
Với hơn 540 nghìn hòa giải viên ở cơ sở trên cả nước hiện nay là những người rất trách nhiệm, uy tín. Các cụ xưa có câu “thấy ăn thì đến, thấy đánh thì đi”, nhưng hòa giải viên cơ sở (HGVCS) thì ngược lại, nơi nào có cãi cọ, mâu thuẫn là họ có mặt để khuyên can, ngăn ngừa sự việc bùng phát có nguy cơ vi vi phạm pháp luật.
Họ đã lặng lẽ góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho người dân tại cơ sở. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế và vướng mắc…
Theo một báo cáo của Bộ Tư pháp về tổng kết 10 năm thực hiện Luật HGVCS tính từ khi luật này có hiệu lực đến hết năm 2023, cả nước tiếp nhận 1364806 vụ, việc hòa giải (trung bình 136481 vụ việc trong một năm).
Trong đó hòa giải thành đạt 85,13%. Tỷ lệ này đáp ứng được yêu cầu của Bộ Tư pháp đề ra.
Công tác này đã góp phần rất lớn vào việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế và vướng mắc.
Nói về vấn đề trên, tiến sỹ Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục Pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) cho biết, theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, bên cạnh những thành tựu đã đạt được công tác này cũng còn những tồn tại như: Một bộ phận người dân chưa nhận thức được đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa và nhiệm vụ của tổ hòa giải, hòa giải viên, chưa thực sự tin tưởng vào hoạt động hòa giải nên khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp thường đề nghị cơ quan chính quyền giải quyết.
Phần lớn hòa giải viên là người cao tuổi chưa qua đào tạo về luật hoặc chưa từng công tác trong các ngành, lĩnh vực liên quan về pháp luật, đồng thời, chưa thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, cung cấp tài liệu, kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết phục vụ công tác hòa giải.

Về thể chế, thiếu các quy định, cơ chế cụ thể thu hút đội ngũ luật sư, luật gia, công an xã, dân quân tự vệ... tham gia vào hoạt động hòa giải góp phần nâng cao chất lượng công tác này.
Thiếu các nguồn lực đảm bảo cho công tác hoà giải ở cơ sở, mặc dù đã có quy định về hỗ trợ kinh phí trong Luật Hòa giải ở cơ sở và Thông tư số 56/2023/TT-BTC.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ kinh phí cho các tổ hòa giải còn chưa đồng đều, chưa đáp ứng được theo quy định; vì vậy, đây là một trong các yếu tố chưa kịp thời động viên, khuyến khích được các hòa giải viên.
Còn theo đại diện Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang cho biết, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn tồn tại nhiều hạn chế, do ở một số địa phương đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải cơ sở nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác này, mạng lưới tổ hòa giải chưa đồng đều, số lượng hòa giải viên tổ hòa giải còn ít; tổ hòa giải ở một số nơi hoạt động còn mang tính hình thức.
“Đội ngũ hòa giải viên thường xuyên có sự biến động, thay đổi; việc cập nhật kiến thức pháp luật của một số hòa giải viên còn khó khăn, trong khi đó các quan hệ xã hội phát sinh ở cơ sở được điều chỉnh ở nhiều văn bản, nhiều quy định khác nhau”, bà Lý Thị Hương Giang - Trưởng Phòng Nghiệp vụ 1, Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang chia sẻ.
Xác định được tầm quan trọng của công tác hòa giải cơ sở, những năm gần đây, Bộ Tư pháp cũng như cấp ủy chính quyền và ngành chức năng ở các tỉnh trên cả nước, đã quan tâm, kiện toàn các tổ hoà giải và nâng cao chất lượng đội ngũ hoà giải viên.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, một số hoà giải viên, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, năng lực hoà giải không đồng đều. Trong khi đó, biến động của cơ chế thị trường, các mâu thuẫn, tranh chấp trong dân cư có xu hướng phức tạp, nhất là ở lĩnh vực đất đai, hôn nhân gia đình đòi hỏi hòa giải viên phải có kiến thức pháp luật nhất định, phương pháp xử lý phải nhuần nhuyễn mới hòa giải thành công.
Tiến sỹ Ngô Quỳnh Hoa cho rằng, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò tầm quan trọng của công tác hòa giải cơ sở nên chưa có sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn sát sao.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận chưa tham gia tích cực, chưa phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Công tác truyền thông về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế xã hội chưa được chú trọng, dẫn tới một bộ phận người dân chưa nhận thức được đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa và nhiệm vụ của tổ hòa giải, hòa giải viên.
Phần lớn hòa giải viên là người cao tuổi chưa qua đào tạo về luật hoặc chưa từng công tác trong các ngành liên quan về pháp luật. Đồng thời, chưa thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng, phương pháp, cung cấp tài liệu, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết phục vụ hoạt động hòa giải.
Ngoài ra, theo tiến sỹ Ngô Quỳnh Hoa còn tồn tại một số nguyên nhân khách quan, một số quy định của Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành còn vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn.

“Mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải trong Nhân dân gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp của vụ việc, nhất là tranh chấp trong lĩnh vực đất đai”, Tiến sỹ Ngô Quỳnh Hoa cho hay.
Bên cạnh đó, người dân vùng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số việc phát triển HGVCS gặp muôn vàn khó khăn, hạn chế.
Theo bà Nông Thị Kim Xuyến - Trưởng phòng Tư pháp huyện Mường Khương (Lào cai), do sự nhận thức pháp luật của nhân dân còn nhiều hạn chế nên việc tuyên truyền vận động, giải quyết các vụ việc tranh chấp trong nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải (công tác tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật có liên quan cho hòa giải viên chưa được thực hiện thường xuyên, một số công chức Tư pháp - Hộ tịch chưa làm tốt vai trò tham mưu trong quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở…).
