TÌNH YÊU
Không có em/ biển đẹp để làm gì
Không có sóng
Biển là hồ nước lặng
Không có anh/ biển muôn đời vẫn mặn
Không có đôi mình
Biển đâu có bể dâu
“Mặt đất chẳng bao giờ bình yên đâu/ Nên Biển kia là Hồ nước mắt”.
Không có tình yêu dẫn dắt
Chúng ta là kẻ mù loà”.
Lời bình: Đinh Ngọc Diệp
Lấy câu thơ của nhà thơ Huy Trụ như là đề từ: “Không có em/ biển đẹp để làm gì", nhà thơ Phạm Đăng Sương khai triển và đi đến cùng mạch thơ riêng độc đáo của mình.
Nhà thơ trực tiếp giãi bày tâm trạng, nói cách khác, tâm trạng nhà thơ chính là “nhân vật trữ tình” của bài thơ mà không cần thông qua các đại từ “trung gian” như: “tôi/ ta” hay “anh/ em”…
Phần đầu bài thơ khẳng định những thực thể/ cặp phạm trù vốn độc lập về bản chất: biển và hồ, anh và biển mặn: “Không có sóng / Biển là hồ nước lặng" - - trong đó, Biển “Không có sóng” chỉ là một tình huống “giả sử”- thêm một cách khẳng định: đã là biển thì luôn có sóng và vì có sóng nên biển luôn khác biệt với hồ. 2 câu tiếp theo cũng tương tự: “Không có anh / biển muôn đời vẫn mặn”.
Hai câu tiếp theo, thơ bỗng nhiên “có biến”: ““Không có đôi mình / Biển đâu có bể dâu””.
Biển cũng là “Bể”- theo phương ngữ vùng, miền. Song, “bể dâu” thì khác đấy! Nó có gốc từ câu thành ngữ “bãi biển nương dâu” ám chỉ những biến cố lớn của thiên nhiên và xã hội, con người…
Một sự liên tưởng rất thú vị, báo hiệu những biến cố của tình yêu đôi lứa, “mở cánh cửa” cho thơ đi vào chiều sâu triết lý- là chủ đích của bài thơ: “Mặt đất chẳng bao giờ bình yên đâu / Nên Biển kia là Hồ nước mắt”.
Câu thơ dằn xuống, xót xa. Tình yêu- như mọi thứ tình cảm khác, nó cũng chịu sự xô đẩy, va đập của muôn vàn yếu tố khác.
![]() |
Không có đôi mình, biển đâu có bể dâu (Ảnh internet) |
Tựa như hai vật thể hút nhau, khi có một lực bên ngoài, lớn đến mức nào đó tác động vào (có lúc từ phía không ngờ, như câu thơ quen thuộc của nhà thơ Hữu Thỉnh:“Cây đổ về nơi không có nhát rìu…”); mà chủ thể của tình yêu không đủ tin tưởng, kiên trì, sẽ dẫn đến tan rã, chia lìa... Không có gì lạ!
Như vậy, từ câu thơ thứ 3 và 4 nói về biển và hồ là hai thực thể hoàn toàn độc lập. Bây giờ, thơ lại nói “biển là hồ nước mắt” - tưởng chừng như mâu thuẫn nhưng ngẫm lại rất lo- gic: Khi hồ có nỗi đau biểu trưng bằng nước mắt - và nỗi đau cứ lớn lên mãi, nước mắt đổ nhiều thêm, hồ lớn mãi lên..sẽ thành biển! Là biển đau khổ, tuyệt vọng của tình yêu không thành, nổi những cơn sóng dữ chôn vùi bao nhiêu mộng tưởng ban đầu.
Nhà thơ đã biết lùi xa, không chỉ nhìn sự tan vỡ trong một tình yêu cụ thể ở thì hiện tại- mà gắn với những biến cố tương tự trong trường kỳ lịch sử, từ khi Con Người biết yêu, để hình tượng và khái quát hoá "thân phận tình yêu”- đó là trạng thái tình cảm kỳ diệu bậc nhất của con người nhưng cũng là cái gì đó rất mong manh, dễ mất…
Đế đây, thơ đã tạo ra “nút thắt của tâm trạng” khi tình đổ vỡ, đưa mâu thuẫn nội tâm của nhà thơ đến cao trào như trong một vở kịch giàu kịch tính. Khiến người đọc phải tự đặt câu hỏi: liệu có cơ hội để có lại Tình Yêu gắn kết như buổi ban đầu?
Thật là khó lắm thay! Song, thơ bảo: Có đấy! Lại hỏi: yếu tố nào để gắn kết? Thì đây, xin đọc tiếp vao 2 câu thơ kết: “Không có tình yêu dẫn dắt / Chúng ta là kẻ mù loà”
Thì ra, chỉ có…Tình Yêu mới cứu vãn được Tình Yêu! Để Con Người không biến mình thành kẻ mù loà! Như vậy, thay vì đặt câu hỏi: Làm sao/ Cái gì để cứu Tình Yêu, chúng ta hãy đặt câu hỏi: Nếu không có Tình Yêu thì Con Người sẽ còn lại gì?
Đương nhiên, câu trả lời là sẽ là: không còn gì hết! Tình yêu - trong tình huống nào đó đang có nguy cơ đổ vỡ (kể cả không may đã đổ vỡ) thì Con Người cần trở lại với sự gắn kết trong cả một quá trình để kiểm nghiệm lại nó.
Trong đó, Tình yêu đích thực, lớn lao không chỉ là sự hưởng thụ riêng cá nhân, mà bao hàm trong nó cả tình thương/ ân nghĩa và cả sự thấu hiểu/ bao dung…
Đây là cách mà Tình Yêu - tự nó có thể chữa lành cho nó. Ngoài ra, không có phương tiện/ yếu tố hay phương thuốc thần diệu nào thay thế được…Tình Yêu cần và phải đặt trong Hy Vọng. Trong hiện tại và cả ở tương lai. Vì, như nhà thơ đã khẳng định: “Không có tình yêu dẫn dắt/ Chúng ta là kẻ mù loà”.
Bài thơ "Tình Yêu" của nhà thơ Đăng Sương, tình thơ dào dạt, như lời tự vấn xoáy lật vấn đề để tìm đến cốt lõi/ bản chất của tình yêu: Một tình yêu đích thực sẽ tự dìu dắt chính mình vượt qua mọi thử thách của ngoại cảnh.
Với điều kiện tiên quyết: trước sau người trong cuộc phải thành thật với bản thân và với nửa kia của mình. Bởi vì: “Không có tình yêu dẫn dắt/ Chúng ta là kẻ mù loà”. Suy ra: nếu không có tình yêu, chúng ta sẽ không có gì hết, kể cả một cuộc sống bình thường.
“Tình Yêu” là bài thơ vừa triết luận, vừa tự sự- trữ tình, xoắn xoắn xuýt, bện chặt, bổ sung cho nhau giữa 3 yếu tố, truyền cảm đến cả tình cảm và tư duy người đọc- không coi nhẹ bên nào!
Tags: