Dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập có tổng diện tích khoảng 210ha, tổng mức đầu tư hơn 2 tỉ USD.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục để hoàn thành việc chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Quỳnh Lập trong quý I/2025 theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 10/1/2025 của Bộ Công Thương có Thông báo số 10/TB-BCT về kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Hội nghị với các địa phương và chủ đầu tư các dự án điện về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đồng thời giao các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời phối hợp để hoàn thành các dự án về nguồn điện, lưới điện đảm bảo tiến độ theo yêu cầu tại Quy hoạch điện VIII được duyệt.
 |
Vị trí triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập. |
Đến hết ngày 5/10/2025 sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An đã nhận 5 bộ hồ sơ của 5 Nhà đầu tư gồm: Liên danh Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP; Công ty TNHH Mía đường Nghệ An và SK E&S CO.,LTD., Tổng công ty Phát điện 1 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam), Công ty POSO International (Hàn Quốc) và CTCP đầu tư xây dựng Trung Nam, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Liên danh CTCP Đầu tư năng lượng Bamboo Việt Thành và Gulf Petroleum Limited (Qatar). |
Dự án Nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập sẽ được thực hiện tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An với công suất 1.500MW. Đây là một trong các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên thuộc danh mục kèm theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Dự án được thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng 2,15 tỷ USD, bao gồm các hạng mục: Nhà máy điện khí LNG, kho chứa khí, cảng tiếp nhận, đê chắn sóng và các công trình phụ trợ trên tổng diện tích khoảng 210 -360 ha, nhu cầu nhiên liệu khí LNG khoảng 1,15 triệu tấn/năm và cảng tiếp nhận tàu có trọng tải khoảng 100.000 DWT. Dự án dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn trước năm 2030.
LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên hóa lỏng có thành phần chủ yếu là CH4 - methane (chiếm khoảng 90%), không màu, không mùi, được sử dụng làm nhiên liệu. LNG là khí thiên nhiên được làm lạnh sâu tại nhiệt độ -162°C để chuyển sang thể lỏng, và được chứa vào các bồn chuyên dụng để vận chuyển đến nơi tiêu thụ. |