Chế Tiêu ngữ, xúc phạm Quốc kỳ đôi khi chỉ nhằm mục đích bông đùa nhưng đều là hành vi đặc biệt nghiêm cấm, gây ảnh hưởng tới sự trang nghiêm, uy tín, địa vị của quốc gia, dân tộc nên đều bị xử lý hết sức nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa.
 |
Xúc phạm Quốc kỳ là hành vi pháp luật nghiêm cấm |
Chế Tiêu ngữ tưởng chuyện đùa... hóa hình sự
Có thể lấy ví dụ, gần đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh về một văn bản với nội dung “Biên bản xử lý vi phạm lỡ mồm” đã chế Tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” với cũ Hạnh phúc bị đổi thành từ khác để bõn cợt. Sự việc sau đó được lan truyền và gây xôn xao mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc, đề nghị phải xử lý nghiêm hành vi trên.
Xung quanh hành vi tưởng chừng là một chuyện đùa giỡn của cá nhân nào đó nhưng không ngờ rằng là sự việc hết sức nghiêm trọng. Bởi, Quốc hiệu, Tiêu ngữ là biểu tượng chính trị, pháp lý của quốc gia, được quy định chặt chẽ trong hệ thống văn bản pháp luật. Việc tùy tiện sửa đổi, xuyên tạc không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với quy chuẩn pháp lý, mà còn làm ảnh hưởng đến tính thống nhất của những biểu tượng quốc gia quan trọng.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Nghị định 34/2016/NĐ-CP định nghĩa về Tiêu ngữ Việt Nam thì Quốc hiệu chính thức của Việt Nam là: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Tiêu ngữ đi kèm theo quốc hiệu là: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.
Hành vi sử dụng sai Quốc hiệu và Tiêu ngữ có thể bị coi là cung cấp thông tin sai sự thật hoặc xuyên tạc. Đặc biệt, nếu việc viết sai Quốc hiệu, Tiêu ngữ được lan truyền trên mạng xã hội, có thể rơi vào các trường hợp vi phạm pháp luật.
Cụ thể, hành vi sửa đổi Quốc hiệu và Tiêu ngữ và đăng tải trên mạng xã hội là vi phạm Luật An ninh mạng 2018, đặc biệt nếu nó gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức xã hội hoặc làm giảm uy tín của Nhà nước.
Theo Điều 101 Nghị định 15/2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022), hành vi đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân, 20-40 triệu đồng đối với tổ chức, đồng thời bị buộc gỡ bỏ nội dung vi phạm.
Nếu hành vi sai phạm nghiêm trọng, có mục đích xuyên tạc, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Nhà nước hoặc tác động tiêu cực đến xã hội, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 331, Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Như vậy, đối với hành vi chế Quốc hiệu và Tiêu ngữ, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị chế tài hành chính hoặc xử lý hình sự bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Do đó, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khi sử dụng Quốc hiệu, Tiêu ngữ cần tuân thủ đúng quy định, tránh làm sai lệch hoặc phát tán thông tin sai sự thật có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng.
Xúc phạm Quốc kỳ có thể bị phạt tù giam
Hoặc trước đó, khoảng 0h30 ngày 12/11/2024, Bùi Văn Bắc và Bùi Thanh Phong (Thanh Hóa) đi trên đường làng, thấy người dân treo cờ Tổ quốc chào mừng ngày đại đoàn kết, 2 thanh niên này đã có hành vi hủy hoại bằng cách xé rách một số lá cờ. Hành vi của Bắc và Phong bị phát hiện và xử lý về tội “Xúc phạm Quốc kỳ”.
Qua vụ việc nêu trên, rất nhiều người đặt câu hỏi và còn chưa nhận thức về hành vi như thế nào là xúc phạm Quốc kỳ. Theo đó, tại khoản 1, Điều 13, Hiến pháp năm 2013 quy định về Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau: “Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
Các hành vi được coi là xúc phạm Quốc kỳ như: Xé rách, ném, giật, đâm thủng, vò nát, giẫm đạp, đốt Quốc kỳ; Dùng Quốc kỳ trêu đùa cho vui; Viết, vẽ những nội dung không lành mạnh trên Quốc kỳ; Nhạo báng, chế giễu Quốc kỳ...
Và để răn đe những hành vi xúc phạm Quốc kỳ, theo BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.