Qua rồi thời “đen tối”, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giờ chuẩn bị “thay áo” mới, với sự nhòm ngó của một số nhà đầu tư. Nhưng để trở thành nhà đầu tư chiến lược của “Tổng” này, ngoài đòi hỏi là DN cùng ngành còn cần phải có số vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng.
|
Cảng Sài Gòn - đơn vị thuộc Vinalines, với doanh thu 1.000 tỷ đồng/năm. |
Chuẩn bị cổ phần hóa (CPH), Vinalines sẽ bán ra bên ngoài 35% vốn điều lệ, tương đương hơn 4.900 tỷ đồng; trong đó riêng bán cho nhà đầu tư chiến lược 14,8% vốn điều lệ, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng.
Thế mạnh vận tải biển, cảng biển
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phương án CPH Công ty mẹ - Tổng Cty Hàng Hải Việt Nam. Vốn điều lệ của “Tổng” này là hơn 14.046 tỷ đồng. Với mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng thì tổng số cổ phần của Vinalines là 1.404.605.800 cổ phần.
Được biết, quá trình CPH, Vinalines sẽ bán đi 35% vốn điều lệ, trong đó bán ra cho công chúng 20%, nhà đầu tư chiến lược 14,8%; khoảng 2% vốn điều lệ còn lại bán ưu đãi cho người lao động trong Tổng Công ty. Dự kiến, Vinalines sẽ tiến hành IPO trong tháng 9/2018. Như vậy, nếu bán thành công 35% vốn điều lệ, Nhà nước sẽ thu về hơn 4.900 tỷ đồng. Điều dư luận và nhà đầu tư quan tâm lúc này là Vinalines có những thế mạnh, lợi thế kinh doanh nào để các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để đầu tư?
Theo tìm hiểu của PLVN, giá trị DN của Vinalines tại thời điểm 31/12/2016 là gần 18,1 nghìn tỷ; giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là hơn 11,9 nghìn tỷ. Vinalines và các đơn vị thành viên cung cấp các dịch vụ liên quan đến ngành Hàng hải, trong đó chia thành ba lĩnh vực chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Trong đó, vận tải biển là lĩnh vực kinh doanh chính của Vinalines, chiếm gần 68% cơ cấu doanh thu của đơn vị này (năm 2017). Trong vận tải biển, “Tổng” này là đơn vị sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước, đóng vai trò vận tải quan trọng của nền kinh tế.
Tính đến đầu năm 2018, đơn vị này sở hữu đội tàu gồm 84 chiếc; số tuổi tàu trung bình là 16,9 tuổi; tổng trọng tải 1.800.625 DWT và trọng tải bình quân là 21.436 tấn/tàu. Khách hàng của DN gồm một số đơn vị thuê tàu lớn trên thế giới, như Rio Tinto, BHP Billiton, ED & F Man Sugar… Với khách hàng trong nước, Vinalines cung cấp dịch vụ vận tải cho nhiều DN lớn, có nhu cầu vận chuyển lớn và ổn định như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng Cty Thép Việt Nam, Tổng Cty Lương thực miền Bắc, Tổng Cty Lương thực miền Nam, Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam… Hàng hóa vận chuyển của Vinalines tương đối đa dạng, nhưng chủ yếu là nông sản, sắt thép, quặng, than, clinker, xi măng…
Khai thác cảng biển cũng là một thế mạnh của Vinalines. Hiện nay, đơn vị này có vốn góp tại 14 công ty liên kết khai thác cảng biển và 1 công ty khai thác cảng sông (cảng Khuyến Lương)…Theo đó, cảng biển là lĩnh vực kinh doanh chiến lược của đơn vị này, đem lại doanh thu và lợi nhuận ổn định cho đơn vị nhiều năm qua. Đơn vị này hiện đang nắm giữ cổ phần chi phối trên 65% đối với các cảng loại I trọng yếu trên cả nước, như các cảng Hải Phòng, Cái Lân, Đà Nẵng, Cam Ranh, Sài Gòn, Cần Thơ…
Nhờ đó, năm 2017, tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển của Vinalines đạt 88,4 triệu tấn, chiếm khoảng hơn 20% tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Lộ diện nhà đầu tư chiến lược?
Ngoài những lợi thế trên, Vinalines còn sở hữu nhiều tài sản lớn. Đáng kể nhất là giá trị từ đất đai. Tính đến thời điểm này, Vinalines quản lý tổng diện tích hơn 1 triệu m2 đất, trong đó đất do Nhà nước giao là 871.000 m2, đất Nhà nước cho thuê là 177.163 m2… Tổng giá trị quyền sử dụng đất của Vinalines là hơn 733 tỷ đồng. Ngoài ra, tài sản của Vinalines còn phải kể đến như nhà cửa vật kiến trúc và phương tiện vận tải trị giá gần hơn 4.000 tỷ đồng…
Nhiều năm trước, Vinalines làm ăn kém hiệu quả, số nợ tăng lên. Nhưng, theo báo cáo của Tổng Công ty, hoạt động kinh doanh ba năm trước khi CPH có nhiều dấu hiệu tích cực, lợi nhuận khá. Nửa sau năm 2018, công ty dự kiến lãi 143,9 tỷ đồng.
Đáng nói, với đường ven biển dài hơn 1.600km, Việt Nam được đánh giá là nơi trung chuyển hàng hóa của khu vực Thái Bình Dương. Thời gian qua, Chính phủ và Bộ GTVT quan tâm phát triển giao thông đường thủy; tìm nhiều giải pháp phát triển logistics vận tải đường sông, đường biển. Từ những yếu tố đó, cộng với tiềm năng của Vinalines, đã tạo nên hút sức hút không hề nhỏ đối với các nhà đầu tư trước giờ “G”.
Để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinalines, DN cần khá nhiều điều kiện khắt khe. Cụ thể, nhà đầu tư là DN cùng ngành nghề, có mức vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng; nếu nhà đầu tư ngoài ngành, mức vốn điều lệ tối thiểu phải là 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Vinalines còn yêu cầu DN muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có kết quả kinh doanh tốt, ít nhất hai năm lãi liên tục trước khi mua cổ phần tại Vinalines…
Được biết, đến thời điểm này, Vinalines chưa “chốt” việc chọn nhà đầu tư chiến lược. Nhưng một số DN lớn, trong đó có Tập đoàn SK (lớn thứ ba Hàn Quốc) ngỏ ý muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của “Tổng” này.
Nhiều người hy vọng Vinalines sẽ “lột xác” sau khi hoàn thành CPH. Tuy nhiên, để thật sự vượt qua khó khăn, phát triển ổn định trong tương lai, quá trình tái cơ cấu hiện nay vẫn còn nhiều việc mà lãnh đạo Vinalines cần phải tiếp tục đẩy mạnh.