Theo dõi thân nhiệt, những lưu ý dùng các thiết bị sưởi, làm sao để mặc đồ giữ ấm!?,... là những chia sẻ của chuyên gia Tâm lý Giáo dục Tiểu học.
Trước tình trạng thời tiết cường độ rất mạnh, rét đậm rét hại và mưa kéo dài, các bậc cha mẹ và các thầy cô cần có những kế hoạch chăm sóc trẻ ra sao theo đúng khoa học, từ việc giữ ấm thân nhiệt đến chế độ dinh dưỡng?
Dưới đây là những chia sẻ của Tiến sĩ Tâm lý Vũ Thu Hương – Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) với Phapluatplus.vn.
Cho trẻ mặc áo cổ lọ, thay vì quàng khăn
Các cha mẹ chú ý việc cho trẻ mặc ít áo mà áo dày sẽ không ấm bằng mặc nhiều lớp áo dù đó là áo mỏng. Quàng khăn thì trẻ rất dễ đánh rơi hoặc lại khít cổ làm trẻ khó thở. Vì thế, phương pháp tối ưu là cho trẻ mặc áo cổ lọ vừa ấm vừa dễ chịu.
Một chú ý đặc biệt nữa là vòng eo của trẻ thường to nên dễ bị tuột xuống trễ dưới bụng. Vì thế, những bộ áo liền quần sẽ thích hợp trong thời tiết này.
Hơn nữa, những chiếc tất liền quần cũng dễ chịu hơn là những chiếc tất rời. Nên những bộ quần áo liền cả áo, quần, tất sẽ rất thích hợp trong điều kiện này.
Chế độ dinh dưỡng ngày lạnh cho con trẻ
Là mùa đông, trẻ thường lười uống nước, những thức ăn nhiều nước như súp, cháo,…sẽ rất cần thiết trong ngày lạnh. Tuy nhiên, những món súp hay cháo ấy cần phải được giữ ấm.
|
"Quàng khăn thì trẻ rất dễ đánh rơi hoặc lại khít cổ làm trẻ khó thở. Vì thế, phương pháp tối ưu là cho trẻ mặc áo cổ lọ vừa ấm vừa dễ chịu". |
Một điều không thể bỏ qua, mặc dù trời lạnh, trẻ cũng rất cần rau xanh và Vitamin, vì thế không thể thiếu hoa quả và rau. Chúng ta sẽ lựa chọn thực đơn dựa theo khẩu vị của trẻ. Đủ chất nhưng vẫn phải đảm bảo ấm.
Những lưu ý khi “nhốt” trẻ trong phòng tránh rét
Trẻ cần giữ ấm nhưng cũng cần khoảng không gian thoáng nên trong một ngày, phòng học hay phòng ở của trẻ cũng phải được mở ra thông gió vài lần trong ngày.
Quần áo của trẻ phải được thay giặt hàng ngày. Trẻ cũng phải được lau rửa bằng nước ấm ít nhất một lần trong ngày để tránh bệnh ngoài da. Cho trẻ mặc nhiều quần áo nhưng cũng không nên quá nhiều có thể gây đổ mò hôi và làm trẻ bị cảm lạnh sau đó.
Cách dễ dàng để xác định xem trẻ đã mặc đủ ấm hay chưa chính là ở đôi bàn tay của trẻ. Chỉ cần nắm tay trẻ thấy ấm là có thể yên tâm.
Trong thời gian một ngày, dù lạnh, cũng nên cho trẻ ra ngoài ít nhất một lần vừa thoáng khí vừa giúp trẻ làm quen với môi trường.
Sử dụng những thiết bị sưởi (đèn sưởi, bếp than,…)?
Khi sử dụng các thiết bị sưởi như đèn sưởi, bếp than, bếp củi,… tất cả đều rất ảnh hưởng đến sức khỏe, vì khí CO2 trong các bếp này phát ra sẽ đốt khí oxy trong phòng.
Điều quan trọng cần phải lưu ý khi sử dụng là đặc trưng của những thiết bị sưởi ấm thường khiến không khí trở nên khô và thiếu oxy.
|
"Trong thời gian một ngày, dù lạnh, cũng nên cho trẻ ra ngoài ít nhất một lần vừa thoáng khí vừa giúp trẻ làm quen với môi trường". Ảnh: Loan Bảo. |
Vì thế, trong một ngày, ít nhất phải tắt các thiết bị thông gió từ một đến ba lần. Các thiết bị chỉ được sử dụng sáu, bảy tiếng rồi phải tắt đi để không khí đỡ khô. Trong phòng nên có, cốc nước hoặc bình nước hở để không khí đỡ khô.
Dễ nhiễm Virus vì sức đề kháng kém
Mùa lạnh trẻ dễ bị các bệnh viêm đường hô hấp do nhiễm lạnh hoặc do không khí quá khô, mũi sẽ dị ứng dẫn đến những viêm nhiễm khác.
Vì thế, ngoài việc giữ ấm cho trẻ, việc cung cấp độ ẩm trong phòng là điều cần thiết.
Ngoài ra trẻ cũng cần bổ sung Vitamin do thiếu nắng kéo dài. Nên cha mẹ cần phải chú ý nhiều hơn.
Tuy nhiên, nhốt trẻ trong nhà suốt ngày cũng sẽ khiến trẻ dễ bị nhiễm Virus do sức đề kháng kém. Do vậy, cần lưu ý cho trẻ ra ngoài trời ít nhất một lần trong ngày.