“Đừng nghĩ TPP vào, mình được hưởng nhiều. Họ hưởng hết mình không được hưởng nhiều đâu. Tại vì họ là (buyer) người mua, mình không phải người mua. Mình làm hết, còn họ dán nhãn hiệu. Có chăng đi nữa mình có cơ hội để làm”, ông chủ Khu công nghiệp Việt Hương (Bình Dương) Hàng Vay Chi cho biết tại Tọa đàm "TPP trong mắt doanh nghiệp Việt" tổ chức tại TP.HCM mới đây.
“Chúng tôi đã chủ động đầu tư một liên doanh 160 triệu USD, trong đó Mỹ chiếm 32%, Hong Kong chiếm 32%, và Việt Nam 36%. Như vậy Việt Nam mình là chủ đạo. Tại sao phải liên doanh? Tại vì cái thị trường. Mình nhìn trong TPP là 12 nước, thực ra mình xuất đi Mỹ, Canada với Úc là thị trường không lớn lắm”, ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch Tập đoàn Việt Hương nói.
Và với TPP, ông Chi cho rằng doanh nghiệp của mình có hai điều mừng. Thứ nhất với khu công nghiệp, chắc chắn nước ngoài sẽ tràn vào, mà họ không kịp mua đất để xây nhà máy.
Thứ hai là cách đây 6 năm doanh nghiệp của ông đã phát triển ngành vật dụng, với nhà máy vải jeans lớn nhất nhì Việt Nam. Tuy nhiên ông cho biết về cách tiếp thị doanh nghiệp Việt vẫn thua xa nước ngoài nhiều.
“Mặc dù kỹ thuật của tôi là nước ngoài, tôi thuê giám đốc Mỹ, tôi thuê kỹ thuật Thượng Hải. Nhưng ngành này đổi mới liên tục, mới từ hóa chất, mới kỹ thuật… Tới bây giờ những công ty lớn của mình chưa chủ động đưa ra được mẫu. Trong khi nhà máy lớn của người ta đã đưa được mẫu mã trước cả năm, họ đi tiếp thị hết ở Paris, New York… Mình chưa làm được cái đó.”, ông Chi đánh giá.
Thế nên ông cho rằng buộc lòng mình phải liên doanh, thứ nhất để lấy thị trường, thứ hai để lấy kỹ thuật, thứ ba có thể là cách quản lý. Mình đầu tư thiết bị chiều sâu tốt thì nâng được giá bán, quản lý tốt thì hạ được giá thành.
|
Ông Chi cho rằng đừng nghĩ TPP vào mình hưởng nhiều. |
Ông Chi cho rằng Việt Nam có 3 ngành mũi nhọn khi vào TPP là dệt may, giày da túi xách và nông sản, trong đó dệt may là sáng giá nhất tại vì thị trường rất là lớn và cạnh tranh 12 nước TPP không có đối thủ. Sắp tới TPP có hiệu lực thì FDI chắc chắn sẽ tràn vào.
Tạm thời chấp nhận FDI vào thay màu áo, họ nước ngoài nhưng khoác áo Việt Nam. Vì sản phẩm dù gì cũng Made in Vietnam. Nhưng mình phải có chủ trương.
“Hôm nay tôi liên doanh với anh nhưng tôi tích lũy vốn tôi mua lại của anh, đó là chuyện sòng phẳng tại vì không có ai không bán, được giá là bán, đó là quy luật của kinh doanh. Anh có tiền anh mua Microsoft còn được. Như vậy vấn đề là mình tích lũy”, ông Chi nhận định.
Ông Chi cho rằng: "Đừng nghĩ TPP vào, mình hưởng nhiều. Họ hưởng hết mình không được hưởng nhiều đâu. Tại vì họ là (buyer) người mua, mình không phải người mua. Mình làm hết họ dán nhãn hiệu. Có chăng đi nữa mình có cơ hội để làm".
Điều quan trọng, vẫn theo ông Hàng Vay Chi, "5 năm sau giá trị sản phẩm mình lớn, lúc đó mình tích lũy thì mua lại".
Như vậy chấp nhận FDI vào nhưng chấp nhận một cách có lộ trình chứ không phải chấp nhận tối ngày đi làm rồi không chịu cầu tiến.