Khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước mà số lượng cấp phó nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định thì chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định.
Đây là một nội dung tại dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình Quốc hội tại phiên họp chiều ngày 12/2 vừa qua.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Nghị quyết áp dụng trong các trường hợp thành lập, tổ chức lại (bao gồm việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức các cơ quan dưới các hình thức chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn), thay đổi tên gọi, thay đổi mô hình, cơ cấu tổ chức, giải thể cơ quan để thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nghị quyết có 15 điều, trong đó Điều 4 quy định về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền.
 |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: quochoi.vn |
Theo đó, khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định pháp luật hiện hành được tiếp tục thực hiện bởi các cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó.
Trường hợp khi sắp xếp mà tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí, mô hình, cơ cấu tổ chức của cơ quan sau sắp xếp có thay đổi thì cơ quan, người có thẩm quyền được ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan hình thành sau sắp xếp khác với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên đã ban hành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Đáng quan tâm, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định hiện hành thì chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định.
Cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước tiếp tục thực hiện các công việc, thủ tục đang được các cơ quan thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp thực hiện.
Trường hợp các công việc, thủ tục đang thực hiện hoặc đã hoàn thành trước khi sắp xếp nhưng phát sinh vấn đề liên quan cần giải quyết sau khi sắp xếp thì cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan để giải quyết các vấn đề phát sinh đó...
Văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước mà chưa hết hiệu lực, hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền.
Không được yêu cầu tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp đổi giấy tờ đã được cơ quan, người có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước khi các giấy tờ này chưa hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành và đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ trong việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật tán thành việc cần quy định cụ thể thời hạn hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế đối với các văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Theo cơ quan thẩm tra, có ý kiến cho rằng quy định thời hạn 3 tháng để rà soát, xác định phương án xử lý văn bản là quá dài bởi hiện tại các cơ quan đều đã cơ bản hoàn thành việc rà soát.
Cũng có ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi đối với quy định về thời hạn 2 năm để hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế bởi theo rà soát sơ bộ của các cơ quan thì số lượng văn bản cần được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới ở cả trung ương và địa phương là rất lớn trong khi chưa rõ cơ chế nào để Chính phủ có thể theo dõi và bảo đảm thực hiện mục tiêu này.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025 và được thực hiện đến hết ngày 28/2/2027. Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội hóa XVI (tháng 10 năm 2026).