Ngày 23/6, UBND xã An Phước tiếp tục tổ chức buổi hòa giải lần 3, vụ Công ty Tín Nghĩa thuê người chặt hạ hơn 10 ha tràm của dân nhưng bất thành. Phía gia đình bà Oanh đề nghị lập hồ sơ chuyển lên cơ quan cấp trên yêu cầu khởi tố trách nhiệm hình sự đơn vị có hành vi hủy hoại tài sản.
Vụ việc có dấu hiệu hình sự?
Liên quan đến vụ việc Công ty Tín Nghĩa ngang nhiên cho người vào chặt hạ hơn 10ha tràm của gia đình bà Huỳnh Thị Ngọc Oanh (ngụ xã Tam Phước, Biên Hòa, Đồng Nai) đã được dư luận đông đảo qua tâm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả, do các bên không đồng nhất quan điểm.
Tại biên bản làm việc ngày 23/6 (hòa giải lần 3), do UBND xã An Phước tổ chức đã ghi nhận ý kiến của các bên liên quan.
Theo đó, phía gia đình bà Oanh cho rằng, việc Công ty Tín Nghĩa cho người ngang nhiên chặt hạ cây tràm là hành vi cố ý hủy hoại tài sản công dân. Gia đình bà kiên quyết đề nghị Công an xã lập hồ sơ chuyển lên Công an cấp trên để khởi tố trách nhiệm hình sự.
|
Phía gia đinh bà Oanh đề nghị Công an lập hồ sơ khởi tố trách nhiệm hình sự. |
Còn với Công ty Tín Nghĩa vẫn giữ nguyên quan điểm trước, thực hiện đúng biên bản hòa giải ngày 26/5. Vì tại buổi làm việc ngày hôm đó phía đại diện gia đình bà Oanh đã thống nhất giải quyết vụ việc.
Như vậy, qua 3 lần tổ chức hòa giải nhưng các bên vẫn chưa tìm ra được tiếng nói chung. Vụ việc tiếp tục được đề nghị chuyển lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.
Tiếp tục thách thức, coi thường pháp luật?
Mặc dù vụ việc đang trong quá trình chờ giải quyết, tại các buổi hòa giải trước đó bà Oanh liên tiếp đề nghị phía Công ty Tín Nghĩa dừng ngay các hoạt động trên khu đất đang tranh chấp. Thế nhưng, theo bà Oanh, phía Công ty Tín Nghĩa không những không hợp tác mà còn có nhiều hành động thách thức, coi thường pháp luật.
Mới đây, bà Oanh tiếp tục phát hiện tại khu đất thuộc thửa 210 và thửa 254 tờ bản đồ số 4, năm trước gia đình cho trồng khoảng 10 ngàn cây tràm (gần 4ha). Vừa rồi diện tích tràm này bị đốt cháy nham nhở, nay lại bị san ủi, đổ đất chồng lên phần diện tích tràm mà gia đình đang canh tác khiến gia đình vô cùng bức xúc.
Về việc này, phía Công ty Tín Nghĩa cho rằng: khu công nghiệp đang là của Tín Nghĩa và khu đất này đã được cấp sổ cho Công ty Tín Nghĩa. “Đất của bên anh thì bên anh đổ”, ông Vũ Văn Luyến cho hay.
Như vậy, vụ việc chưa giải quyết xong, phần đất này vẫn đang được gia đình bà Oanh sử dụng, cũng như đang khiếu nại và chưa có kết quả giải quyết cuối cùng từ cơ quan có thẩm quyền.
Thế nhưng, Công ty Tín Nghĩa vẫn tự cho mình quyền được quyết định trên khu đất đó, thực hiện nhiều hoạt động trên khu đất này mà không có một thông báo nào đến người dân cũng như chính quyền sở tại biết, không tiến hành các bước đền bù, thương lượng theo luật định khiến người dân bức xúc. Phải chăng đây là việc coi thường pháp luật, có dấu hiệu hình sự về hủy hoại tài sản công dân?
|
Phần đất bị san ủi, đổ thành từng đống và chồng lên phần cây tràm non của gia đình bà Oanh. |
Lập hồ sơ khởi tố trách nhiệm hình sự
Theo ông Huỳnh Ngô Tường Bách, đại diện gia đình bà Oanh cho rằng, UBND xã không đủ thẩm quyền hòa giải vụ việc trên. Vì, trường hợp Công ty Tín Nghĩa cho người chặt phá hơn 10ha rừng tràm đã đủ yếu tố có thể khởi tố hình sự. Cho nên buổi hòa giải ngày 26/5 không có giá trị pháp lý.
Chặt 12 cây tràm 8 người bị phạt tù Trước đó, ngày 13/4/2015, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên y án sơ thẩm bản án của TAND TP Biên Hòa đối với 8 bị cáo về tội hủy hoại tài sản do đã chặt 12 cây tràm của Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa, gây thiệt hại hơn 10 triệu đồng. Tòa phúc thẩm nhận định, bản án sơ thẩm là có cơ sở, đồng tình với bản án sơ thẩm, bác đề nghị ý kiến hủy án điều tra lại của VKSND tỉnh, bác ý kiến hủy án, đình chỉ vụ án tuyên không phạm tội của luật sư bào chữa. Các bị cáo bị tòa tuyên phạt mỗi bị cáo 5 tháng 4 ngày tù (bằng với thời gian tạm giam), thả tự do ngay tại tòa. Trong đó có 3 bị cáo bị phạt 6 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Như vậy, nếu như việc chặt 12 cây tràm trên khiến 8 người bị đẩy vào vòng thì liệu hơn 10ha tràm của dân do Công ty Tín Nghĩa chặt hạ có bị phạt tù?. |
Cũng theo ông Bách trong trường hợp ngay cả khi gia đình đồng ý bồi thường thì đó cũng chỉ là dân sự. Vì vậy, hành động của Công ty Tín Nghĩa là cố ý hủy hoại tài sản công dân thì gia đình vẫn có quyền khởi tố hình sự.
Luật sư Nguyễn Thanh Biên – Đoàn luật sư TP HCM, cho rằng: những người tham gia trong việc chặt cây, đốt cây hay san ủi đất có thể bị truy tố bởi hai tội danh: “tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” và “tội cưỡng đoạt tài sản”. Đó là việc thiêu rụi những cây tràm thuộc sở hữu của gia đình bà Oanh khi chưa được sự đồng ý của gia đình và việc chặt những cây tràm chưa đến độ tuổi thu hoạch.
Luật sư Biên còn cho rằng, cần khẳng định số cây tràm trên đất là tài sản của gia đình bà Oanh vì thỏa thuận bồi thường tràm trên đất chưa hoàn thành, số tràm trên được canh tác liên tục trước thời điểm Công ty Tín Nghĩa được cấp GCNQSDĐ mà chưa bị xử phạt hành chính về lĩnh vực đất đai, do đó Công ty Tín Nghĩa không có quyền chặt phá.
Nếu như việc chặt tràm không được gia đình kịp thời phát hiện hay dư luận không kịp lên tiếng thì liệu rằng số tràm trên có bị Công ty Tín Nghĩa tận thu hay Tín Nghĩa sẽ làm gì với số tràm đó?.
Đề nghị, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cần xem xét thấu đáo giải quyết dứt điểm vụ việc. Trước khi giao đất cho đơn vị đầu tư làm dự án, thì quyền lợi của người dân phải được giải quyết thỏa đáng.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.