Thực trạng quảng cáo sai sự thật về bản chất, tính chất của hàng hóa, sản phẩm đang trở nên khá phổ biến trên các kênh thông tin truyền thông, đặc biệt là trên nền tảng mạng xã hội. Vậy, quảng cáo sai sự thật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào?
 |
Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục quảng cáo sai sự thật về công dụng của kẹo rau Kera |
Quảng cáo sai sự thật là gì?
Sau vụ việc quảng cáo sản phẩm kẹo Kera của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Sản xuất hàng giả" và "Lừa dối khách hàng" xảy ra tại Công ty CP ASIA LIFE và Công ty CP tập đoàn Chị em rọt xảy ra tại TPHCM và Đắk Lắk.
Đồng thời, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 5 cá nhân có vai trò chủ chốt trong hoạt động sản xuất, phân phối, quảng bá sản phẩm kẹo rau củ Kera - sản phẩm bị tố cáo thổi phồng công dụng, gây hiểu nhầm và lừa dối người tiêu dùng.
Vụ việc Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục là điển hình cho thấy việc quảng cáo sai sự thật đang diễn ra rất đại trà trên các kênh thông tin, đặc biệt là mạng xã hội. Hiện nay, rất nhiều cá nhân, tổ chức quảng cáo sai lệch về sản phẩm, thậm chí là sai lệch hoàn toàn với thực tế, bởi nhiều trường hợp các đơn vị được thuê dịch vụ quảng cáo nhưng không kiểm tra nội dung, thông tin quảng cáo có đúng sự thật chỉ hướng đến lợi nhuận, làm sao để càng nhiều khách hàng mua càng tốt. Do đó, khách hàng cũng vì những quảng cáo sai sự thật đó mà mua các sản phẩm không phù hợp, chất lượng thấp.
Quảng cáo sai sự thật được giải thích cụ thể tại khoản 7, Điều 109, Luật Thương mại số 36/2005/QH11 quy định về các loại quảng cáo bị cấm như sau: “Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ.”
Đồng thời, tại khoản 9, Điều 8, Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13, quảng cáo sai sự thật cũng được hiểu là việc quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về khả năng kinh doanh và khả năng cung cấp các loại hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng này, gây nhầm lẫn về số lượng, chất lượng, giá cả, công dụng, nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu, bao bì, kiểu dáng, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của các hàng hoá, sản phẩm và dịch vụ đã được đăng ký hoặc công bố.
Có thể bị xử lý hình sự
Một trong những hành vi tổ chức, cá nhân bị nghiêm cấm thực hiện trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định tại khoản 1, Điều 10, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đó là: “Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh bán, cung cấp; uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh; nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh; hình ảnh, giấy tờ, tài liệu chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh”.
Đồng thời, tại Điều 8, Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định, một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động quảnhg cáo đó là: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.
Căn cứ Điều 34, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trên từ 60 đến 80 triệu đồng. Trường hợp người vi phạm là tổ chức thì phải chịu mức phạt gấp hai lần số tiền phạt đối với cá nhân (căn cứ theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, người vi phạm còn phải chấp hành hình thức thử phạt bổ sung:
Bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.
Cùng với đó, còn phải thực hiện các biện phác khắc phục hậu quả gồm: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo và buộc cải chính thông tin.
Ngoài ra, hành vi quảng cáo sản phẩm không đúng chất lượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Quảng cáo gian dối" quy định tại Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt tù đến 03 năm nếu người quảng cáo gian dối đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.