Gần một thập kỷ đã trôi qua, gia đình của liệt sĩ Đinh Xuân Lợi vẫn nuôi hy vọng được cấp lại đất để thờ cúng.
|
Thờ cúng liệt sĩ là nghĩa cử cao đẹp, tri ân những người đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc |
Gần một thập kỷ đã trôi qua, gia đình của liệt sĩ Đinh Xuân Lợi vẫn nuôi hy vọng được cấp lại đất để thờ cúng. Liệt Sĩ Lợi đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, bản thân gia đình ông cũng từng có đất ở địa phương nhưng chính quyền đã chia cho các hộ dân khác vào ở.
Đã 9 năm nay, gia đình liệt sĩ Đinh Anh Tuấn, 79 tuổi, là con trai của liệt sĩ chống Pháp, Đinh Xuân Lợi (tức Lời), SN 1915, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã Bình Đà (nay là xã Bình Minh), huyện Thanh Oai, Hà Nội, TP Hà Nội tiếp tục đề nghị xem xét giải quyết cấp đất thờ cúng liệt sĩ cho gia đình liệt sĩ Đinh Xuân Lợi. Tuy nhiên, cho đến nay, những nhu cầu chính đáng của gia đình liệt sỹ vẫn chưa có lời hồi đáp xác đáng.
Ngược thời gian trở về những năm tháng đấu tranh chống quân xâm lược của cả dân tộc. Vào tháng 2-1948, giặc Pháp và tay sai đã càn quét Bình Đà (nay là xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Chúng bắt được ông Đinh Xuân Lợi, lúc đó là Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban hành chính kháng chiến xã, cùng hai người em trai. Thực dân Pháp và tay sai đã dùng nhiều hình thức tra tấn dã man đối với ông Lợi và những người thân trong gia đình nhằm bắt ông Lợi khai ra cơ sở cách mạng. Nhưng ông Đinh Xuân Lợi cương quyết không khai báo và sau đó đã bị kẻ địch bắn chết tại chợ Bình Đà. Sự hy sinh anh dũng, tinh thần chiến đấu kiên trung vì cách mạng của ông Đinh Xuân Lợi thời điểm đó đã được rất nhiều đồng chí, đồng đội và nhân dân chứng kiến, ghi nhận.
Thế nhưng, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan của một số cán bộ xã thời điểm đó mà mãi đến tận gần 60 năm sau, tức là đến tháng 7-2007, sau khi có sự vào cuộc quyết liệt, tận tâm của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho ông Đinh Xuân Lợi. Ông Đinh Anh Tuấn cho biết: Trước khi cha ông (liệt sĩ Đinh Xuân Lợi) bị giặc giết hại, gia đình có căn nhà năm gian, mái ngói, trần rơm trên mảnh đất khoảng 300 m2 ở xã Bình Đà. Đây là điều đã được chi bộ thôn Chua, được các nhân chứng tại xã và thôn công nhận. Sau khi cha bị giết, mẹ ông đã dắt ông trốn đi lánh nạn khi ông tròn 10 tuổi. Năm 1956, chính quyền xã lúc đó đã chia đất của gia đình ông Đinh Xuân Lợi cho hai hộ dân khác vào ở cho đến nay.
Điều mà ông Đinh Anh Tuấn, con trai duy nhất của liệt sĩ Đinh Xuân Lợi đau đáu trong lòng hàng chục năm qua là cha mình bị địch giết hại dã man vì bảo vệ cơ sở cách mạng, nhưng đến nay gia đình không có mảnh đất nào ở quê hương để làm nơi thờ cúng liệt sĩ. Nguyện vọng tha thiết và chính đáng của gia đình liệt sĩ là mong muốn thành phố Hà Nội, huyện Thanh Oai và xã Bình Minh xem xét, giải quyết cấp lại đất cho gia đình tại quê hương xã Bình Minh để làm nơi thờ cúng liệt sĩ Đinh Xuân Lợi và cũng là đền bù việc gia đình bị oan uổng mất đất hương hỏa của cha ông để lại.
Đây là một mong muốn chính đáng của gia đình liệt sĩ, là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với các gia đình có công với nước. Thế nhưng, nguyện vọng đó đã bị chìm vào quên lãng trong nhiều năm qua mà không có câu trả lời cụ thể từ phía các cấp chính quyền, nhất là huyện Thanh Oai. Đáng chú ý, hiểu rõ, chia sẻ nỗ oan ức của gia đình liệt sĩ, năm 2011, Đảng ủy xã Bình Minh và Chủ tịch xã Lưu Văn Du đã tổ chức họp với nhân dân nhiều lần và ngày 17-5-2011 đã có văn bản số 27/TTr-UBND trình UBND huyện Thanh Oai về việc đề nghị cấp lại đất đã bị mất cho gia đình liệt sĩ với diện tích là 180 m2, với địa chỉ rất cụ thể.
Ngày 8/8/2016, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 4642/UBND-TKBT gửi Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai chỉ đạo kiểm tra, giải quyết.
Thế nhưng, đúng 1 năm qua, gia đình liệt sĩ vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Đại diện gia đình liệt sĩ vẫn cần mẫn hằng tháng có mặt tại trụ sở tiếp dân của huyện theo đúng quy định của pháp luật để mòn mỏi trông chờ sự trả lời của các cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng của huyện Thanh Oai thì quan niệm rằng, gia đình liệt sĩ Đinh Xuân Lời không nằm trong diện được cấp đất mà quên mất rằng, đất hương hoả của liệt sĩ bị mất do việc cụ bị oan suốt 60 năm. Sau khi được liệt sĩ được minh oan, việc giải quyết quyền lợi, đền bù chưa được huyện quan tâm.
Ngoài ra, việc UBND huyện Thanh Oai có báo cáo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP hà Nội với nội dung: Đến ngày 8/6/2016, huyện mới nhận được đơn đề nghị cấp đất của gia đình liệt sĩ là hoàn toàn không chính xác bởi trong chín năm qua, năm nào gia đình cũng có đơn trực tiếp gửi UBND huyện với đầy đủ giấy tờ chứng minh cần thiết.
Trong những ngày này, khi mà các cấp chính quyền của TP Hà Nội đang sôi nổi giới thiệu những hoạt động Đền ơn, đáp nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ thì có một gia đình liệt sĩ vẫn âm thầm, kiên trì mang đơn kiến nghị xin được hưởng quyền lợi chính đáng nhưng lại không được quan tâm đúng mức và chưa thấu tình, đạt lý.