Dù vì bất cứ lý do gì thì hành vi của hai người đàn ông đi xe máy cố ý chạy lên đường Vành đai 2 trên cao là đường chỉ dành cho xe hơi; sau đó tạt đầu ô tô, đánh người là sai rõ ràng. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng đặt ra vấn đề, vì sao lại xảy ra việc “xung đột ứng xử” giữa người đi xe hơi và người đi xe máy? Có phải vì “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên”?
Sự việc xôn xao dư luận khi một clip được đăng tải công khai trên mạng xã hội cho thấy chiều 25/2, một phụ nữ lái ô tô trên Vành đai 2 bị hai người đàn ông đi xe máy, không đội mũ bảo hiểm, liên tục tạt đầu. “Xe máy đánh võng, chuyển làn, tạt đầu các ô tô cùng chiều. Ô tô nào bấm còi thì họ dùng chân đạp vào xe và đấm vào kính”, người này phản ánh. Khi ô tô của chị đi chậm, hai người đàn ông liên tục đạp vào hông xe. Khi một ô tô khác đi cùng chiều vượt lên, hai người đàn ông bị cho là tiếp tục lái xe máy chặn trước chửi bới, liên tục kéo giật cửa kính ô tô. Lúc tài xế xuống xe, một trong hai người đã lao đến đòi tấn công.
Nghe những thông tin trên, tài xế nào cũng lo ngại vì sợ mình có thể rơi vào tình trạng tương tự; đang đi trên đường dành cho xe hơi, lại bị xe máy “vô cớ” xuất hiện đe dọa uy hiếp, nguy cơ tai nạn.
Sự việc ngay sau đó đã được công an xác định rất nhanh. Chỉ hai ngày sau, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã tạm giữ hai người đàn ông (38 và 44 tuổi) trong vụ việc. Trái với hình ảnh hung hăng như trong clip được chia sẻ trên mạng xã hội, hai người đàn ông được miêu tả “cúi gằm mặt, ngồi lặng lẽ viết lời khai”.
Người cầm lái xe máy tỏ ra ân hận khi kể về hành động mất kiểm soát của mình. Anh này cho rằng chiều 25/2, khi đi đến chân cầu Vĩnh Tuy, bị một người đàn ông ngồi trên ô tô mở cửa kính xe chửi và nhổ nước bọt. “Tôi bức xúc đuổi theo ô tô này tới đường Vành đai 2 trên cao. Ô tô đi nhanh quá, bọn tôi không đuổi kịp. Sau đó biết được xe màu trắng phía sau ghi hình, tôi liền chặn đầu xe yêu cầu không quay clip nữa. Đi được một đoạn, tôi bị một xe khác hạ kính chửi và cũng quay clip. Tôi thò tay vào xe gạt điện thoại. Sau đó hai bên dừng xe, lời qua tiếng lại rồi xô xát”, anh này cho rằng “không kiểm soát được cảm xúc vì bị nhổ nước bọt” và “khi sự việc xảy ra rồi, tôi mới nhận thức được hành vi của mình là sai”.
Nghe thông tin từ hai phía, mới thấy rõ trong câu chuyện này, văn hóa giao thông của hai bên đều rất “có vấn đề”. Hai người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm là sai quy định, gây ra cái nhìn phản cảm với người đi đường. Người đi xe hơi hạ kính phun nước bọt ra ngoài trúng người đi xe máy là không thể chấp nhận. Rồi “những cái đầu nóng” gặp nhau, dẫn đến cãi cọ, truy đuổi nhau, vi phạm giao thông, thậm chí xô xát… Sự việc chỉ xuất phát từ yếu tố văn hóa giao thông không cao, mà hậu quả có thể dẫn đến một vụ án gây rối trật tự công cộng. Đây là bài học để mỗi người tham gia giao thông cùng nhìn nhận, ngẫm nghĩ, tránh những trường hợp tương tự.