt, người dân dễ dàng chấp hành phải giảm mức thu.
“Mức thu với đối tượng thu nhập trung bình hiện nay dao động khoảng trên 20% là quá cao. Trước đây, thuế thu nhập doanh nghiệp đã từng lên đến 50% và hơn bây giờ giảm xuống 18-20%, thuế thu nhập cá nhân không có lý do gì mà để cao ngang thậm chí là hơn cả thuế thu nhập doanh nghiệp như vậy.”, Luật sư Đức thẳng thắn cho biết.
Phải công bằng, minh bạch
Tăng thuế thu nhập cá nhân không phải là giải pháp duy nhất cho vấn đề tài chính quốc gia, bởi nó không giải quyết được triệt để vấn đề, không thúc đẩy tăng năng suất lao động và không cải thiện được đời sống của người lao động – lực lượng cốt yếu nhất thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện Trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, thay vì tăng thuế, việc quan trọng cần làm là phải tập trung vào ba vấn đề: tránh thất thu thuế, lãng phí và tham nhũng.
|
TS Lưu Bích Hồ: "Cần tránh thất thu thuế, lãng phí và tham nhũng thay vì tăng thuế" (Ảnh minh họa: KT) |
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trước khi Bộ Tài chính nghĩ tới “lựa chọn dễ thực hiện” là tăng thuế để bù hụt thu, trước tiên bộ này nên có giải pháp hiệu quả thu hồi nợ thuế, chống thất thu, trốn thuế, “chia chác” thuế… Chỉ tính tới tháng 5/2017, tổng số tiền nợ thuế đã lên tới 75.534 tỷ đồng (gấp đôi số hụt thu do giảm thuế nhập khẩu trong năm 2018), đó là chưa tính tiền thuế nợ đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh, tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại. Tổng số nợ thuế này bằng 6,2% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong đó, số tiền thuế nợ trên 90 ngày (có khả năng thu hồi) là 48.207 tỷ đồng (bằng 4% tổng thu ngân sách nhà nước).
TS Lưu Bích Hồ cho rằng, chỉ cần Bộ Tài chính thu hồi được số nợ thuế có khả năng thu hồi, chống thất thu thuế hiệu quả và thực hiện thu thuế công bằng, minh bạch, thì số hụt thu từ giảm thuế xuất nhập khẩu trong năm 2018 sẽ được bù đắp, chưa thực sự cần tới tăng thuế TNCN.
“Cơ quan thuế cần minh bạch các khoản chịu thuế, không chịu thuế, miễn thuế, thu được khoản gì thì kê ra, tránh nói lấp lửng. Biện pháp quản lý thuế phải khoa học, kiểm soát tốt thu nhập của các đối tượng chịu thuế. Bên cạnh đó, tránh lạm thu trước, hoàn thuế sau chậm trễ; đồng thời, cần có quy định quản lý thu thuế TNCN kiểm soát chi tiêu của cá nhân, xác định nguồn thu tại nguồn, tránh thả gà ra đuổi”, TS Lưu Bích Hồ khuyến nghị.
Cùng loại bài: Tính thuế thu nhập cá nhân mới Theo số liệu của cơ quan chức năng, thuế thu nhập cá nhân nộp về ngân sách hiện đã vượt số thu từ dầu thô và liên tục tăng mạnh qua các năm. Năm 2014, ngân sách thu hơn 47.000 tỷ đồng từ sắc thuế này, đến năm 2016 đã tăng lên 64.000 đồng và theo dự toán 2017 có thể vượt 80.000 tỷ đồng. Như vậy, nguồn thu từ ngân sách qua thuế thu nhập cá nhân có xu hướng ngày càng tăng. Cách tính thuế thu nhập cá nhân mới khiến hàng vạn người bị tác động Bộ Tài chính đang nghiêng về một phương án tính thuế thu nhập cá nhân mới có thể giúp ngân sách tăng nguồn thu thêm 500 tỷ đồng. |