Vợ hoặc chồng không đứng tên tài sản nhưng nếu chứng minh được nguồn gốc, hoặc là thỏa thuận trước đó của hai bên thì là tài sản chung và được phân chia khi ly hôn.
Trường hợp chị L.M.T (Nghệ An) cho biết, cách đây 10 năm, chồng đi xuất khẩu lao động, thời gian sau đó thường xuyên gửi tiền về cho chị tích lũy mua đất. Do chồng chị T đang ở nước ngoài nên tất cả các thửa đất đều do chị đứng tên và sử dụng. Sau khi về nước, chị T và chồng không còn tình cảm nên quyết định gửi đơn ra tòa án làm thủ tục ly hôn. Chị T thắc mắc là tài sản do chị đứng tên nhưng được mua bằng tiền của chồng gửi về thì sau này sẽ phân định như thế nào?
 |
Tài sản không đứng tên vợ hoặc chồng vẫn được phân chia trong ly hôn nếu xác định là tài sản chung hình thành trước đó |
Khi ly hôn phải chia tài sản như thế nào?
Khi vợ chồng ly hôn thì việc chia tài sản của vợ chồng sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 59, Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 7, Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, các quy định của pháp luật khác hướng dẫn liên quan.
Theo đó, trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn sẽ do các bên thỏa thuận với nhau; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, tòa án sẽ tiến hành giải quyết theo các quy định của pháp luật.
Còn trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định của pháp luật liên quan để giải quyết.
Trong trường hợp giải quyết chia tài sản của vợ chồng theo các quy định của pháp luật thì việc chia tài sản chỉ áp dụng đối với tài sản chung của vợ chồng, còn tài sản riêng của vợ, chồng sẽ thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định.
Như vậy, tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không phải chia khi vợ chồng ly hôn: Tài sản vợ chồng thỏa thuận không chia khi giải quyết ly hôn thì tòa án không giải quyết chia; Tài sản riêng của vợ, chồng thì thuộc quyền sở hữu riêng của người đó, không phải chia.
Không đứng tên tài sản có được chia không?
Theo Điều 34; khoản 2, Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất phụ thuộc vào nguồn gốc hình thành và thời điểm hình thành của tài sản mà không phụ thuộc vào việc ai đứng tên trong sổ đỏ. Đó cũng là cơ sở để tiến hành phân chia hoặc không phân chia tài sản đó.
Theo quy định, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, nếu có thỏa thuận chỉ một trong hai bên đứng tên, tài sản đó vẫn là tài sản chung của vợ chồng.
Do đó, tài sản là đất đai, tài sản gắn liền trên đất giấy chứng nhận sở hữu thì dù chỉ đứng tên chồng hoặc vợ, nhưng nếu thuộc nhóm tài sản chung thì vẫn được phân chia cho hai bên theo đúng quy định pháp luật về phân chia tài sản chung.