Hai người hai số phận khác nhau, nhưng nỗi đau chiến tranh vô tình đưa đẩy họ nên duyên vợ chồng.
|
Vợ chồng ông Giáp – bà Thu. |
Đó là vợ chồng ông Bùi Xuân Giáp (SN 1946) và bà Nguyễn Thị Thu (SN 1952, ngụ khối Vĩnh Xuân, phường Đông Vĩnh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An).
Thời trai trẻ, ông Giáp lên đường nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường Long An, thuộc lực lượng đặc công. Đầu năm 1969, trong một trận chống càn của địch ở Bình Chánh, ông bị thương nặng ở chân và vùng đầu. Vết thương khiến một chân ông Giáp bị cà nhắc, không thể di chuyển bình thường.
Chưa hết, viên đạn găm trên đầu làm ông đau nhói những lúc trái gió trở trời. Năm 1975, đất nước thống nhất, anh thương binh hạng 2/4, mất sức 61% trở về địa phương.
Tại quê nhà, ông được phân công công tác tại Công ty quản lý nhà đất TP Vinh. Bị thương tật, sức khỏe yếu nên ông không dám mở lòng đi tìm hạnh phúc riêng.
Bố mẹ tìm chồng cho con dâu góa bụa
Thế nhưng, cách đó gần chục cây số, một gia đình đặc biệt đã nhắm ông Giáp cho cô con dâu của họ. Người con dâu đó là bà Nguyễn Thị Thu. Trước đó, vào năm 1970, bà Thu từng lấy chồng là ông Nguyễn Viết Dư (quê xã Hưng Hòa, TP Vinh). Vợ chồng chung sống đúng 27 ngày thì ông Dư vác ba lô lên đường nhập ngũ.
Chiến tranh ác liệt nên ít khi bà Thu nhận được thư của chồng. Dù vậy, người phụ nữ ấy vẫn một lòng chờ đợi chồng, mong ngày đoàn tụ.
Đầu năm 1973, bà Thu bất ngờ nhận được tin chồng mình đã hy sinh ngoài chiến trận. Dù đau đớn, nhưng bà vẫn nuôi hy vọng thông tin đó là nhầm lẫn. Đến khi đất nước giải phóng, mọi hy vọng chấm dứt khi gia đình chính thức nhận được giấy báo tử.
Từ khi chồng mất, người phụ nữ ấy vẫn lặng lẽ ở vậy phụng dưỡng bố mẹ chồng và chăm nuôi 7 đứa em. Không muốn cô con dâu trẻ chưa vướng bận con cái phải “ở vậy” suốt đời, bố mẹ chồng đã đánh tiếng khuyên bà Thu nên đi bước nữa nhưng người phụ nữ ấy nhất quyết không chịu.
Bà từng nói với bố mẹ chồng: “Dù khoảng thời gian chung sống với anh Dư rất ít, nhưng con cũng là vợ của anh ấy, là con dâu của bố mẹ. Con sẽ ở vậy để thờ chồng, lo nhang khói”.
Trước sự “bướng bỉnh” của cô con dâu thảo hiếu, bố mẹ chồng đành tự đi tìm chồng cho con dâu. Người mà họ nhắm tới không ai khác chính là ông Giáp. Theo lời bà Thu, lý do gia đình nhà chồng cũ mình chọn người cựu chiến binh bị thương tật ở chân làm chồng cho con dâu góa bụa vì thấy sự chân thành, chăm chỉ của ông Giáp.
Riêng với hai nhân vật chính, có lẽ giữa họ có điểm chung là đều mang nặng nỗi đau chiến tranh để lại. Một người đàn ông mang thương tích chiến trường trên cơ thể, một người phụ nữ là vợ liệt sỹ. Họ đồng cảm rồi mến nhau. Năm 1976, cả hai chính thức về chung một nhà. Sau đó, 5 đứa con lần lượt chào đời.
Tình nghĩa vợ chồng giữa họ luôn sâu đậm, nhưng trong tâm trí bà Thu vẫn mang một nỗi day dứt, trăn trở khi chưa tìm được hài cốt của chồng cũ. Hiểu và cảm phục trước tấm lòng vẹn toàn trước sau của vợ, ông Giáp đã động viên bà cố gắng đi tìm hài cốt liệt sỹ Nguyễn Viết Dư.
