Những tin chính: Tập đoàn Cao su niêm yết chưa đến 3% cổ phần; Hiệp hội xuất khẩu thủy sản lên kế hoạch kiện Bộ Thương mại Mỹ
Bác đề xuất điều chỉnh thuế với xăng E5 và A95
Tính toán của Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), cho thấy, hiện chênh lệch giá giữa xăng E5 và A95 là 1.600 đồng/lít. Nếu tính lượng xăng tiêu thụ chỉ trong 2 tháng đầu năm, mức lãng phí xã hội do các phương tiện sử dụng xăng A95 không cần thiết lên tới 400 tỷ đồng/tháng
Trước đề xuất điều chỉnh thuế môi trường với xăng E5 và A95 của Saigon Petro, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi cho rằng, bất kỳ đề xuất nào cũng phải hợp lý mới có thể áp dụng.
Theo ông Thi, nếu đề xuất của Saigon Petro là muốn giãn chênh lệch giá xăng E5 và A95, thực tế thuế tiêu thụ đặc biệt đã đảm nhận việc này. Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng E5 chỉ là 8%, E10 là 7% trong khi xăng khoáng A95 là 10%. Vì vậy, đề xuất của Saigon Petro là không phù hợp và Bộ Tài chính sẽ có văn bản chính thức trả lời cho phía Saigon Petro.
Tập đoàn Cao su niêm yết chưa đến 3% cổ phần
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa thông báo chấp thuận niêm yết 99,14 triệu cổ phần của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Cổ phiếu GVR chính thức giao dịch phiên đầu tiên vào sáng 21/3 với giá tham chiếu 13.000 đồng.
Đáng chú ý, khối lượng cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM chỉ bằng 2,4% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Vốn điều lệ hiện tại của GVR đạt 40.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ cổ phần phổ thông.
Ông Phạm Văn Thành - Thành viên HĐTV kiêm Trưởng ban Kế hoạch đầu tư, từng cho biết dù bán không hết cổ phần trong đợt IPO nhưng lộ trình niêm yết vẫn diễn ra đúng tiến độ.
Theo đó, tập đoàn sẽ niêm yết trước trên sàn UPCoM và cố gắng hoàn tất hồ sơ để chuyển sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM vào tháng 7. Bên cạnh đó, tập đoàn tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược và mở thêm room ngoại để thoái vốn nhà nước.
Bộ Công Thương họp xem xét thu hồi 2 dự án tỷ USD
Ngày 20/3, Bộ Công Thương đã có cuộc họp tổ công tác để giải quyết vấn đề thu hồi chủ trương đầu tư Trung tâm điện lực Kiên Lương và Cảng Nam Du do Tập đoàn Tân Tạo làm chủ đầu tư.
Được Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư từ năm 2008, dự án nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 là một trong những dự án trọng điểm của cả nước và tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, do quá trình chuẩn bị đầu tư rất chậm do chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong thu xếp vốn cho dự án. Chính phủ đã có những tháo gỡ cụ thể nhằm thúc đẩy việc triển khai dự án như chuyển hình thức đầu tư dự án sang hình thức Hợp đồng BOT với các cam kết bảo lãnh của Chính phủ. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Kiên Giang về việc thu hồi chủ trương đầu tư dự án nhiệt điện Kiên Lương.
Trong khi đó, Dự án Cảng biển nước sâu Nam Du cũng là một trong hai dự án do Tập đoàn Tân Tạo của Bà Đặng Thị Hoàng Yến làm chủ đầu tư.
Hiệp hội xuất khẩu thủy sản lên kế hoạch kiện Bộ Thương mại Mỹ
3,87 USD/kg là mức thuế chống bán phá giá mà DOC áp dụng đối với sản phẩm cá tra phi lê của Việt Nam. Nó là kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13). Mức thuế áp dụng đối với các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn từ 1/8/2015 – 31/7/2016.
Trước cách tính thuế vô lý trên, cộng đồng doanh nghiệp và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đang chuẩn bị khiếu kiện Bộ Thương Mại Mỹ (DOC).
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 20/3, có viết: "VASEP và các doanh nghiệp phản đối quyết định thiếu công bằng này của DOC và đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (CIT) trong thời gian sớm nhất để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu DOC phải xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác, hợp lý cho các công ty tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 13 này".