Theo luật sư Trương Anh Tú: Từ vụ sản xuất gần 600 loại sữa bột giả, gióng lên hồi chuông cảnh báo về ranh giới mong manh giữa kinh doanh hợp pháp và tội phạm hình sự. Không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, vụ án còn phơi bày những lỗ hổng trong kiểm soát chất lượng và vận hành doanh nghiệp - những rủi ro có thể đẩy lãnh đạo doanh nghiệp vào vòng tố tụng hình sự.
Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Đồng thời, khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây nói trên cùng 6 bị can khác về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng."
 |
Kho chứa các hộp sữa bột giả của nhóm đối tượng (Ảnh: VTV). |
Theo cơ quan công an, từ tháng 8/2021, nắm bắt được nhu cầu gia tăng của các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dạng bột (gọi chung là sữa bột) tại thị trường trong nước, nhóm đối tượng do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà chủ mưu cầm đầu thành lập doanh nghiệp Công ty Rance Pharma địa chỉ tại khu nhà ở Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội và Công ty Hacofood Group, địa chỉ tại LK52-10, Khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.
Đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này.
Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.
Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Ngoài 2 công ty nói trên được lập để tổ chức sản xuất các sản phẩm sữa bột giả, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác thành lập ra 9 công ty với mục đích để đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy của Công ty Hacofood và Công ty Rance Pharma.
 |
Cơ quan điều tra làm việc với Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Công ty Rance Pharma. Ảnh: Báo Công An Nhân Dân. |
Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Cuộc điều tra cũng cho thấy toàn bộ hoạt động tài chính, kế toán của Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood đều do Cường và Hà điều hành, trong đó có nhiều dấu hiệu vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV báo Pháp luật Việt Nam, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, chuyên gia hình sự - kinh tế, đã phân tích rõ bản chất pháp lý vụ án và đưa ra giải pháp phòng ngừa rủi ro hình sự trong quản trị doanh nghiệp.
Nó cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về ranh giới mong manh giữa kinh doanh hợp pháp và tội phạm hình sự.
Không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, vụ án còn phơi bày những lỗ hổng trong kiểm soát chất lượng và vận hành doanh nghiệp - những rủi ro có thể đẩy lãnh đạo doanh nghiệp vào vòng tố tụng hình sự.
 |
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm. |
Theo luật sư Trương Anh Tú: Vụ án này hội tụ đầy đủ các yếu tố của tội phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng: hành vi có tổ chức, kéo dài nhiều năm, hướng vào nhóm người tiêu dùng yếu thế (trẻ nhỏ, người bệnh), và đạt doanh thu bất chính gần 500 tỷ đồng.
Quan trọng hơn, không chỉ sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, các đối tượng còn vi phạm quy định về kế toán, hợp thức hóa dòng tiền, che giấu sai phạm, khiến thiệt hại lan rộng cả trong hệ thống tài chính - thuế.
Về pháp lý, hành vi này có thể bị truy tố theo Điều 193 Bộ luật Hình sự, với mức án cao nhất là chung thân. Đồng thời, nếu có căn cứ, còn có thể xử lý thêm về các tội trốn thuế, vi phạm kế toán, rửa tiền.
Câu nói “sai một ly, đi một đời” trong trường hợp này không chỉ mang ý nghĩa đạo lý, mà còn hoàn toàn đúng về mặt pháp lý: một hành vi tưởng như chỉ là “lách luật”, “tạm thời để vượt khó” nếu không dừng lại đúng lúc, sẽ dẫn đến trách nhiệm hình sự nghiêm khắc, tịch thu tài sản, mất uy tín, mất tương lai.
Đó là bài học không chỉ cho cá nhân phạm tội, mà cho cả những ai đang coi thường chuẩn mực pháp luật trong kinh doanh.
Ngoài ra, luật sư Trương Anh Tú cũng cho biết, vụ án có thể đặt ra rủi ro gì cho các doanh nghiệp đang kinh doanh thực phẩm, dược phẩm và chuỗi cung ứng hiện nay.
Cụ thể, ba loại rủi ro phổ biến mà doanh nghiệp thường bỏ qua: Rủi ro hình sự về chất lượng hàng hóa: Khi sản phẩm không đúng như công bố, quảng cáo sai sự thật hoặc không đạt tiêu chuẩn đã đăng ký, doanh nghiệp có thể bị quy kết sản xuất, kinh doanh hàng giả - kể cả khi không cố ý.
Rủi ro liên đới trong phân phối: Đại lý, nhà thuốc, siêu thị, chuỗi cung ứng nếu không kiểm soát nguồn gốc - chất lượng, hoàn toàn có thể trở thành người bị hại hoặc người có trách nhiệm liên quan trong quá trình tố tụng hình sự.
Rủi ro về kế toán - tài chính: Sử dụng báo cáo sai lệch, không minh bạch hóa dòng tiền, “lách” thuế hay chi phí ảo có thể dẫn đến vi phạm pháp luật kế toán - thuế, kéo theo hậu quả hình sự.
Chính vì thế, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề pháp lý, mà theo luật sư Trương Anh Tú cho rằng: Phần lớn CEO vẫn xem pháp luật như một “cái khóa” để xử lý khi có tranh chấp, chứ chưa coi là “bản đồ an toàn” cho vận hành và tăng trưởng.
Ở các nước phát triển, một CEO tốt phải là người hiểu rõ ranh giới pháp lý, biết mình đang đứng ở đâu trong chuỗi rủi ro, và có đội ngũ luật sư tư vấn thường trực - như cách họ có kế toán trưởng hay kiểm toán viên nội bộ.
Ở TAT Law Firm, chúng tôi không chỉ hỗ trợ doanh nhân khi có sự cố pháp lý, mà còn thiết kế hệ thống kiểm soát rủi ro hình sự - tài chính từ bên trong, giúp doanh nghiệp “miễn dịch” với pháp luật từ đầu.
Để tránh những rủi ro trên, luật sư Trương Anh Tú đã đưa ra những tham vấn hết sức cụ thể, như: Doanh nghiệp nên chủ động: Rà soát lại toàn bộ quy trình công bố - quảng cáo - phân phối sản phẩm, đặc biệt các sản phẩm liên quan sức khỏe cộng đồng; Thiết lập bộ phận kiểm soát tuân thủ nội bộ, phối hợp chặt với kế toán và bộ phận pháp chế; Tham vấn luật sư theo định kỳ, không chỉ khi “có biến”.
Chúng tôi từng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp thiết lập cơ chế phòng ngừa hiệu quả, không chỉ giảm thiểu rủi ro pháp lý, mà còn tăng năng lực quản trị và uy tín thị trường.
Những mô hình như thế nên được nhân rộng, nhất là trong bối cảnh pháp luật đang ngày càng siết chặt trách nhiệm hình sự đối với tổ chức kinh tế.
"Tôi mong các doanh nhân đừng “đánh cược” tương lai bằng sự chủ quan. Pháp luật không chờ đến lúc doanh nghiệp phá sản hay vướng vòng lao lý mới phát huy tác dụng.
Hãy chủ động kiến tạo một nền tảng quản trị pháp lý vững chắc - điều đó sẽ giúp doanh nghiệp trường tồn và nhà lãnh đạo ngủ ngon mỗi đêm", luật sư Trương An Tú nhấn mạnh.