Rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm mang hiệu “Nấm” đang được quảng cáo, bán tràn lan trên thị trường, khiến người tiêu dùng hoài nghi về công dụng mập mờ. Được biết, Công ty Hoài Thương đang sản xuất thực phẩm chức năng mang hiệu Nấm.
Thêm mỹ phẩm hiệu Nấm chưa rõ nguồn gốc?
Như Pháp luật Plus đã phản ánh ở bài trước, nhiều sản phẩm hiệu “Nấm” lưu hành ngoài thị trường có dấu hiệu sai phạm về sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm. Đơn cử, một sản phẩm có tên “Mặt nạ dưỡng trắng thảo dược” hiệu “Nấm” được cho là của Công ty Hoài Thương sản xuất, không ghi nhãn mác theo quy định.
Theo quan sát thực tế, sản phẩm này chỉ ghi: Thành phần, công dụng, cách dùng và tên sản phẩm, mà không ghi số lô sản xuất, số công bố, không thể hiện rõ nơi xuất xứ, nơi sản xuất theo quy định.
Đặc biệt, sản phẩm này không ghi bất cứ một thông tin nào liên quan đến đơn vị chịu trách nhiện đưa sản phẩm ra thị trường, tên công ty, địa chỉ công ty, ngày sản xuất, hạn sử dụng cũng như những lưu ý về an toàn khi sử dụng sản phẩm.
|
Hàng loạt sản phẩm hiệu Nấm, dưới danh nghĩa mỹ phẩm được quảng cáo, bán trên thị trường, trong khi Công ty Hoài Thương có chức năng sản xuất thực phẩm chức năng. |
Trong khi, sản phẩm này lại có rất nhiều tem nhãn ghi tên Công ty Hoài Thương. Chẳng hạn như: Tem chống hàng giả ghi Công ty Hoài Thương, tem chống hàng giả ghi Bộ Công an, tem chống hàng giả ghi Vina CHG về thương hiệu “Nấm”.
Mặc dù, Công ty Hoài Thương được Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và giấy công bố phù hợp quy định ATTP cho hai sản “tăng cân đẹp da” và “giảm cân tan mỡ”. Thế nhưng, trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu “Nấm” chưa rõ nguồn gốc, nơi sản xuất, khiến người tiêu dùng hoang mang.
Công ty Hoài Thương có dấu hiệu hoạt động mờ ám
Rất nhiều lần phóng viên đến địa chỉ công ty liên hệ nhằm xác minh làm rõ những thông tin trên. Tuy nhiên, phía Công ty Hoài Thương đã khước từ, không hợp tác, khiến những nghi vấn liên quan đến các sản phẩm trên càng bị bỏ ngõ. Liệu các sản phẩm này đã được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành hay chưa? Những sản phẩm đó đang được sản xuất ở đâu?
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của Pháp luật Plus, Ngày 25/7 Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đồng Nai đến tại địa chỉ Công ty Hoài Thương để kiểm tra và xác minh thông tin.
|
Cán bộ Chi cục QLTT đến kiểm tra Công ty Hoài Thương, luôn có sự cảnh giác của những người được xem là của Công ty Hoài Thương. |
Có mặt tại thời điểm lực lượng QLTT Đồng Nai kiểm tra, những người được cho là của Công ty Hoài Thương đã có hành vi ngăn cấm báo chí, cấm quay phim, chụp hình.
Sau kiểm tra, đại diện phía Chi cục QLTT Đồng Nai cho biết, Công ty Hoài Thương chỉ được cấp phép sản xuất thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, do Giám đốc công ty này là bà Nguyễn Vũ Hoài Thương không có mặt lúc kiểm tra nên chúng tôi sẽ mời bà Thương lên làm việc sau, và sẽ có văn bản trả lời cho báo chí khi có kết quả.
Trước đó, ông Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai khẳng định, chưa cấp một giấy phép nào cho công ty này. Việc sản xuất không phép nếu diễn ra sẽ buộc đóng cửa và xử phạt theo quy định.
|
Sản phẩm "Giảm cân, tan mỡ" hiệu Nấm thực chất là sản phẩm chức năng. |
Như vậy, nhiều nghi vấn liên quan đến các sản phẩm mang thương hiệu “Nấm” chưa rõ nguồn gốc, nơi sản xuất đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Câu hỏi mà người tiêu dùng đặt ra là Công ty Hoài Thương có âm thuần qua mặt cơ quan chức năng địa phương để sản xuất những sản phẩm mỹ phẩm dưới danh nghĩa công ty thực phẩm hay không? Tại sao phải bí mật với cơ quan báo chí?
Đề nghị Sở Y tế, Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai và các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xác minh làm rõ, xử lý những sai phạm theo quy định của pháp luật.
Hàng loạt sản phẩm hiệu Nấm nghi sản xuất chui Qua tìm hiểu của phóng viên, ngoài hai sản phẩm “Tăng cân đẹp da” và “giảm cân tan mỡ” được sản xuất tại địa chỉ 330/30 khu Văn Hải, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai, thì rất nhiều sản phẩm khác như: “Gel tan mỡ Quế Sâm”, “Bột trắng da – chống lão hóa – trị mụn nám Thiên Xuân”, “Mặt nạ dưỡng trắng thảo dược”, “Serum trị thâm môi NS”, “Son môi NS Lipstick 2in1”, “Bột ngũ cốc Diệp Ngọc Lam”, “Serum thảo dược Diệp Ngọc Lan”, “Tiêu độc diệp mộc thải độc - trắng da, trị mụn - trị nám”, “Nấm Mộc An – dung dịch vệ sinh phụ nữ”… đều ghi hiệu “Nấm” nhưng chưa rõ nơi sản xuất. Trong đó có nhiều sản phẩm lập lờ về công dụng và chức năng giữa mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Chưa kể, việc đặt tên cho sản phẩm và công bố tính năng của một số sản phẩm này có dấu hiệu chưa đúng theo quy định. Chẳng hạn, một số sản phẩm ghi công dụng như: “Bột trắng da – chống lão hóa – trị mụn nám Thiên Xuân”,“Serum trị thâm môi NS”, “Tiêu độc diệp mộc thải độc - trắng da, trị mụn - trị nám”… Chiếu theo quy định về ghi nhãn mác và công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm thì với các từ mang ý nghĩa như như “trị, điều trị, chữa trị…” đều không được chấp nhận trong việc công bố tính năng đặt tên sản phẩm mỹ phẩm. Việc công bố tính năng của sản phẩm phải đáp ứng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. |
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.