Trong tiết trời hanh hao của những ngày thu Hà Nội, dưới những rặng cây trong khuôn viên Học viện Chính trị, hơn 60 cán bộ học viên Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (QP-AN) đối tượng 2 tạm mang trên mình bộ quân phục dã chiến của chiến sĩ, đang căng mình với bài tập bắn súng dưới cái nắng oi nồng về chiều bên dòng sông Nhuệ.
|
Các học viên Lớp Bồi dưỡng kiến thức QP-AN Hệ 7 tập luyện môn bắn súng K54 bài 1. |
“Chiến sĩ chất lượng cao” trên thao trường là cách gọi ẩn ý và trân trọng của cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị dành cho các học viên là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp vụ, viện thuộc các bộ, ngành TƯ và TP Hà Nội đang tham gia Lớp Bồi dưỡng kiến thức QP-AN đối tượng 2 (Khóa 83) tại Học viện Chính trị.
Tiếng kèn báo thức đầu giờ chiều vừa dứt, tất cả cán bộ, học viên Lớp Bồi dưỡng kiến thức QP-AN đối tượng 2 của Hệ 7 (Học viện Chính trị) đã nhanh chóng tác phong chỉnh tề, tập trung trên bãi tập để nghe giảng viên Khoa Binh chủng lên lớp huấn luyện môn bắn súng ngắn K54 bài 1. Đây là một trong những nội dung cơ bản trong chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN mà các học viên phải trải qua.
Sau phần lên lớp giới thiệu, dưới sự phân công, điều hành của 3 giáo viên Khoa Binh chủng, cùng sự phối hợp giúp đỡ của cán bộ, chỉ huy đơn vị, các học viên hối hả luyện tập. Mặc cho những giọt mồ hôi lăn dài trên má, các “chiến sĩ chất lượng cao” dù không quen với các hoạt động khắc nghiệt ngoài trời vẫn hăng say với những động tác bắn súng trên thao trường.
Sự phân tích, chỉ dẫn nhiệt tình của giáo viên và chỉ huy đơn vị đã giúp các học viên từng bước thực hành thuần thục các động tác của bài bắn. Đại tá Nguyễn Trường Giang - Chủ nhiệm Khoa Binh chủng cùng các giáo viên trong khoa luôn chạy đi, chạy lại tới từng học viên trên hàng tập, ân cần chỉnh sửa, hướng dẫn, giải thích cặn kẽ các cử động, động tác: Cầm súng, giữ súng, tới tư thế đứng ngắm bắn (nín thở, bóp cò...). Nhờ đó, mà các học viên có thêm tự tin trong thực hiện các động tác khó.
Chị Nguyễn Hoàng Oanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Nhìn giáo viên hướng dẫn và làm động tác mẫu tưởng như đơn giản nhưng khi vào tập mới thấy vô cùng cực nhọc. Khó nhất là động tác giương súng, giữ súng thăng bằng để lấy điểm ngắm và nín thở bóp cò… thật không dễ chút nào”.
Anh Phạm Ngọc Thạch - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia Hà Nội - sau khi kết thúc lượt tập về vị trí chờ đợi, đưa tay lau vội những giọt mồ hôi còn đọng lại nơi hốc mắt, hồ hởi chia sẻ: Tôi vừa giương súng ngắm được khoảng 10 lượt mà cơ tay đã căng mỏi rã rời, mắt nhòa đi vì mỏi và mồ hôi rớt xuống cay xè”.
Còn anh Cao Hồng Hưng - Phó Trưởng ban Đoàn kết tập hợp Thanh niên - TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bộc bạch: “Dù biết đây chỉ là bài tập rất cơ bản và được coi là đơn giản nhất đối với các chiến sĩ, nhưng chúng tôi đã phải rất vất vả và cố gắng để luyện tập hoàn thành nhiệm vụ. Qua đây, chúng tôi càng hiểu hơn những khó khăn, vất vả và sự kiên nhẫn chịu đựng của những người lính khi huấn luyện ở điều kiện khắc nghiệt trên thao trường.
Giờ nghĩ lại, mỗi khi xem những thước phim tư liệu về chiến tranh trước đây hay những hành động huấn luyện của cán bộ, chiến sỹ trong quân đội hiện nay, mới thấy được sự vất vả và gian khó mà những người lính đã trải qua là không hề nhỏ. Chúng tôi thực sự khâm phục bởi bản lĩnh, ý chí kiên cường của các cán bộ, chiến sỹ “Bộ đội Cụ Hồ”.
Đại tá Nguyễn Trường Giang - Chủ nhiệm Khoa Binh chủng giải thích với chúng tôi, mặc dù đây là những bài tập, những yếu lĩnh, động tác rất cơ bản và đơn giản của các học viên, chiến sỹ ở các nhà trường và đơn vị quân đội, nhưng lại là vấn đề mới đối với các học viên là cán bộ ngoài quân đội. Cho nên, nếu không được huấn luyện, hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ trong quá trình luyện tập thì dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn khi bắn đạn thật, bởi tác động tâm lý do tiếng đạn nổ tạo ra.
Do vậy, quá trình lên lớp huấn luyện, chúng tôi còn thường xuyên quan sát, nắm bắt tâm lý, khả năng bản lĩnh của từng người, để tăng cường bồi dưỡng, hướng dẫn, sửa tập từng cử động, động tác cho học viên, nhất là với các học viên nữ.
Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác phổ biến những kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp xử trí các tình huống có thể xảy ra, như: khi bắn đạn không nổ hoặc súng bị kẹt khóa nòng…, để xây dựng bản lĩnh tâm lý, sự bình tĩnh, tự tin cho học viên ngay từ khi huấn luyện. Có như vậy mới bảo đảm an toàn khi bắn đạn thật.
Đại tá Phạm Văn Quynh - Hệ trưởng Hệ 7 Học viện Chính trị chia sẻ: “Mặc dù các học viên đều ở độ tuổi trên dưới 40; là cán bộ có trình độ học hàm, học vị cao, giữ vị trí lãnh đạo ở các cơ quan thuộc bộ, ban, ngành TƯ và địa phương.
Nhưng trong quá trình học tập đều chấp hành rất nghiêm túc nền nếp, chế độ, thời gian sinh hoạt, làm việc của nhà trường; nhất là trong các buổi học trên giảng đường và huấn luyện ngoài thao trường, các học viên đều rất chủ động thực hiện đúng quy định như học viên quân đội.
Điều đó, cũng đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên của Hệ chúng tôi càng phải chủ động bám nắm kế hoạch, tích cực phối hợp với các cơ quan, khoa giáo viên, bảo đảm tốt cơ sở vật chất, đồ dùng phục vụ lớp học; đồng thời, mỗi cán bộ, nhân viên trong hệ cũng nêu cao tinh thần tự giác, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ, chức trách, phần việc được giao”.
Từ năm 2008 tới nay, Học viện Chính trị đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Cục Dân quân Tự vệ, tổ chức được hơn 80 khóa học bồi dưỡng kiến thức QP-AN đối tượng 2 cho hơn 10 nghìn lượt cán bộ cấp vụ, viện các bộ, ngành TƯ và TP Hà Nội.
Kết quả kiểm tra kết thúc các khóa học đều đạt 100% khá giỏi; riêng môn bắn súng 100% hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Hàng năm, Học viện Chính trị luôn được Hội đồng Giáo dục QP-AN TƯ đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN đối tượng 2 theo kế hoạch.