Xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình là hành vi xâm phạm đến quyền kết hôn, ly hôn, quyền nuôi dưỡng người thân trong gia đình. Pháp luật đã có chế tài xử lý đối với các hành vi này.
Bạo lực gia đình là một trong những biểu hiện rõ nhất của hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình.
Hiện nay, pháp luật đã có quy định rõ ràng về việc xử lý đối với hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình. Vậy thế nào là hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình? Các chế tài xử lý đối với hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình là gì?
|
Quy định pháp luật về xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình? (Hình minh họa) |
Xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình là gì?
Xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình là hành vi xâm phạm đến quyền kết hôn, ly hôn của công dân và sự bình đẳng, tiến bộ giữa vợ chồng, các quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng giữa những người thân trong gia đình với nhau.
Như vậy, Khách thể của các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình là quyền kết hôn, ly hôn của công dân và toàn bộ những quy định của pháp luật về kết hôn, ly hôn, nghĩa vụ và quyền giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, cấp dưỡng, xác định cha, mẹ, con, con nuôi, giám hộ, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và những vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình (chế độ hôn nhân và gia đình).
Chủ thể của tội phạm nói chung và của các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình nói riêng là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng không phải ai thực hiện hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình cũng là chủ thể của tội phạm này, mà chỉ những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định mới là chủ thể của tội phạm.
Đối với các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, người từ đủ 16 tuổi trở lên mới trở thành chủ thể của các tội phạm này.
Trong một số trường hợp chỉ một hoặc một số người mới là chủ thể của tội phạm, khoa học luật hình sự gọi là chủ thể đặc biệt.
Đối với các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình một trường hợp có chủ thể đặc biệt như: Tội loạn luân, người phạm tội phải là người cùng dòng máu trực hệ với nạn nhân.
Các tội về xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình
Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gồm 3 tội. Đó là: Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện; tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng; và tội tổ chức tảo hôn.
Trong nhóm tội phạm này, hành vi cưỡng ép ly hôn và hành vi cản trở ly hôn tự nguyện là hai hành vi mới được quy định trong BLHS năm 2015.
Trong khi đó, tội tảo hôn và tội đãng kí kết hôn trái pháp luật đã được quy định trong BLHS năm 1999 nhưng không còn được quy định trong BLHS năm 2015.
Các tội xâm phạm chế độ gia đình gồm 4 tội. Đó là: Tội loạn luân, tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình; tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng và tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Trong đó, tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là tội mởi được bô sung trong BLHS năm 2015.
Quy định pháp luật về xử lý tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình
Hình thức xử lý khi phạm tội xâm phạm chế độ hôn nhân được quy định cụ thể tại Điều 181, 182, 183, 184, 185, 186 và 187 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:
(1) Phạm tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện:
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
(2) Phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:
Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
+ Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
+ Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
(3) Phạm tội tổ chức tảo hôn: Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
(4) Phạm tội loạn luân: Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
(5) Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình:
Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
+ Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
(6) Phạm tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng:
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 mà còn vi phạm;
Nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
(7) Phạm tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại:
Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;
+ Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, người nào có hành vi xâm phạm các chế độ hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có thể bị xử phạt mức nhẹ nhất là phạt cảnh cáo và nặng nhất là xử lý hình sự phạt tù lên đến 05 năm.