“Các hoà giải viên cơ bản đều là người dân tộc thiểu số nên việc áp dụng pháp luật còn hạn chế trong các vụ việc hoà giải. Trong quá trình hòa giải, một số hòa giải viên ngại va chạm, chưa mạnh dạn, thiếu nhiệt tình nên chưa kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh. Hoạt động hoà giải còn mang tính hình thức, chưa chú trọng chiều sâu”, bà Xuyến nói.
Cũng theo vị lãnh đạo phòng Tư pháp Mường Khương, việc huy động nguồn lực cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa được tiến hành một cách đồng bộ và thống nhất.
Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải phải kiêm nhiệm nhiều việc; các hoà giải viên chưa được quan tâm trang bị kiến thức pháp lý và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; một số hòa giải viên còn hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải…
Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và phổ biến kinh nghiệm thực tiễn, đào tạo kỹ năng hòa giải, cung cấp tài liệu pháp luật, tài liệu nghiệp vụ cho hòa giải viên chưa được thực hiện thường xuyên và kịp thời.
Hoạt động này thường do cơ quan Tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện, đa phần các xã chưa tổ chức tập huấn được cho hòa giải viên.
Bà Nông Thị Kim Xuyến - Trưởng phòng Tư pháp huyện Mường Khương (Lào cai) cho biết, với đội ngũ làm công tác hoà giải nhiều người không có phụ cấp, công việc hòa giải ngày càng nhiều, tâm lý của một số hòa giải viên cho rằng việc hòa giải là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên các hòa giải viên chưa thật sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. |
Cùng quan điểm, bà Lưu Thị Lan Hương - Trưởng phòng Tư pháp huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cho biết, do đặc thù địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đa số hòa giải viên là người cao tuổi nên khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hòa giải ở cơ sở rất hạn chế, như: Biên bản hòa giải vụ việc (hòa giải viên dùng chữ viết tay theo mẫu in sẵn) dẫn đến việc tẩy xóa, sửa chữa, số lượng biên bản lập giao cho các bên tham gia hòa giải…mất nhiều thời gian.
Một bất cập, mà nó trở thành “bài toán muôn thủa” đó chính là kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở. Theo Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở quy định mức chi thù lao tối đa cho hòa giải viên là 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải.
Tuy nhiên, thực tiễn thì việc chi trả trên chưa được đồng bộ, có khi ở trong cùng 1 tỉnh nhưng việc chi trả mỗi nơi mỗi khác. Hơn thế nữa, so với sự phát triển của kinh tế thị trường, số tiền chi trả cho thù lao cho hoà giải viên, tổ hoà giải như thế là thấp.
Nói với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Văn Dư – Trưởng phòng Tư pháp huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) cho hay: “Thông thường các xã thường chậm chi trả, hoặc 6 tháng mới chi trả 1 lần, nguyên do là khi hòa giải xong mỗi vụ, thôn, tổ dân phố mới làm hồ sơ có biên bản cam kết giữa các bên để chuyển lên xã, do số tiền ít nên mỗi năm xã chỉ chi trả 2 lần nên khó tạo động lực cho các hòa giải viên tại cơ sở”.
Như lời tiến sỹ Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục Pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp): Nguồn ngân sách nhà nước ở cấp huyện, đặc biệt là ở cấp xã còn khó khăn nên việc bố trí kinh phí cho công tác hòa giải chưa đảm bảo.
Việc phân bổ ngân sách cho các địa phương không quy định rõ ràng, chi tiết các mục chi do địa phương cân đối nên một số địa phương không ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Bà Nông Thị Kim Xuyến, Trưởng phòng Tư pháp huyện Mường Khương cho rằng, việc bố trí kinh phí cho công tác hoà giải cơ sở, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản hướng dẫn lập dự toán kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn (với tổng kinh phí là 573.000.000 đồng).
“Chính quyền các cấp, cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp hỗ trợ. Tuy nhiên, phần lớn chủ yếu từ nguồn ngân sách địa phương. Mà huyện Mường Khương là huyện còn nghèo, nên nguồn kinh phí còn eo hẹp, nên việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải chưa được chú trọng, việc khen thưởng, chi thù lao cho hoà giải viên chưa thực hiện kịp thời.
Nhiều đội ngũ hòa giải viên không có phụ cấp, tâm lý của một số hòa giải viên cho rằng việc hòa giải là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên các hòa giải viên chưa thật sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc”, bà Xuyến cho biết.
Đấy cũng là tâm lý chung của các HGVCS trên cả nước, việc tham gia hoạt động hòa giải phần lớn là dựa trên tinh thần tự nguyện, trách nhiệm với cộng đồng chứ thù lao cho công việc không lớn, thiết nghĩ cơ quan ban ngành cần có nhiều chính sách, có sự quan tâm hơn nữa đối với đội ngũ HGVCS.
Cũng bởi, Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 đã quy định hòa giải viên có quyền “hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải”, nên địa phương cũng nên cân đối nguồn ngân sách hỗ trợ cho các HGVCS để họ làm tròn nhiệm vụ.
Mời độc giả đón đọc kỳ tới: Bài 4 (bài cuối) - Giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở trong bối cảnh hiện nay
Bài, ảnh: Đặng Vũ - Duy Khương - Giào Họ - Nguyễn Xinh Kỹ thuật, đồ họa: P. Họ. |