Anh Lê Minh T. (Hà Nội) có bố qua đời, ngoài anh thì còn người mẹ kế nên băn khoăn không biết việc thừa kế tài sản sẽ được xử lý và phân chia như thế nào.
 |
Mẹ kế cũng được hưởng quyền thừa kế theo các quy định của pháp luật. |
Theo luật sư Ngô Thành Ba (VP Luật Niềm tin và Công Lý, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, tài sản do bố anh T. để lại sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật (quy định tại Điều 676, Bộ luật Dân sự 2015), trong đó, có anh T. đương nhiên là người được hưởng thừa kế hợp pháp.
Tuy nhiên, anh T. còn người mẹ kế đã sinh sống với bố anh từ rất lâu. Do đó, để xác định phân chia thừa kế, cần xác định mối quan hệ giữa bố anh T. và người vợ kia có hợp pháp hay không? Đồng thời xác định quyền của người vợ này với tài sản của bố anh T. đứng tên.
Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng vẫn có thể được hưởng thừa kế tài sản của nhau.
Cụ thể như sau, nếu bố anh T. và mẹ kế sống với nhau từ năm 1987 nhưng không đăng ký kết hôn, trường hợp này được coi là chung sống với nhau như vợ chồng và sẽ được hưởng các quyền lợi về quyền thừa kế. Các thời điểm sống chung như vợ chồng và không đăng ký kết hôn khác đều không được pháp luật công nhận có quan hệ hôn nhân để chia thừa kế. Các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng được hướng dẫn tại Khoản 3, Nghị quyết số 35/2000/QH10, ngày 09/6/2000 về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình.
Tuy nhiên, trường hợp trên giấy chứng nhận tài sản chỉ có tên của bố anh T. cũng không phải là căn cứ để xác định tài sản đó đương nhiên là tài sản riêng của bố anh. Nếu tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, không phải là tài sản mà bố anh T. được tặng cho riêng, thừa kế riêng thì tài sản đó sẽ được coi là tài sản chung vợ chồng.
Trong trường hợp pháp luật không công nhận họ là vợ chồng. Tài sản đứng tên bố anh T. sẽ là riêng của bố anh. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp, người mẹ kế có quyền yêu cầu tòa án xác định quyền lợi của người đó đối với tài sản này. Khi giải quyết tranh chấp, tòa án có thể tính đến công sức, tiền bạc do người vợ đó đóng góp vào việc hình thành tài sản (ví dụ: tiền góp mua chung đất, tiền xây nhà, tiền và công sức cải tạo nhà đất trong thời gian chung sống...).
Trường hợp khác, căn cứ Điều 609, Điều 626, Bộ luật Dân sự, dù mẹ kế anh T. không đủ điều kiện được pháp luật công nhận là vợ chồng nhưng vẫn có thể được hưởng thừa kế nếu bố anh T. có để lại di chúc chia tài sản cho bà.
Như vậy, để trả lời cho trường hợp của anh T, phải xác định rõ thời điểm họ bắt đầu chung sống mà không đăng ký kết hôn hoặc đã có đăng ký kết hôn để được công nhận là vợ chồng. Thứ 2, là bố anh T. có để lại di chúc chia thừa kế hay không./.