Từ những thông tin ít ỏi có được nhờ đồng đội, vợ chồng bà Thu đã nhiều lần bắt xe vào chiến trường cũ để tìm phần mộ liệt sỹ Dư. Chiến trường xưa thay đổi nên việc xác định phần mộ gặp khó khăn. Mỗi khi thấy vợ nản lòng, ông Giáp lại lựa lời động viên.
|
Ông Giáp chuẩn bị gầy dựng lại việc chăn nuôi sau lần trang trại gặp dịch bệnh. |
Có những khoảng thời gian, ông còn thay bà đảm đang vai trò của người phụ nữ quán xuyến việc gia đình, chăm sóc con cái để bà yên tâm rong ruổi trên những chặng đường ở tận Quảng Nam - Đà Nẵng làm tròn chữ nghĩa chữ tình với người chồng đã khuất.
Năm 2012, sau thời gian dài tìm kiếm, phần mộ của liệt sỹ Nguyễn Viết Dư đã được tìm thấy. Ngày đón liệt sỹ Dư trở về quê nhà, bà mừng tủi trong nước mắt. Ông Giáp cũng hạnh phúc không kém vì cuối cùng vợ mình đã thực hiện được ước nguyện.
Những tháng năm dài đằng đẵng, với đôi chân không còn lành lặn của người thương binh, ông Giáp vẫn đều đặn cùng bà tận tâm nhang khói cho liệt sỹ Nguyễn Viết Dư tại Nghĩa trang TP Vinh.
Khó khăn không gục ngã
Bước ra từ cuộc chiến tranh ông Giáp chỉ có đôi bàn tay trắng nhưng bù lại, người đàn ông ấy có nghị lực và tình yêu của vợ con, gia đình. Ông bảo, cuộc đời ông chỉ cần có thế. Năm 2002, được sự động viên của vợ con, người thân, ông Giáp mạnh dạn đấu thầu khu đất rộng 2,5 ha để làm trang trại với mô hình vườn, ao, chuồng.
Ông kể, ban đầu với số vốn chỉ vài chục triệu, vợ chồng chăn nuôi theo mô hình nhỏ. Trên bờ nuôi gà, vịt, dưới ao thả cá. Ngày ngày, ông lại thức khuya dậy sớm, cùng ăn, cùng ngủ với đàn vật nuôi của mình. Và trời không phụ lòng người, những lứa gia cầm đầu tiên bắt đầu mang lại thu nhập.
“Thừa thắng xông lên”, ông Giáp tiếp tục nhân đôi, nhân ba số lượng gà, vịt trong trang trại. Chưa hết, người cựu chiến binh còn đầu tư vốn xây dựng lò ấp trứng ngay trong chính trang trại. Mô hình khép kín đã mang lại những thành công bước đầu.
Ông Giáp cho hay, mấy năm trở lại đây, bình quân trong trang trại có khoảng 6.100 con gà, vịt đẻ. Mỗi ngày cho xuất chuồng hơn 4.000 nghìn quả trứng. Chưa hết, ao cá rộng lớn hàng năm cũng cho gia đình thu hoạch hàng tấn cá các loại.
Đầu năm 2017, một biến cố bất ngờ ập đến khiến ông trở tay không kịp. “Trận dịch cúm gia cầm ập vào trang trại khiến tôi như ngồi trên đống lửa. Không như một số người im lặng đem gia cầm chết đi “bán tống bán tháo”, lúc vừa mới phát hiện ra dấu hiệu mầm bệnh, tôi liền thông báo lên chính quyền. Cơ quan chức năng xuống lập biên bản, tiêu hủy toàn bộ gia cầm trong trang trại của gia đình tôi. Tổng thiệt lại lần đó ước chừng hơn 1 tỷ đồng”, ông Giáp buồn rầu nhớ lại.
Ông không buông xuôi. Ông cho biết đang chờ chính quyền trợ cấp một phần vốn theo quy định để bắt tay vào việc chăn nuôi lại. “Hơn 15 năm làm nghề, đây là thất bại lớn nhất, nhưng với tôi, còn sức khỏe thì còn làm việc”, ông nói.
Dự định của ông được bà Thu hoàn toàn ủng hộ. Người vợ tâm sự: “Suốt cả cuộc đời, ông ấy luôn hy sinh vì tôi. Đến khi bố mẹ chồng cũ mất đi, ông ấy lo chu toàn bổn phận như con cái trong nhà. Nghĩa tình đó, tôi luôn ghi nhớ. Giờ khó khăn ập đến, tôi luôn ủng hộ tinh thần để ông ấy vững tâm làm lại từ đầu”.