Trên thế giới cứ 20 giây có một người bị cắt chân vì đái tháo đường, còn 6 giây có một người tử vong vì bệnh đái tháo đường. Ở Việt Nam ở tại thời điểm chẩn đoán đã có 90% người bị biến chứng thần kinh.
Tin nên đọc
Sức khỏe "tuyệt vời" của Tổng thống Obama
Bồi dưỡng sức khỏe đúng cách cho sĩ tử mùa thi
Obama được chăm sóc sức khỏe như thế nào khi công du nước ngoài
Tiền Giang: Ai “chống lưng” cho cơ sở Tú Trinh vì lợi nhuận mà “chà đạp” lên sức khỏe người dân?
Biến chứng đáng sợ của bệnh tiểu đường
Một trường hợp cụ thể đã xảy ra với ông Nguyễn Văn H. 53 tuổi trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ông H cho biết, ông bị bệnh tiểu đường từ 2011. Cách đây 3 năm một lần cắt móng chân vô tình chiếc bấm cắt phải tý da, mấy ngày sau ngón chân út sưng và cứ thế hoại tử thịt. Ông H. nghĩ ngay đến biến chứng của tiểu đường và đã nhập viện cắt bỏ ngón chân út.
Rồi sau đó, ông thấy lòng bàn chân lại xuất hiện nốt phỏng đỏ như nốt bỏng nước. Ông còn chưa kịp xử lý thì nốt phỏng vỡ nước và cứ thế thối thịt xung quanh nốt phỏng.
|
Bàn chân bị hoại tử vì biến chứng tiểu đường. |
Diện tích thịt bàn chân hoại tử ngày càng rộng nhanh chóng. Ông đến thẳng Bệnh viện Nội tiết trung ương điều trị. Kết quả, bác sĩ cho biết ông bị biến chứng bàn chân do bệnh tiểu đường.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện – Phó trưởng khoa Chăm sóc Bệnh lý bàn chân của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, không riêng gì trường hợp của ông H mà khoa liên tục tiếp nhận từ 10 đến 20 bệnh nhân bị bệnh lý bàn chân do biến chứng của tiểu đường đến điều trị hàng ngày.
Hiện nay, các bệnh nhân bị tiểu đường khi đến khám chữa tại bệnh viện đều được tư vấn về biến chứng bàn chân. Điều các bác sĩ lo lắng nhất ở đây đó là những bệnh nhân không biết mình bị tiểu đường.
Bệnh tiểu đường: Đại dịch của thế kỷ 21
Hiện nay, bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến 29,1 triệu người ở Mỹ, chiếm khoảng 9% dân số. Trong đó, tiểu đường type 2 chiếm 90-95%.
Còn ở Việt Nam, đái tháo đường đang gần như là đại dịch. Theo TS Nguyễn Vinh Quang, Phó giám đốc BV Nội tiết Trung ương cảnh báo, bệnh đái tháo đường đặc biệt là đái tháo đường type 2 đang là một trong những bệnh nội tiết phổ biết nhất trên thế giới và được dự báo là đại dịch của thế kỷ 21.
TS Quang cho hay: "Việt Nam không nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới, nhưng là một trong 10 quốc gia có tỉ lệ mắc đái tháo đường cao nhất châu Á và nằm trong 10 quốc gia có tỉ lệ gia tăng bệnh đái tháo đường cao nhất thế giới".
Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế, tỷ lệ đái tháo đường của người Việt năm 2013 đang ở mức 5,7% (tức là Việt Nam có khoảng trên 5 triệu bệnh nhân đái tháo đường) và số lượng bệnh nhân đang có chiều hướng tăng gấp đôi vào năm 2030.
BS Đỗ Trung Quân, Phó chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam thông tin thêm, nước ta hiện có hơn 3,16 triệu người mắc bệnh này, chiếm hơn 5% dân số trưởng thành trong độ tuổi 20-79. Dự đoán đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 3,4 triệu người.
Ngộ nhận hay gặp về bệnh tiểu đường
Nhiều người cho rằng ăn nhiều đường là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 2, bệnh không nghiêm trọng như tiểu đường type 1 và có thể chữa trị.
Những ngộ nhận về bệnh dễ dẫn đến định kiến, kỳ thị, hiểu lầm phổ biến về căn bệnh thường gặp này.
