Sau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á cách đây gần hai thập kỷ, các nhà đầu tư (NĐT) Nhật Bản đã trở lại thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam.
Làn sóng thứ hai của NĐT Nhật Bản rục rịch từ năm 2012, khi Takashimaya Singapore., Ltd - công ty con của Tập đoàn Takashimaya, thuê dài hạn hơn 15.000m 2 tại 5 tầng thương mại của Saigon Center 2 (Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1) từ Keppel Land (Singapore) để phát triển trung tâm thương mại hạng A (dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2016).
Takashimaya thông qua một công ty con khác là Toshin Development Co., Ltd, cũng đã được chấp thuận để phát triển trung tâm thương mại ngầm (dưới trục đường Lê Lợi, được thực hiện song song với tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) theo hình thức công - tư (PPP).
Trước khi khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 diễn ra, NĐT Nhật Bản thậm chí "vượt mặt" cả NĐT Singapore để đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam, song thời điểm đó, họ chủ yếu quan tâm đến lĩnh vực cao ốc văn phòng và cơ sở lưu trú.
Hiện nay, xu hướng của NĐT Nhật đã có sự thay đổi khi quan tâm nhiều đến hạng mục phục vụ cho nhu cầu nội địa, đó là BĐS nhà ở, bán lẻ.
Gần đây, cả Creed Group và Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đều tham gia vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền (trên dưới 1 tỷ đồng/căn) và dòng trung cấp, vốn có tính thanh khoản cao trên thị trường.
Sự điềm tĩnh vẫn là đặc tính cố hữu của NĐT Nhật. Creed Group tìm hiểu thị trường Việt Nam hơn 2 năm nhưng mãi đến gần cuối năm 2014, giới đầu tư tại TP.HCM mới thấy khoản đầu tư hiện thực hóa của họ vào khu căn hộ City Gate Tower (Q.8, hợp tác với Năm Bảy Bảy) và sau đó là bỏ vốn gián tiếp vào các BĐS ở Nam Sài Gòn.
Trong khi với Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad, theo ông Nguyễn Minh Quang - Giám đốc Đầu tư Công ty CP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG), trước khi ký kết hợp tác với Nam Long xây dựng khu căn hộ Flora Anh Đào, hai tập đoàn lớn này có hơn một năm rưỡi tìm hiểu tường tận thị trường lẫn các nhà phát triển BĐS cùng phân khúc với Nam Long.
Suốt quá trình đó, họ vẫn "để ngỏ” những cơ hội khác cho chủ đầu tư lựa chọn. Có gì khác biệt giữa các NĐT Nhật và các NĐT tài chính phương Tây trong vấn đề tiếp cận đối tác địa phương?
Ông Quang cho rằng, với NĐT phương Tây, tiêu chí mà họ quan tâm là các chỉ số tài chính, chiến lược kinh doanh của DN, còn NĐT Nhật, đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người, đội ngũ lãnh đạo và chiến lược rõ ràng từ phía DN.
Trong làn sóng thứ hai này, NĐT Nhật chuộng hình thức đầu tư gián tiếp, mua cổ phần từ các công ty, hoặc một phần của dự án (đã hoàn chỉnh các thủ tục với cơ quan nhà nước) để một mặt vừa "thử nghiệm" khi bước chân vào thị trường mới nhưng cũng vừa tiết kiệm được thời gian thu hồi vốn so với đầu tư trực tiếp.
Bởi thông thường, NĐT thường mất vài năm để hoàn thiện các vấn đề thủ tục cho dự án, trong khi đầu tư gián tiếp chỉ mất khoảng 6 - 7 tháng là có thể bắt tay phát triển dự án.