Người bệnh tiểu đường không thể ăn đường, đồ ngọt hoặc tinh bột
Tinh bột, trái cây, đường, rượu và thậm chí hạt chứa carbohydrate có thể sử dụng với sự kiểm soát hợp lý. Cần làm việc với các chuyên gia dinh dưỡng để có được khẩu phần thích hợp.
Ăn nhiều đường là nguyên nhân gây tiểu đường type 2
Các chuyên gia không hoàn toàn xác định chính xác những gì có thể gây ra bệnh. Insulin là một hormone có vai trò kiểm soát lượng đường trong máu. Trong tiểu đường type 2, cơ thể trở nên đề kháng hoặc không sản xuất đủ insulin, dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo, đường, muối và cholesterol là một phần quan trọng trong giữ gìn sức khỏe.
Người thừa cân, béo phì sẽ phát triển tiểu đường type 2
Thừa cân và béo phì là một trong số những yếu tố nguy cơ làm phát triển bệnh. Tuy nhiên không phải tất cả những người thừa cân, béo phì đều mắc bệnh. Những yếu tố khác như tiền sử gia đình, trên 40 tuổi, vùng địa lý... cũng góp phần dẫn đến bệnh.
Tiểu đường luôn có những triệu chứng cảnh báo
Thực tế, các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2 có thể phát triển chậm. Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ CDC ước tính khoảng 8 triệu người không biết mình đang mắc bệnh. Các triệu chứng ban đầu thường mơ hồ nên nhiều người không thể nhận ra ngay lập tức. Ở giai đoạn nặng hơn, bệnh biểu hiện với các triệu chứng như đi tiểu nhiều, khát và đói. Các triệu chứng khác bao gồm giảm cân, mệt mỏi, vết thương chậm lành, nhìn mờ...
Tiểu đường type 2 không nghiêm trọng như tiểu đường type 1
Cả hai loại bệnh tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí dẫn đến tử vong. Các biến chứng bao gồm bệnh thận, giảm thị lực, bệnh thần kinh, đoạn chi, đau tim, đột quỵ... Bệnh tiểu đường type 2 nếu kiểm soát và quản lý tốt có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng.
Tiểu đường type 2 có thể chữa trị
Không có cách chữa cho bệnh tiểu đường type 2. Bệnh có thể kiểm soát với những thay đổi lối sống, thuốc uống và insulin. Trong một số trường hợp, có thể đưa mức đường máu trở lại bình thường và dừng thuốc nhưng nguy cơ tái phát khá cao. Người bệnh đã thuyên giảm cần duy trì trọng lượng, ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất phù hợp.
Người bệnh tiểu đường cần ăn một chế độ ăn đặc biệt
Ăn những thực phẩm dành riêng cho người tiểu đường hoặc ăn kiêng là không cần thiết. Trong thực tế, những thực phẩm này có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa và khá đắt đỏ. Thay vào đó người bệnh nên có một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo, cholesterol và muối. Nên ăn các loại rau tươi, trái cây tươi và các loại hạt. Chuyên viên dinh dưỡng có thể giúp bạn đạt được mục tiêu ăn uống lành mạnh mà không cần bất kỳ loại thực phẩm đặc biệt.
Khuyến cáo
Bệnh tiểu đường đang ngày càng gia tăng và bệnh phát triển âm thầm nên nhiều bệnh nhân không hề biết mình bị bệnh từ lâu.
Chỉ đến khi có các triệu chứng kém ăn, mệt mỏi, hoặc có các biến chứng mạch máu, thần kinh họ mới đi khám bệnh khi đó đã quá muộn.
Theo GS Tạ Văn Bình - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo do thói quen ăn uống, sinh hoạt lười vận động nên bệnh tiểu đường tuyp 2 ngày càng tăng.
Đặc biệt với những phụ nữ có tiền sử sinh con to từ 3,7 kg trở lên cần kiểm soát đái tháo đường sớm từ sau sinh vì những phụ nữ này rất dễ bị tiểu đường khi bước vào tuổi 40.
Đối với bệnh lý bàn chân ở người đái tháo đường, theo giáo sư Bình đây là một biến chứng thần kinh của người đái tháo đường.
Trên thế giới cứ 20 giây có một người bị cắt chân vì đái tháo đường, còn 6 giây có một người tử vong vì bệnh đái tháo đường. Biến chứng bàn chân dễ nhìn thấy, để lại hậu quả tức thì mà bất cứ bệnh nhân bị đái tháo đường cũng lo sợ.
(Nguồn: Trí Thức Trẻ, VnExpress)